Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Mía ướp hương bưởi _ Nồng nàn Hà Nội

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An… 

Người Hà Nội tinh tế nên không thể thờ ơ với những thay đổi của đất trời, không thể không níu giữ hương bưởi nồng nàn.

Hương bưởi cứ phảng phất trong những căn nhà của người Hà Nội quấn quýt, vương vấn không rời. Người Tràng An còn khám phá ra một món ăn riêng của mình, một món ăn bình dân mà thật thanh nhã, toát lên nét thanh lịch của con người nơi đây: mía ướp hương bưởi.

 Hoa bưởi

Bọn trẻ chúng ta có lẽ chỉ biết đến mía ướp hương bưởi khi được đọc tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao qua truyện ngắn “Đôi mắt”. Trong đó, nhân vật Hoàng dù đang phải cùng gia đình đi sơ tán nhưng vẫn không thể bỏ được thói quen tinh tế của người Hà Nội, đó là món mía ướp hoa bưởi. Chỉ đọc thôi mà chúng ta đã như cảm nhận được vị ngọt thơm của nó rồi.

Như để gom hết hương sắc cho mùa hè, hòa cùng bầu trời trong xanh và chói chang nắng vàng, hoa bưởi nở bung trắng trời tạo nên những gam màu đẹp cho bức tranh thiên nhiên rực rỡ. Cũng màu trắng muốt như hoa ban của núi rừng Tây Bắc, nhưng hoa bưởi còn có cả sự ngọc ngà, thanh khiết và tinh tế của Hà Nội. Cái nắng nóng của mùa hè như càng làm cho hương bưởi nồng nàn hơn, còn khi cơn mưa rào qua đi, hương bưởi lại thoang thoảng, dịu nhẹ.

Người Hà Nội như muốn lưu giữ lại những hương vị của thiên nhiên, đất trời. Vì thế, mía ướp hương bưởi cũng góp phần tạo nên sự phong phú trong ẩm thực nơi đây. Tuy dân dã là vậy nhưng người Hà Nội lại chẳng “dễ tính” chút nào trong việc lựa chọn mía và hoa bưởi. Để có được những món mía ướp hoàn hảo thì ngoài việc chọn mía và hái hoa bưởi cũng đòi hỏi sự kỹ càng.

Việc chọn mía đòi hỏi rất nhiều thời gian. Phải là những tấm mía giữa cây mới ngọt và mịn nước. Nếu chọn phần ngọn hay phần gốc thì mía sẽ bị chua và cứng. Người tiện mía phải thật dẻo tay để khi bẻ ra, từng khúc từng khúc cứ mịn màng, đều tăm tắp. Những khúc mía sau khi tiện có màu vàng óng như mật ong trông thật bắt mắt. Chỉ nhìn thôi đã thấy ngọt lịm nơi đầu lưỡi rồi.

Mía ướp hương hoa bưởi

Hoa bưởi được chọn phải là những bông có đài to, tươi tắn và vừa chớm nở, có như vậy thì hương hoa mới nồng nàn và mới đủ để thấm vào những khúc mía mọng nước kia nhiều hơn.

Khi hái hoa, người Hà Thành cũng thể hiện được sự khéo léo của mình. Lúc hái người ta cũng phải rất kĩ lưỡng khi chọn đúng thời điểm. Nếu hái lúc vừa sáng sớm thì hoa chưa tỏa ngát hương. Còn nếu để tầm trưa mới hái thì hương hoa bưởi đã gửi theo những cơn gió mà bay đi. Vì vậy, người dân nơi đây chọn đúng tầm nắng mới lên, những cánh hoa bưởi chúm chím hé nở, ngào ngạt hương thơm nồng đượm nhất.

Ngày trước, người Tràng An thường dùng những chiếc túi bóng trắng trong và xếp những khúc mía đã được tiện đều tay, họ bỏ những cánh hoa bưởi trắng muốt còn e ấp vào đó và buộc kín lại như để cho hương bưởi đừng bay đi. Ngày đó, chưa sử dụng tủ lạnh phổ biến như bây giờ, người ta chọn những nơi thật mát mẻ, vẩy nước giếng sâu mát lạnh ra ngoài vỏ túi ni lông để hương bưởi có thể ngấm sâu vào những thớ mía. Sau một giờ là đã có một đĩa mía ướp hương bưởi ngát hương. Với vị ngọt thanh thanh tự nhiên của mía hòa quyện với hương nồng nàn hoa bưởi đã tạo nên một mùi hương khó phai trong lòng những người Hà Nội xưa.

Ngày nay, nhịp sống hiện đại đã tạo nên một quỹ thời gian chật hẹp cho mỗi người. Vì vậy mà người dân Hà Nội chẳng mấy ai còn giữ được thói quen ướp mía bằng hoa bưởi nữa bởi hoa bưởi thì khó kiếm và việc chế biến mía từ khâu chọn tới róc, tiện mía cũng khá cầu kỳ.

Nhiều người vẫn muốn tìm được cảm giác ẩm thực xưa nhưng có lẽ người ta không có nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để làm món mía ướp hương bưởi thanh nhã nhưng không kém phần tinh tế này. Vì vậy mà khó có thể chinh phục được những người khó tính và có hơi chút cầu kì trong ẩm thực luôn khao khát tìm lại mùi hương mang theo cả nỗi nhớ về một thời xa xưa ấy. Những khúc mía ướp hoa bưởi ngát hương cũng không còn dễ tìm trên đường phố Hà Nội nay. 

 Theo Cẩm nan du lịch Hà Nội

Thơm ngon cá đối đỏ chiên giòn


Nguyên liệu:

-Cá đối đỏ: 350g
-Thịt muối Parma: 200g
-100g trái ô-liu đen, 100g bông atiso, 3 cây tỏi tây (boa-rô) non, 3 quả cà chua, 75ml giấm sherry, vài lá húng quế, vài quả ớt, 2 ổ bánh mì, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu, 2 thìa cà phê dầu hạt dẻ, ½ thìa cà phê nước tương, 1 thìa cà phê giấm balsamic; Nước hầm gà, dầu ăn, dầu ô-liu, 1 thìa súp giấm trắng

Cách làm:

-Cá đối làm sạch, ướp muối, tiêu, dầu hạt dẻ, nước tương, để thấm 30 phút. Làm nóng dầu ăn, cho cá đối vào chiên vàng hai mặt. Thịt muối xắt lát mỏng. Quả ô-liu xắt đôi.

-Atiso rửa sạch, ngâm với nước chanh, sau đó nấu cùng với nước hầm gà và dầu ô-liu, nêm nếm vừa ăn. Rửa sạch tỏi tây, luộc chín, vớt ra cho vào nước lạnh

-Cà chua rửa sạch, gọt vỏ, cắt hạt lựu. Cho cà chua vào giấm sherry, cho húng quế và ớt thái nhỏ vào. Thái vỏ chanh thành từng lát mỏng dài, ướp chung với vài lá húng quế.

-Cắt bánh mì thành từng lát mỏng hình tròn khoảng 2cm, nướng cùng dầu ô-liu cho đến khi có màu vàng nâu.

-Nước xốt verde: Trộn đều dầu ô-liu, cá trổng, bạch hoa, giấm trắng, tỏi, đinh hương, lá mùi tây và một ít vụn bánh mì.


Bày lần lượt cá đối đỏi, thịt muối nướng atiso, tỏi tây, cà chua, trái ô-liu đen, chanh thái lát lên đĩa. Rưới nước xốt verde, dầu ô-liu và giấm balsamic, trang trí bằng lá húng quế, bánh mì tròn chung quanh đĩa.

Mách nhỏ: Cá đối chọn con to, vẩy cá nguyên vẹn, sáng bóng, mang đỏ, thịt chắc. Cá thân ngắn, bụng to thường là cá cái có trứng rất ngon.

Theo Xã Luận

Cùng biến tấu với món thạch cam

MNCT - Vị ngọt tự nhiên của nước cam hòa cùng vị mát mát, dẻo dẻo của thạch tạo nên một món ăn vặt - tráng miệng tuyệt ngon cho mùa hè!


Nguyên liệu:

-Từ 3 - 4 quả cam vàng
-50gr đường cát trắng
-10gr bột rau câu dẻo
-350ml nước cam (được lấy từ nước quả cam vắt ra).

Cách làm:

- Cam bổ đôi theo chiều dọc.
- Dùng đồ vắt cam để vắt lấy nước cam, bạn nhớ bỏ hạt cam để thạch không bị đắng, nạo sạch phần xác múi cam, giữ lại vỏ cam để trang trí. Đong lấy 350ml nước cam, nếu thiếu bạn có thể vắt thêm nước cam. Có thể dùng hơn 4 quả cam tùy loại cam bạn mua nhiều hay ít nước.
- Trộn đều hỗn hợp đường, bột rau câu, nước cam vắt trong một nồi nhỏ rồi cho lên bếp, vừa đun vừa dùng muôi khấy đều để hỗn hợp rau câu và đường tan. Nêm nếm lại theo khẩu vị, vì tùy theo độ chua, ngọt của cam mà bạn điều chỉnh lượng đường cho phù hợp. Đun sôi đến khi rau câu và đường tan hết.
- Đổ từng muôi nhỏ hỗn hợp rau câu vào vỏ cam đã dựng sẵn. Bạn có thể đựng vỏ cam vào bát nhỏ, vừa với kích cỡ của vỏ cam để hỗn hợp rau câu không bị chảy ra ngoài.
- Đợi rau câu nguội bạn cho vào tủ lạnh, rau câu sẽ đông lại.
- Nếu thích bạn có thể đổ rau câu vào khuôn hoặc cốc sillicon, đợi rau câu nguội bạn cho vào tủ lạnh để rau câu đông lại rồi lấy ra cũng rất đẹp.
- Khi ăn, cắt mỗi nửa quả cam thành các múi cam rồi bày lên đĩa.

Vị ngọt tự nhiên của nước cam hòa cùng vị mát mát, dẻo dẻo của thạch tạo nên một món ăn vặt - tráng miệng tuyệt ngon cho mùa hè, nhất là khi nhà có khách thì món này là một sự lựa chọn chắc chắn sẽ khiến các vị khách ngạc nhiên thích thú.


Thoạt nhìn những miếng thạch giống những lát cam được bổ ra, nhưng khi cắn nhẹ vào lát cam lại là vị mát rượi thanh thanh của thạch rau câu. Cách làm rất đơn giản, bạn hãy thử trổ tài nhé!

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Theo Maskonline

Náo nhiệt cơm chay dịp rằm tháng bảy

Tâm linh người Việt

Đã từ lâu việc ăn chay không còn là chuyện hiếm, nhưng cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, việc ăn chay lại trở nên nhộn nhịp hơn và dần dần nó đang trở thành một nét văn hóa đẹp trong tâm linh người Việt.

Xuất phát từ câu chuyện xa xưa, rằm tháng bảy được coi là ngày lễ Vu lan báo hiếu cho cha mẹ, là ngày cúng chúng sinh với mong muốn các linh hồn được siêu thoát. Cho nên, với người Việt - luôn coi trọng nghi lễ, tổ tiên thì việc ăn chay vào những ngày này chính là một cách để đền ơn những người đã sinh thành ra mình và mong cho những "cô hồn" lang thang đây đó "không nơi nương tựa" được siêu thoát, để thấy mình thanh thản hơn.

Tự làm đồ chay cúng rằm

Đa số ở khu vực nông thôn hay các vùng ngoại thành, cơm chay trong những ngày này được cúng đơn giản, và những món chay, đồ chay đều tự làm. Chẳng hạn một mâm cỗ giản dị với bánh mật, bánh chay, hoa quả, một bát cháo trắng, gạo, muối... hay đi làm lễ cầu siêu ở các cửa chùa... như vậy cũng đã đủ cho sự thành tâm rồi.

Nhưng ở thành phố, người dân lại cầu kỳ hơn trong việc cúng rằm. Hương Ly (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ, "Trước đây cứ đến tháng 7 âm là lại hì hụi chế biến món này món nọ, làm thì thích nhưng ngốn nhiều thời gian quá. Song bây giờ tiện hơn nhiều rồi, các đồ hàng chay được bày bán rất nhiều ở chợ hay ở các gian hàng trong siêu thị mà giá cả lại ổn định".

Người thành phố cầu kỳ hơn trong việc cúng rằm (Ảnh minh họa)

Thực vậy, nhiều hệ thống siêu thị nắm bắt được tâm lý người dân đã chuẩn bị nguồn hàng chay từ khá sớm với số lượng lớn, thậm chí có cả chương trình giảm giá, khuyến mại cho hàng chay, rau củ quả tươi trong dịp lễ đầy chất tâm linh này.

Chị Mai Chi, một nhân viên văn phòng (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, chị và bạn bè rất ưa thích các món chay như thịt gà cắt lát, xúc xích xốt cà chua, chà bông, pa tê... mà giá rất phải chăng, chỉ trung bình từ 30.000đ/sản phẩm.

Còn chị Hồng Thuận, chủ một quán cà phê (Ba Đình - Hà Nội) thích thú nói rằng, ngoài các đồ chay chính, bây giờ thị trường còn tung ra các loại gia vị, hạt nêm, nước mắm, nước tương chay... nên chị rất yên tâm chế biến món ăn mà không sợ thiếu nguyên liệu.

Như vậy, có lẽ, trong tương lai, thị trường đồ chay sẽ có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong những ngày này.

Các thực đơn chay cúng rằm đầy hấp dẫn

Có lẽ, đây chính là dịp mà các quán hàng chay khách ra vào nhộn nhịp nhất, vì thế họ thi nhau đưa ra các thực đơn độc đáo, hấp dẫn đề chào mời thực khách.

Nhiều chủ quán hàng chay cho biết, càng giáp rằm, lượng khách đến quán tăng 2 - 3 lần so với những ngày thông thường. Xăng mới tăng giá, cho nên giá thực đơn chay cũng nhỉnh lên đôi chút, tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được thực khách thích đồ chay đến với cửa hàng.

Nhiều nhà hàng đưa ra các thực đơn chay hấp dẫn để mời chào thực khách (Ảnh minh họa)

Bên cạnh việc đến ăn đồ chay ngay tại chỗ, có nhiều gia đình lại có nhu cầu đặt các mâm cỗ chay về cúng ở nhà.

Chị Hoài Thu (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, do quá bận bịu không có nhiều thời gian chế biến nên cơm chay được gia đình chị đặt ở các nhà hàng. Chị còn chia sẻ, do tâm lý "Cúng cả năm không bằng rằm tháng 7" nên nhiều gia đình chịu bỏ ra cả tiền triệu sắm cỗ. Song, đa phần người dân đặt các mâm cỗ có giá dưới con số này.
Theo chủ một quán cơm chay, mỗi mâm cỗ chay thông thường có giá từ 300.000đ/ mâm đến 700.000đ/mâm. Loại cỗ được nhiều người đặt nhất là 500.000đ/mâm. Vì loại mâm cỗ này có số lượng món ăn vừa đủ lại có giá cả rất hợp với túi tiền của người dân.

Dù là mâm cỗ 300.000đ hay 700.000đ thì số lượng món ăn/ một mâm cũng khá đầy đủ, trung bình từ 7 – 11 món, cũng có thể ít hoặc nhiều hơn tùy mỗi cửa hàng. Chị Hồng Nhung (Hoàn Kiếm - Hà Nội), một "tín đồ" chay bật mí, "các món ăn chay một mâm cỗ rất ngon, phong phú và hấp dẫn. Những món phổ biến nhất có nhiều mỗi mâm cỗ như nem hải sản, nem cuốn, rau xào thập cẩm, gà chiên, nộm ngó sen, cá thu xốt...

Theo MNCT

Tin sốc: Cơm nắm Việt... thách thức McDonald’s

MNCT - Trước hình ảnh một nữ tiếp viên trẻ cắn miếng cơm kẹp VietMac và thốt lên: "Quá ngon! Quá bổ dưỡng!", theo tờ The West Autralian, phản ứng của cô gái không phải là điển hình dành cho thức ăn nhanh, nhưng cơm kẹp rõ ràng là món ăn "độc nhất vô nhị" trên thế giới.

"Ở Malaysia, McDonald’s đã kiện thương hiệu Gà dùng chữ Mc. Khi cơm kẹp VietMac nổi tiếng toàn cầu, chữ 'Viet' chính là bùa hộ mạng", ông Thành nói.

Cơm kẹp VietMac đang gây bão trên thế giới. Đó là hai bánh cơm được ép chặt, kẹp với thịt, rau… Ông Ngô Trọng Thành, ông chủ VietMac, cho biết: Bánh hoàn toàn không có chất phụ gia, ăn bổ dưỡng hơn nhiều các loại đồ ăn nhanh khác.

Hiện, chỉ sau 1 năm khai trương cửa hàng đầu tiên, VietMac đến nay có tất cả 12 cửa hàng trên khắp Việt Nam và vào mùa hè này, món "cơm nắm" cách tân của người Việt sẽ đến Đức và Anh.

Theo ông Thanh, mục tiêu chinh phục thị trường của VietMac là tạo nên dây chuyền cửa hàng cơm kẹp thuần Việt có một không hai, với đối tượng khách hàng là giới trẻ, dân công sở, người độc thân và các gia đình trẻ. Với giá một phần ăn từ 1 USD đến 1,5 USD, ông Thành tin tưởng rằng, những người trẻ sẽ rất thích cơm kẹp VietMac.

Cơm kẹp VietMac đang gây bão trên thế giới.

"Cơm kẹp là một trong những biểu tượng của đồ ăn nhanh trên thế giới. Tôi muốn mang đến cho thực khách cảm giác thưởng thức món ăn như ở nhà. Việt Nam là đất nước lúa gạo, nên tôi đã làm chiếc bánh này bằng gạo", ông Thành chia sẻ và cho biết thêm: "Suất ăn VietMac gồm cơm kẹp và một bát súp. Đây là điều quan trọng để cân bằng tốt bữa ăn. Theo triết lý này, mọi thứ trên thế giới đều cần phải cân bằng, như: âm - dương, ngày - đêm. Ẩm thực Việt Nam cũng giống như thế!".

Ông chủ VietMac cũng tâm sự: "Cách đây 40 năm, khi tôi còn là một đứa trẻ, gia đình tôi nghèo lắm. Chúng tôi chỉ ăn cơm với rau mỗi ngày. Khi đi học, mẹ thường nắm cơm cho tôi mang tới trường. Nhiều đứa trẻ cùng độ tuổi tôi cũng thế".

Một cửa hàng cơm kẹp VietMac.

Bùi Tang, sinh viên ĐH Hawaii, cho biết, cơm kẹp VietMac là sự kết hợp giữa những hương vị truyền thống với công thức và thói quen ăn uống hiện đại. "Ẩm thực phản ánh nền văn hóa của một đất nước. Cơm kẹp VietMac hoàn toàn phù hợp với xu thế và nhu cầu của một nền kinh tế đang nổi vì mọi người có quá ít thời gian dành cho ăn uống. Người làm ra đồ ăn phải nắm bắt được điều này".

Hiện, với việc McDonald’s vẫn chưa có mặt ở Việt Nam, ông Thành có thể đăng ký thương hiệu VietMac và chắc chắn không gặp trục trặc nào ở trong nước. Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận, khi mở rộng kinh doanh trên toàn cần thì có thể gặp vướng mắc về tên và đó là lý do tại sao ông đã đăng ký thêm tên Vietburger.

"Ở Malaysia, McDonald’s đã kiện thương hiệu Gà dùng chữ Mc. Vì vậy, với tôi, khi VietMac trở nên nổi tiếng toàn cầu, chữ 'Viet' chính là bùa hộ mạng", ông Thành cho biết.

Ông Thành tự tin: "Cơm kẹp VietMac sẽ nổi tiếng. Tôi muốn mọi người trên thế giới thưởng thức cơm kẹp. Nếu bạn có thể tạo ra món ăn vừa kết hợp truyền thống với hiện đại, thì đó đã là thành công rồi”.

Theo Reuter

Thêm hương vị cho bữa tiệc với phi lê cá chẽm

MNCT - Món ăn chế biến cầu kỳ nhưng người dùng sẽ hài lòng bởi vị ngon và đẹp mắt.


Nguyên liệu:

-Phi lê cá chẽm: 800g
-Muối: ½ thìa cà phê
-¼ thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê ngò tây băm nhuyễn; Dầu ăn, cải bó xôi, măng tây trang trí
-Xốt rượu vang vàng: Cà rốt, cần tây, bí ngòi xanh, bí ngòi vàng mỗi thứ 80g xắt hạt lựu, 1 thìa súp mỡ gà, 2 thìa cà phê rượu vang vàng, 100g cải xoắn, 50g bơ lạt, 100g kem tươi
-Nấm morel om: 200g nấm morel, 50g bơ 2 tép tỏi băm, 1 thìa súp hẹ tây thái mỏng, 2 thìa súp mỡ gà; Dầu ô-liu

Cách làm:

-Phi lê cá chẽm rửa sạch, rắc muối, tiêu, ngò tây lên mặt cá, để khoảng 15 phút, trở mặt cho thấm. Làm bóng chảo bằng 3 thìa súp dầu ăn, cho cá vào chiên vàng 2 mặt, vớt ra.

-Nước xốt rượu vang: Luộc bí ngòi trong 2 phút, vớt ra cho vào thau nước đá. Cho chảo lên bếp, làm tan chảy bơ, cho cà rốt, cần tân và rượu vang vào xào lửa nhỏ. Cho mỡ gà, cải xoắn vào, thêm kem cho hỗn hợp dày lên, nêm chút muối, cho bí ngòi vào. Chan hỗn hợp lên cá chẽm phi lê.

-Nấm morel om: Nấm cắt gốc, rửa sạch, vớt ra ngâm nước lạnh, để ráo, cắt nấm làm đôi. Đun chảy bơ trong nồi, cho nấm vào xào, cho thêm tỏi băm, hẹ tây, dầu ô-liu vào để lửa nhỏ, thỉnh thoảng khuấy đến khi hỗn hợp chuyển sang màu vàng nâu. Cho mỡ gà vào nấu trong 30 phút đến khi nấm cô lại.

-Măng tây rửa sạch, bỏ phần gốc, canh từ phần ngọn cắt khúc khoảng 8cm, chần qua nước sôi có cho thêm tí muối, vớt ra ngâm vào nước lạnh. Một phần măng tây cắt thành lát mỏng, ngâm trong nước đá.

-Xếp măng tây đan vào nhau, chừa khoảng trống chính giữa cho nấm morel vào, đặt cá chẽm lên trên, rưới nước xốt xung quanh.

Mách nhỏ: Nấm morel có dạng mũ, giống như tổ ong hay miếng bọt biển. Nấm có hương vị thơm nồng, ngọt, dai đặc chưng, rất được ưa chuộng tại các nước phương Tây trong các bữa tiệc sang trọng.

Theo Xã Luận

Top 10 kỷ lục đặc sản nước chấm nổi tiếng của Việt Nam

MNCT - Lọt vào top 10 đặc sản nước chấm nổi tiếng nhất VN là những loại gia vị rất quen thuộc.

Khi nói đến ẩm thực Việt Nam, không một ai lại không nhắc nhở các món nước chấm, gia vị được dùng trong các bữa ăn. Các món nước chấm, gia vị tưởng như chỉ “bên lề” nhưng lại chính làm cho bữa ăn thêm đậm đà hấp dẫn. Vì vậy, từ rất lâu đã lưu truyền câu ca dao sau: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì. Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn". Điều này nói lên nhiều loại nước chấm, gia vị xứng đáng là đặc sản.

Dưới đây là 10 đặc sản nước chấm và gia vị nổi tiếng Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập và công bố từ tháng 8/2012.

1. Tương Bần (Hưng Yên)

Tương Bần là đặc sản của thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nghề làm tương Bần ở đây có từ thế kỷ 12, 13. Nguồn nguyên liệu để làm tương là gạo, ngô, đỗ tương... chủ yếu là đỗ tương.

Làng nghề tương bần Hưng Yên

Làng nghề tương Bần có khoảng 300 lao động làm nghề. Nhờ có máy móc xay nghiền nên làm tương giờ không vất vả như xưa. Nước ta có nhiều địa phương làm tương ngon và nổi tiếng nhưng Tương Bần vẫn là thứ đặc sản đã đi vào trong “truyền tụng” từ nhiều đời nay: Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.

2. Nước mắm Cát Hải (Hải Phòng)

Nước mắm Vạn Vân nổi tiếng một thời, chính là nước mắm Cát Hải. Nước mắm Vạn Vân nổi tiếng khắp cả nước nhờ hương vị đặc biệt của nó. Thứ hương không thể lẫn, đã nếm qua một lần là nhớ mãi. Để làm nước mắm, cá được đưa về phân loại, rồi trộn muối sơ chế ban đầu, sau đó ngâm ủ để cá lên men.

Quy trình sản xuất nước mắm Cát Hải

Qua 12 tháng, khi cá bắt đầu cho nước cốt, phải biết tách ra mà nấu, mà chế. Đây là bí quyết, là kỹ thuật, là nghề của những người thợ chế biến nước mắm Cát Hải. Nước mắm Cát Hải, qua bàn tay khéo léo, sự tần tảo chịu thương chịu khó và trên hết là tấm lòng của những người thợ đã chiếm lĩnh được sự yêu mến của khách hàng gần xa.

3. Tương Nam Đàn (Nghệ An)

Nam Đàn là một trong ba vùng làm tương ngon nổi tiếng cùng với tương Bần (Hưng Yên) và tương Cự Đà (Hà Nội). Tương Nam Đàn độc đáo, khác hai loại tương kia ở chỗ là "tương mảnh", hạt đậu làm tương chỉ xay vỡ thành "mảnh đậu" chứ không "nát như tương Bần". Chai tương Nam Đàn không có mầu nâu như tương Bần, mà vàng sánh như mật ong.

Tương bần Nam Đàn nổi tiếng

Những mảnh đậu lơ lửng trong nước tương đặc quánh, thơm và ngọt lịm. Lượng muối bỏ vào làm tương không ít, nhưng vị đậm đà của muối đã chìm đi, nhường chỗ cho hương vị của thứ nước chấm đặc sắc.Tương Nam Đàn, tương xứ Nghệ dễ mấy ai quên khi đã một lần thưởng thức.

4. Mắm tôm Hậu Lộc (Thanh Hóa)

Có nhiều nơi làm mắm tôm, song nhiều người sành ăn cho rằng mắm tôm Hậu Lộc ngon và rất quyến rũ. Người Hậu Lộc cho rằng, bí quyết chính tạo nên sự quyến rũ là ở con moi - nguyên liệu chính chế biến mắm tôm.

Khi đánh bắt được moi ngư dân giữ nguyên trong đụt lưới (lưới giã), chao sạch moi trong nước biển và đổ lên khoang tàu, nhặt bỏ tạp chất. Trước khi chế biến, moi tiếp tục được làm sạch, sau đó trộn đều với muối ăn, loại muối được bảo quản từ 3 tháng đến 1 năm.

Mắm tôm Hậu Lộc

Chăm sóc mắm là một công việc quan trọng quyết định đến chất lượng mắm thành phẩm. Mắm càng được chăm sóc kỹ thì mùi vị càng thơm ngon, ít “đứng nước”, mắm dẻo, mịn, màu đẹp.

5. Ruốc (Thừa Thiên - Huế)

Mắm với người dân xứ Huế là một phần không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Chẳng vì thế mà ngay tại khu chợ sầm uất Đông Ba đã hình thành nên cả một khu phố mắm tấp nập người bán kẻ buôn.

Mắm Ruốc Thừa Thiên

Vào khoảng tháng Giêng đến tháng Tư Âm lịch, khi mùa ruốc về, người ta lại làm mắm ruốc. Phải chọn con ruốc tươi, tuyệt đối không dùng nước lã để rửa vì ruốc sẽ bị thối rữa. Có hàng trăm món ngon chế biến mà thiếu mắm ruốc sẽ trở nên vô nghĩa, nhạt nhẽo. Nấu canh không có ruốc thì nồi canh dù có khéo tay chế biến cũng thành nhạt nhẽo vô duyên. Ruốc cũng là thứ gia vị chính yếu để hoà thành thứ nước chấm rau các loại.

6. Nước mắm Nha Trang (Khánh Hòa)

Chế biến nước mắm ở Nha Trang là một nghề truyền thống có từ lâu đời và được người tiêu dùng biết đến với hương vị thơm ngon đặc trưng. Sự nổi tiếng của nước mắm Nha Trang đã góp phần làm cho các làng nghề sản xuất nước mắm cổ truyền ở đây ngày càng phát triển và nhân rộng.

Nước mắm Nha Trang

Nước mắm Nha Trang thơm ngon bởi nhiều yếu tố nhưng trước tiên là do biên độ nhiệt độ ở Khánh Hòa ổn định và nhiều nắng gió nên cá được muối theo phương pháp cổ truyền trong thời gian từ 10 -12 tháng, chướp chín trong nhiệt độ thích hợp nên rất thơm ngon và màu sắc đẹp mắt. Nước mắm Nha Trang được làm từ những mẻ cá cơm, đặc chế theo phương pháp cổ truyền kết hợp công nghệ tiên tiến nên hương vị đặc biệt thơm ngon tinh khiết.

7. Nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận)

Ai đã một lần đến Bình Thuận, không thể không nhớ hương vị nồng nàn, thơm tho của nước mắm Phan Thiết. Những người làm nước mắm đã dùng những con cá cơm nhỏ nhắn, tươi nguyên, ủ trong lu khạp và đem phơi ở ngoài trời. Có lẽ nhờ cái nắng, cái gió của xứ này đã mang lại hương vị thơm ngon đậm đà của nước mắm Phan Thiết nổi danh cả trăm năm nay.

Nước mắm Phan Thiết được đựng trong lu khạp ngoài trời

Theo Địa chí Bình Thuận từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1930, nghề sản xuất nước mắm đã sớm trở thành một ngành công nghiệp độc đáo so với cả nước vừa là công nghiệp độc nhất trong nền kinh tế địa phương.

8. Muối tôm (Tây Ninh)

Muối và tôm là hai nguyên liệu chủ yếu để làm ra muối tôm. Và, qua bàn tay chế biến khéo léo của người dân nơi đây, muối tôm Tây Ninh đã được rất nhiều người ưa chuộng. Để có được những hạt muối tôm thơm ngon, phải trải qua rất nhiều công đoạn chế biến công phu.

Muối tôm Tây Ninh

Muối tôm Tây Ninh thường được dùng làm món chấm cho các loại trái cây, nhất là những loại có vị chua như: cóc, ổi, xoài… Ngoài ra, muối tôm nơi đây còn dùng để trộn chung với bánh tráng được xắt nhỏ và các loại rau khác tạo thành món bánh tráng trộn được rất nhiều bạn trẻ ưa thích.

9. Mắm ruốc (Bà Rịa Vũng Tàu)

Ruốc là con vật giống như con tôm, nhưng thân hình rất nhỏ. Con ruốc được ướp với muối để lâu ngày trộn lẫn với chất ngọt của con ruốc nên trở nên đậm đà. Mắm ruốc thường có màu hơi đen đen, đỏ đỏ và mùi thơm đặc trưng.

Mắm ruốc Bà Rịa

Đến nghỉ mát ở Vũng Tàu, khi về du khách thường hay mua mắm ruốc bà giáo Thảo làm quà. Mắm ruốc bà giáo Thảo đã nổi tiếng từ lâu; nên đến Vũng Tàu là phải tìm, hỏi cho ra mắm ruốc bà giáo Thảo. Đó là loại mắm đã được pha chế, sẵn sàng để dùng. Mắm ruốc bà giáo Thảo mua về chỉ cần thêm ít tỏi, ớt là ăn thấy ngon, nên nhiều người đã khen mắm ruốc bà giáo Thảo ngon, dịu chớ không mặn như các loại mắm ruốc khác.

10. Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)

Từ trên 200 năm nay, người dân Phú Quốc đã biết khai thác nguồn lợi cá cơm vốn rất dồi dào ở vùng biển Kiên Giang. Cũng từ đó, nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đã được hình thành và phát triển. Cá đánh bắt được rửa sạch và loại bỏ tạp chất, rồi trộn ướp muối ngay khi cá còn tươi. Tất cả được đổ vào thùng gỗ, gài nén ủ chượp theo phương pháp sản xuất truyền thống, để đủ 12 tháng cho ra một sản phẩm nước mắm mà không thể lẫn lộn với bất cứ nơi nào.

Nước mắm Phan Thiết được chứa trong thùng gỗ to

Nước mắm được sản xuất ở Phú Quốc tuân theo các tiêu chuẩn và quy định cũng như yêu cầu về nguyên liệu, quy trình chế biến nhằm tạo nên chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm mang tên gọi Phú Quốc.

Theo 24h Online

Mẹo "chữa" mặn cho nồi canh của bạn

MNCT - Có rất nhiều cách đễ chữa canh bị mặn, bạn hãy tham khảo các kinh nghiệm dưới đây nhé.


Chữa canh mặn

Chẳng may nếu lỡ tay bạn cho gia vị hơi mặn vào nồi canh hay nồi nước hầm, đừng quá lo lắng nhé, hãy tham khảo một số mẹo dưới đây để “chữa" canh bị mặn:

- Dùng vải bọc bột, cơm: Bạn có thể dùng một miếng vải thưa, hoặc vải xô bọc một ít cơm chín rồi thả và nồi canh. Cơm sẽ hút các phần tử muối trong canh, giúp cho nồi canh đáng lẽ rất ngon của bạn sẽ giảm bớt được vị mặn.

- Dùng lòng trắng trứng: Cho một lòng trắng trứng vào nồi canh, đun cho canh sôi lại. Trong quá trình nấu, chất albumin của lòng trắng hấp thụ phần muối thừa, canh sẽ nhạt, dễ ăn hơn. Sau đó bạn có thể dùng muôi vớt bỏ lòng trắng ra nhé.


Hoặc, nếu đây là một nồi canh xương, hoặc canh thập cẩm, thì bạn có thể cho hết “cái” ra ngoài, cho lòng trắng trứng gà đun sôi trong 15 phút. Sau đó vớt hết trứng nổi lên trên bề mặt nước canh rồi lại cho “cái” vào đun lại đến khi nào ăn.

- Dùng khoai tây: Hãy cho vào một củ khoai tây đã gọt vỏ, cắt lát vào, khoai sẽ rút bớt chất mặn trong canh.

Khoai tây có tác dụng sẽ rút bớt chất mặn trong canh (Ảnh minh họa)

- Đường: Cho một chút đường vào canh, súp, hay món hầm sẽ giúp giảm bớt vị mặn.


- Thêm nước: Cho thêm nước sẽ làm món canh bị loãng và không còn được ngon. Nhưng, nếu như dùng các mẹo trên mà canh vẫn còn mặn (do bạn cho quá nhiều muối, gia vị) thì bạn nên chấp nhận cho thêm nước vào nhé.


Các món ăn bị mặn

- Dùng nước chanh tươi: Khi món ăn bị mặn, bạn có thể cho thêm một chút nước chanh tươi vào để giảm bớt muối. Bạn hãy yên tâm, sử dụng nước chanh sẽ không làm mất mùi vị cơ bản của món ăn.

Cho nước chanh vào món ăn sẽ giúp giảm vị mặn nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị (Ảnh minh họa)

Lưu ý: bạn cần nhớ rằng, không cho nước chanh vào các món ăn có sản phẩm từ sữa vì tính a-xít của chanh sẽ khiến những thành phần có nguồn gốc từ sữa bị kết tủa.

- Dùng đường hoặc mật ong: Một ít đường hoặc mật ong cũng là biện pháp giúp bạn “giải cứu” món ăn đang bị mặn do có quá nhiều muối. Độ ngọt của đường và mật ong sẽ trung hòa, làm giảm bớt vị mặn. Tuy nhiên bạn cũng không nên cho nhiều quá nếu không món ăn sẽ lại có vị ngọt quá đà, không còn hấp dẫn nữa.

Độ ngọt của mật ong sẽ trung hòa, làm giảm vị mặn (Ảnh minh họa)

- Dùng sữa chua nguyên chất hoặc cà chua: Việc tăng cường thêm độ chua cho món ăn bằng cách sử dụng sữa chua nguyên chất hoặc cà chua sẽ làm cho vị của món ăn dịu lại, ít mặn hơn lúc ban đầu. Cách này đặc biệt phù hợp với các món ăn có thành phần từ sữa như phomai, kem tươi... bởi chúng không chỉ giúp món ăn bớt mặn mà còn ngon miệng hơn nữa.


- Cho thêm nguyên liệu: Nhiều người cho rằng, để giảm bớt độ mặn cho món ăn bị mặn là cho thêm nguyên liệu cơ bản có trong món ăn. Nếu thấy món ăn mặn hơn bình thường, bạn có thể nấu thêm một số thành phần chính và cho chúng vào món ăn. Tuy nhiên cách này chỉ hợp khi nhà bạn có sẵn các nguyên liệu này.


- Giấm thơm: Giấm thơm cũng là một loại gia vị có khả năng khử loại chất mặn của muối. Chỉ cần cho một lượng nhỏ giấm thơm vào món ăn, vị mặn sẽ từ từ giảm dần. Trong quá trình cho giấm vào, chỉ nên cho từng ít một rồi nếm thử cho đến khi cảm thấy vừa miệng.


Nói chung, có khá nhiều mẹo có thể giúp bạn trị món canh, món ăn bị mặn. Bạn hãy lựa chọn một cách thích hợp và thuận tiện nhất để thực hiện nếu chẳng may bạn lỡ tay bỏ nhiều muối vào canh khi chế biến nhé.

Theo MNCT

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Thay đổi khẩu vị với món chả nghêu

MNCT - Chả nghêu vị lạ, ăn nóng với bánh tráng, thêm ly bia nữa là hoàn hảo.


Nguyên liệu: 4 phần ăn:

-Nghêu thịt: 400g; 
-Giò sống: 300g; 
-Thịt nạc băm: 50g; 
-Cá thác lác: 100g; 
-Mỡ gáy heo: 50g; 
-Tiêu sọ: 1/2 muỗng càphê; 
-Tiêu xay: 1/2 muỗng càphê; 
-Muối: 1 muỗng càphê; 
-Đường:1/2 muỗng càphê; 
-Tỏi xay: 1/2 muỗng càphê; 
-Hành tím xay: 1 muỗng càphê; 
-Lá dứa: 10 lá

Chế biến & trình bày:

-Nghêu thịt rửa sạch, hấp chín, cắt nhỏ. Mỡ gáy cắt nhỏ ướp chút đường phơi gió cho trong.

-Trộn đều nghêu, thịt nạc, mỡ, giò sống, cá thác lác và các gia vị, để thấm khoảng 10 phút. Sau đó quết đều hỗn hợp cho đến lúc cả khối kết dính vào nhau.

-Vắt hỗn hợp thành từng vắt nhỏ 3 x 6cm mang hấp vừa ráo.

-Cuốn chả bằng lá dứa mang nướng trên lửa than. Thấy lá dứa vàng đều là được.

-Chả nghêu dọn ăn nóng với bánh tráng, bún, rau thơm và nước mắm chua ngọt.

Theo SGTT

Đậm đà với cá bạc má kho cà

MNCT - Nếu ai ngại ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ thì món cá kho cà này thích hợp đấy.



Nguyên liệu:

-1 kg cá bạc má (khoảng 6 con)
-½ kg cà chua
-500 ml nước dừa tươi

Cách làm:


-Cá ướp với 1 muỗng café muối, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm và ít đầu hành lá cắt nhuyễn (1).

-Cà chua băm nhỏ bỏ hay lấy hạt tùy thích (2) . Nếu bỏ hạt cà nhớ lược qua rây để lấy lại nước cà.

-Bắc chảo cho ít dầu, cho ít đầu hành lá phi thơm, xào cà cho chín, nêm ½ muỗng canh nước mắm, ½ muỗng canh đường (3).

-Xếp cà ở đáy nồi, 1 lớp cá, 1 lớp cà, 1 lớp cá và trên cùng là cà (4).

-Cho nước dừa vào ngập nồi cá. Kho lửa riu riu cho đến khi nước sắc xuống xâm xấp cá là vừa. Nêm lại cho vừa khẩu vị.


-Dọn cá rắc tiêu và ngò, dùng salad chấm với cá kho và rất ngon.

Chúc các bạn ngon miệng

Theo Afamily

Tự làm bánh bèo Huế đúng điệu!

MNCT - Tự tay làm những mâm bánh bèo thanh mát, đậm đà, thơm phức sẽ hấp dẫn và lôi cuốn các thành viên trong gia đình.


Nguyên liệu:

- 125gr bột gạo
- 20gr bột năng
- 250ml nước lạnh + 375 ml nước sôi
- 300gr tôm đất
- 1 củ hành tím, 1 củ tỏi nhỏ, hành lá
- Nước mắm, muối, tiêu và đường
- 30 chén nhỏ
- Ít bánh mỳ chiên hoặc da heo chiên giòn.


Cách làm:

Pha bột:

-Trộn 2 loại bột lại với nhau, thêm chút xíu muối.


-Đổ từ từ nước lạnh vào bột, quậy đều tay.


-Tiếp tục đổ 375ml nước sôi vào.


-Khuấy bột cho chúng tan đều, hòa quyện vào với nhau.


-Ngâm bột qua đêm, hoặc ngâm từ 4 đến 6 giờ đồng hồ. Việc ngâm bột có tác dụng làm bánh khi ăn không có mùi bột chua và bánh dai.


-Khi gần đổ bánh, bạn gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi.


-Đổ đi bao nhiêu nước trắng trên bề mặt bột thì bạn thay thế vào bấy nhiêu nước ấm. Khuấy nhẹ tay rồi để qua một bên.

Làm tôm chấy:

-Tôm lột vỏ, chẻ sống lưng lấy chỉ, rửa sạch rồi để vào rổ cho ráo nước. Giữ lại vỏ tôm để nấu làm nước mắm.


-Cho tôm vào cối giã hoặc dùng máy xay cho tôm mịn ra.


-Làm nóng chảo trên bếp với chút xíu dầu ăn, phi tỏi thơm. Đổ tôm vào, đảo đều tay, lửa nhỏ. Nêm chút xíu muối.


-Xào đến lúc nào thấy tôm hơi khô là được.

Làm nước mắm:

- Vỏ tôm dùng chày giã hơi nát, cho vào nồi nhỏ, đổ nước lạnh xâm xấp với bề mặt tôm với 1 củ hành tím đã xắt lát, nấu sôi. Lọc lại vỏ tôm đổ đi, chỉ giữ lại phần nước, để riêng, thêm vào ít đường.


- Đổ nước mắm vào phần nước đun vỏ tôm, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn, miễn sao nước mắm hơi ngọt và không quá mặn. Nước mắm ăn bánh bèo không có tỏi và không vắt chanh hay dấm, chỉ có ớt xanh xắt lát cho vào tùy độ ăn cay của bạn.

Làm hành phi:


-Hành lá cắt nhỏ trộn vào 1 muỗng cà phê dầu ăn, cho vào lò vi sóng rồi quay vài giây cho hành chín, để riêng.

Đổ bánh:

-Để sẵn chén bên cạnh, đổ nước vào nồi hấp, nấu sôi với lửa lớn.


-Trong khi chờ nước sôi, bạn thoa dầu ăn vào chén. Khi nước thật sôi bạn cho từng chén nhỏ đã thoa dầu ăn vào nồi.


-Chén nóng bạn đổ bột vào cỡ 2/3 chén. Đậy nắp lại,thỉnh thoảng mở nắp nồi để lau hơi nước đậy trên nắp nồi.


-Hấp khoảng 7 đến 8 phút thấy bánh trắng đục là bánh chín.


-Khi ăn đổ ít tôm chấy lên bề mặt bánh bèo, múc chút hành phi và ít bánh mỳ chiên rắc lên trên.


-Ai một lần đến Huế đều không thể không thưởng thức nhiều món đặc sản của đất Cố Đô như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc. Đặc biệt là bánh bèo chén, từng chiếc chén nhỏ phía trên có chút hành lá phi với dầu ăn và tôm chấy - vừa thơm vừa béo, vừa thanh mát mà cũng vô cùng đậm đà!

Theo Yến Nguyễn (MaskOnline)