Đồng bào Cơtu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) thường lập làng sinh sống ở những vùng núi đá cheo leo, giữa lưng chừng trời. Địa hình hiểm trở và xa xôi ấy đã làm nên một tộc người Cơtu với bao huyền thoại kỳ bí về những độc dược có thể gây chết người chỉ sau vài phút giữa những cuộc giao tranh giữ đất, giữ làng.
Già làng Bh’riu Prăm đang giới thiệu về cách chế tác kịch độc Ch’pơơr - Ảnh: Vương Hoàng
Chế tác bí truyền
Chúng tôi tìm gặp già làng Bh’riu Prăm một ngày đầu xuân khi đặt chân đến huyện vùng cao Đông Giang. Trong góc nhà Gươl ở thôn văn hóa Bhờ Hồông, những câu chuyện về kịch độc Ch’pơơr – một loại kịch độc làm nên huyền thoại của người Cơtu giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ đã dần được già làng Bh’riu Prăm hé lộ.
Bên ánh lửa bập bùng, ngôi nhà Gươl càng thêm lung linh, huyền ảo và ấm áp; xua tan những cơn rét đặc thù ở các vùng miền núi. Một ít mật ong rừng được pha với mật nhân sâm mà già làng Bh’riu Prăm mang ra để tiếp những vị khách quý dưới xuôi khiến chúng tôi ấm lòng.
Già làng Bh’riu Prăm (85 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên ĐBQH khoá VI,VII,VIII) - người được coi như “từ điển sống” về văn hoá của đồng bào Cơtu - rung chòm râu bạc trắng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện làm nên huyền thoại về loại kịch độc bí truyền của người Cơtu. “Loại kịch độc Ch’pơơr là kết tinh của cả một quá trình sáng tạo của tổ tiên người Cơtu. Và chỉ có những người có uy tín, hoặc có tài săn bắn giỏi, được cả buôn làng tin tưởng mới được truyền lại công thức chế tạo. Không phải ai cũng có thể chế biến được kịch độc, thông thường ngoài người Cơtu thì tuyệt đối không ai có thể biết được bí quyết chế tác món kịch dược này” - già Prăm bắt đầu câu chuyện về .
Lấy cho chúng tôi xem một mũi tên được cất giấu trong một chiếc ống tên bằng lồ ô đã lên bóng, già làng Bh’riu Prăm chỉ vào đầu tên chỉ được gắn 1 mẩu sắt nhỏ, tẩm một ít mủ đen đầu mẩu sắt. “Ngó rứa đó, chứ con nai, con sóc đến con cọp, con gấu,… chỉ cần bị chất độc này dính vào thì chắc chắn không thể sống được quá 5 phút” – già Prăm khẳng định.
Trông thì đơn giản, bởi Ch’pơơr mà chúng tôi được xem chỉ là một vết nhựa màu xỉn ở đầu mũi tên, nhưng công thức để chế tác loại kịch độc này là cả một sự sáng tạo kì diệu của người Cơtu. “Ví dụ nhé! Rắn độc cắn bác sĩ dưới xuôi có thể cứu chữa được, chứ cái này (độc Ch’pơơr) dính vào thì không ai chữa được đâu!” – già Prăm xua tay nói.
Kịch độc chống thú dữ
Sống ở những vùng non cao, hiểm trở giữa thời thiết khắc nghiệt, từ xa xưa đồng bào Cơtu luôn phải đối mặt với những nguy hiểm do thú dữ tấn công. Chính vì sống giữa mối hiểm hoạ đang đe doạ rình rập mà người Cơtu đã biết chế tác ra những thứ vũ khí lợi hại nhằm duy trì cuộc sống cho buôn làng mình.
“Ngày ấy, thú dữ còn nhiều lắm. Đồng bào ngủ ở nhà Gươl bắt gặp cọp về tận bản; bắt trâu, bắt bò là chuyện không hiếm” – già làng Bh’riu Prăm kể. Kịch độc Ch’pơơr là một trong những giải pháp hữu hiệu chống lại sự tấn công của thú dữ giúp người Cơtu tự vệ và sinh tồn.
Khuya. Vùng cao rét đậm, những màn sương giăng ngang trên đỉnh nhà Gươl một lúc càng nhiều khiến chúng tôi phải ngồi yên một chỗ cho ấm. Già Prăm vẫn đang say sưa kể những câu chuyện về món độc dược bí truyền này. Một lát sau, già cho người gọi thêm một cụ ông nữa để tiếp chuyện. Đốt mạnh những nhánh củi khô cho ánh lửa cháy bùng lên sưởi ấm, già Prăm chỉ tay về phía một cụ ông vừa đến nói: “Đây là anh Bảy (cựu chiến binh Alăng Bảy - PV), một người con Cơtu đã dùng chất độc Ch’pơơr giết hàng chục con hổ, gấu, heo rừng,… bảo vệ buôn làng”.
Rít mạnh điếu thuốc còn đang cháy dở, ông Alăng Bảy nhả khói thuốc liên hồi tạo thành những vòng tròn xoáy trên không trung. Ông cười hào sảng, mắt sáng lên vẻ tự hào: “Năm đó, buôn làng mình sống ở giữa núi, hoang vu lắm nên các loài thú thường hay đến phá làng, bản. Ngày xưa, đồng bào làm gì có súng đạn như bây giờ, chỉ toàn dùng nỏ tẩm độc Ch’pơơr vào mũi tên để chống lại muôn thú dữ”.
Rồi ông Bảy trầm tư một hồi và chợt loé sáng mắt lên như nhớ ra một điều gì đó rất tự hào. Già Bảy tiếp: “Một lần, tôi theo người cha đến giữ đồi lúa trên một mái chòi được dựng trên sườn núi gần rẫy. Hôm đó khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi phát hiện một đàn heo rừng đến phá rẫy của nhà mình. Cha tôi cầm chiếc dụ (cây giáo của người đàn ông Cơtu) lao đến phóng thẳng vào đàn heo rừng đang ăn lúa khiến một con bị thương ở đùi. Do bị thương nên đàn heo càng hung dữ, chúng tiến đến rượt đuổi cha tôi mà tấn công. Được sự trợ lực của tôi kịp thời nên cha tôi đã thoát nạn.
Về sau, chính ông Alăng Bảy là một trong số những thanh niên, trai bản giữ được “kỷ lục” trong việc dùng nỏ chống thú dữ đến phá buôn làng. Và sau này, những kinh nghiệm quý báu từ việc vận dụng nọc độc Ch’pơơr đã được đồng bào Cơtu áp dụng trong việc đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ buôn làng.
Ch’pơơr là một loại cây rừng, thường mọc ở những vùng núi cao dọc các thượng nguồn sông suối, thác ghềnh. Mủ cây Ch’pơơr được người Cơtu chứa trong một chiếc lá, sau một quá trình thêm thắt các nguyên vật liệu, nấu kĩ, phơi sương, lại được cô đặc lại; mất gần 2 ngày mới có thể làm được Ch’pơơr. Loại kịch độc này được dùng để phết lên đầu mũi tên để đi săn là chủ yếu.
Tùy vào từng người có thể “thêm thắt” thêm một số chất liệu như nọc rắn, bồ hóng ở bếp hay mủ cây sơn…, nhưng điều quan trọng nhất của Ch’pơơr là một loại mủ lấy từ cuống lá của một loại cây đặc biệt. “Loại cây ấy thường mọc ở đầu nguồn những con thác, rất hiểm trở. Và chỉ có những người được “làm phép” mới có thể lấy được mủ để làm Ch’pơơr” (?!) |
(Còn nữa)
Vương Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét