Áp-xe gan do amíp (amibe) là căn bệnh khởi xuất từ biến chứng bệnh kiết lỵ mạn tính mà thủ phạm là amíp. Bệnh này thường gặp ở các xứ nhiệt đới như các nước Đông Nam Á và châu Phi nhưng ít gặp ở Việt Nam hiện nay.
Đường đi của thủ phạm amíp
Amíp, còn gọi “biến hình trùng”, là loại đơn bào không có hình dạng cố định, di chuyển nhờ vào các giả túc (Pseudopod, là phần nhô ra của tế bào chất theo hướng di chuyển). Tên khoa học amíp là Entamoeba histolytica, là dạng gây bệnh; còn Entamoeba coli là dạng tiềm sinh không gây bệnh, người bệnh thường có thể mang mầm bệnh nhưng không phát bệnh, tuy nhiên đây là cơ nguyên gây lan truyền bệnh. Có những nghiên cứu đã phát hiện các yếu tố có thể làm tăng hoạt lực của entamoeba từ dạng sống tiềm sinh thành dạng gây bệnh, như: tình trạng suy kiệt sau nguyên nhân (bệnh nặng; stress nặng như mất người thân, thất tình…), suy giảm miễn dịch… Tuy nhiên yếu tố làm entamoeba từ dạng không gây bệnh sang gây bệnh rõ nhất là mất cân bằng dòng vi trùng trong đường ruột, thường xảy ra sau dùng kháng sinh liều cao qua đường uống, làm chết các dòng vi trùng sống cộng sinh trong đường ruột, gây mất cân bằng sinh thái vi trùng trong đường ruột.
Entamoeba histolytica sống trong đường ruột dưới hai thể dưỡng bào và bào nang. Thể bào nang hiện diện trong ruột người khoẻ mạnh và thải ra ngoài theo phân. Ở những nơi còn bón phân người trong nông nghiệp hay đi cầu trên sông rạch ao hồ sẽ là nguồn lây nhiễm bệnh này. Khi ăn những rau củ quả hoặc uống nước có bào nang đó vào ruột non, các trypsin của dịch tiêu hoá sẽ phá huỷ các vỏ bọc và thải ra các thể dưỡng bào entamoeba. Các con entamoeba sẽ thường trú ở vùng manh tràng, khi có đủ các yếu tố thuận lợi chúng sẽ hoạt hóa thành dạng gây bệnh.
Để phát hiện sớm bệnh
80% áp-xe gan do amíp là ở gan phải. Ba triệu chứng chủ yếu là: đau vùng hạ sườn phải, sốt, gan to. Bệnh nhân có thể có tiền sử bị bệnh lỵ. Ngoài ra, khi có các triệu chứng nghi ngờ như đi cầu ra nhầy máu, mót cầu… cũng nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác.
Xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán áp-xe gan do amíp là xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể của amíp bằng phương pháp miễn dịch enzyme EIA. Xét nghiệm này duy trì kết quả dương tính thời gian dài (6 - 12 tháng). Sau khi đã trị khỏi và có thể dương tính ở những người không có triệu chứng đang sống ở vùng dịch tễ của amíp. Xét nghiệm huyết thanh thứ hai là tìm kháng nguyên của amíp bằng phương pháp ELISA. Xét nghiệm định lượng ELISA giúp chẩn đoán người bệnh bị lỵ amíp hay áp-xe do amíp, tuỳ nồng độ pha loãng huyết thanh với phản ứng dương tính và kháng nguyên.
Với phản ứng dương tính dưới 1/400, bệnh nhân có thể bị lỵ amíp; còn nếu phản ứng dương tính trên 1/800, bệnh nhân có thể bị áp-xe do amíp. Phản ứng ELISA còn giúp đánh giá kết quả điều trị áp-xe gan do amíp (nếu đáp ứng điều trị, sau một tháng phản ứng kháng nguyên sẽ giảm dưới 1/200).
Ngoài xét nghiệm huyết thanh thì với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm cũng giúp chẩn đoán chính xác tình trạng áp-xe, kích thước, vị trí… Siêu âm cũng giúp đánh giá kết quả điều trị, nếu sau điều trị có đáp ứng thì kích thước ổ áp-xe sẽ thu nhỏ lại.
Điều trị không nhất thiết phải phẫu thuật
Ápxe ở gan trái nguy hiểm hơn do tiếp xúc với màng tim, nếu vỡ sẽ gây tràn mủ màng tim, rất dễ tử vong.
Hiện nay với nhiều thuốc điều trị đặc hiệu như metronidazol, tinidazol… việc điều trị bệnh lỵ amíp đã trở nên hữu hiệu và làm giảm biến chứng áp-xe gan xuống đến mức thấp nhất. Từ đây, điều trị phẫu thuật cũng giảm hẳn, trừ trường hợp có biến chứng hay không đáp ứng với điều trị nội.
Biến chứng của áp-xe gan do amíp nếu không điều trị sẽ rất nặng, do 80% vị trí áp-xe gan loại này nằm ở nửa trên của gan nên liên quan nhiều đến cơ hoành. Ápxe ở gan phải có thể phá vỡ cơ hoành, gây tràn mủ màng phổi phải. Ápxe ở gan trái nguy hiểm hơn do tiếp xúc với màng tim, nếu vỡ sẽ gây tràn mủ màng tim, rất dễ tử vong. Do đó nếu ổ áp-xe to ở gan trái thì thường được khuyên phẫu thuật dẫn lưu mủ sớm để tránh biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, áp-xe ở gan phải nếu to cũng được khuyên nên dẫn lưu sớm. 20% áp-xe gan còn lại nằm ở nửa dưới gan cũng có thể gây biến chứng viêm phúc mạc nếu ổ áp-xe vỡ vào khoang phúc mạc.
Với các phương tiện chẩn đoán hiện đại, vệ sinh môi trường được cải thiện, các thuốc điều trị hiệu quả… bệnh lỵ amíp cũng như áp-xe do amíp ngày càng giảm dần và các biến chứng của áp xe do amíp hiện đã hiếm hẳn so với thập niên 1970 - 1980 tại Việt Nam.
Theo ThS.BS Dương Phước Hưng
Sài Gòn tiếp thị
0 nhận xét:
Đăng nhận xét