người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

'Nên mời chuyên gia nước ngoài chữa trị cụ Rùa'

Các nhà bảo tồn và động vật học cho rằng nên hợp tác với các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong quá trình bắt và chữa trị cho Rùa hồ Gươm, Hà Nội.

Rùa hồ Gươm là loài quý hiếm, một trong bốn cá thể còn sót trên thế giới. Với người Việt Nam, rùa hồ Gươm còn mang giá trị tinh thần. "Việc lai dắt, chữa thương cho cụ Rùa cần làm cẩn thận, tránh sai sót dù là nhỏ nhất", ông Lê Xuân Rao, giám đốc Sở khoa học và công nghệ Hà Nội từng nói tại hội thảo về giải pháp bảo vệ rùa 15/2.

Cuộc vây bắt rùa không thành ngày 8/3. Ảnh: Hương Thu
Cuộc vây bắt rùa hồ Gươm ngày 8/3 không thành. Ảnh: Hương Thu.

Tiến sĩ Hà Đình Đức, người có 20 năm theo dõi Rùa hồ Gươm, cho rằng Việt Nam không thiếu nhà khoa học có tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm để chữa trị vết thương cho rùa, nên không cần thiết mời chuyên gia nước ngoài.

Timothy McCormack, điều phối viên Chương trình Rùa châu Á (ATP) bình luận, trong hôm bắt rùa hồ Gươm, đội bắt rùa đã làm việc rất tốt và có thể bắt được rùa nếu lưới đủ chắc chắn. Nhưng chuyên gia này không mấy ngạc nhiên về thất bại này: “Việc bắt rùa hồ Gươm rất khó, đây là loài có kích thước lớn và cũng giống như rùa mai mềm kích thước lớn khác, chúng rất khỏe và di chuyển nhanh trong nước. Hy vọng lần bắt sau sẽ may mắn hơn”.

McCormack cho rằng nên mời chuyên gia nước ngoài để đảm bảo tránh sai sót. “Trung Quốc có không ít chuyên gia thú y cao cấp song họ vẫn phải mời tiến sĩ Nimal Fernando là tiến sỹ thú y hàng đầu thế giới đang làm việc tại Hong Kong (Trung Quốc) đến chữa trị cho hai con rùa Hoàn Kiếm của họ".

"Điều quan trọng hơn, hai con rùa ở Trung Quốc lại cùng loài với cụ rùa đang sống ở hồ Gươm, nên việc mời chuyên gia có kinh nghiệm như Nimal Fernando sang Việt Nam là cần thiết", Timothy McCormack nói thêm.

Đồng tình quan điểm trên, ông Vũ Ngọc Thành, giảng viên khoa sinh học, Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội cho hay: “Sức khỏe và tính mạng của Rùa là quan trọng. Với sinh vật quý hiếm như rùa hồ Gươm thì nên có chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tham gia ngay từ đầu”.

Giáo sư Lê Trần Bình, Viện công nghệ sinh học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng, nên mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để tham gia quá trình chữa trị cho cụ Rùa. "Họ là những người có kinh nghiệm, trong khi chúng ta thì không, vì thế Việt Nam có thể tham khảo sự hiểu biết để áp dụng dễ dàng hơn đưa rùa lên cạn", ông Bình khuyên.

Tại hội thảo diễn ra ở Singapore cuối tháng 2 vừa qua, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về rùa trên cạn và dưới nước đã gửi với khuyến cáo về bắt giữ, lai dắt và điều trị rùa Hoàn Kiếm.

McCormack khẳng định: "Hầu hết các nhà khoa học quốc tế sẵn sàng sang Việt Nam tham gia chữa trị cho rùa hồ Gươm, nhưng chưa có chuyên gia quốc tế nào được mời tham gia trực tiếp hoạt động cứu hộ rùa hồ Gươm”.

Chuyên gia này cho biết tại Việt Nam, có hai chuyên gia thú y kỳ cựu sẵn sàng tham dự nếu được yêu cầu. Đó là Daniela Schrudde D.V.M, Giám đốc Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà, và tiến sỹ Ulrike Streicher, chuyên gia thú y về thú hoang, đang công tác tại một khu bảo tồn ở Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là quá trình chữa trị cho rùa”, McCormack nhận định. "Rùa hồ Gươm đã già, dù có chữa trị thành công sức khỏe cụ cũng không thể phục hồi tốt như xưa, nên mọi việc làm cần cẩn thận".

Ông vẫn nhấn mạnh cần tìm kiếm thêm cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam, tiến hành nhân giống cụ càng sớm càng tốt.

Hương Thu - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét