"Nhớ hồi nhỏ học mấy cái định nghĩa này nhưng giờ quên mất tiêu rồi, thôi cứ bỏ đại vào đó để công nhân thu gom phân loại sau", chị Hương, bán bánh mì dạo trên đường Hoàng Diệu (phường 3, quận 4, TP HCM) phân trần với VnExpress.net.
Chiếc thùng phân loại rác đã được đặt ở đây gần 2 năm, song nhiều người vẫn không hiểu rõ khái niệm "vô cơ", "hữu cơ" nên cứ tiện tay bỏ rác vào chiếc thùng nào ở gần nhất. Ảnh: Thi Ngoan. |
Ngay cạnh đó, một số phụ nữ bán hàng rong: nước giải khát, bánh ướt, bánh tráng ở khu dân cư quận 4 cho biết, hai chiếc thùng này: một màu xanh (ghi dòng chữ "rác hữu cơ") và một màu cam "rác vô cơ" đã được đặt ở đây từ gần 2 năm trước. Tuy nhiên khi hỏi đến, đa phần họ không hiểu rõ các từ này, mà chủ yếu bỏ rác vào thùng theo thói quen.
"Thùng nào ở gần thì tiện tay vứt vào thôi. Mà tui bỏ rác vào đây là giữ vệ sinh lắm rồi, nhiều người đi đường trông trí thức lắm còn vứt đại xuống chân thùng chứ đâu có cho vào trong", một chị bán bánh ướt góp chuyện.
Theo định nghĩa, rác vô cơ được hiểu là những chất thải rắn như: giấy, chai lọ thủy tinh, nhựa, túi ni lông... có thể tái chế; còn rác hữu cơ bao gồm các loại thức ăn thừa, rau quả, thịt, cá, các chất thải sau khi chế biến và các loại rác khác cần được tiêu hủy hoặc xử lý làm phân bón.
Tuy nhiên theo quan sát của VnExpress.net, ở nhiều thùng rác hai ngăn như trên tại TP HCM, người đi đường vứt bỏ lộn xộn các loại rác với nhau: trong thùng "hữu cơ" có cả chai, lọ còn thùng "vô cơ" có cả xác động vật chết. Trong khi nhiều người đi đường có ý thức giữ vệ sinh lắm cũng chỉ dừng lại cho rác vào chiếc thùng nào nằm ở vị trí tiện nhất.
Trong thùng "rác hữu cơ" có cả chai và ly nhựa. Ảnh: Thi Ngoan. |
Ở điểm thu gom rác gần khu vui chơi công cộng Khánh Hội (phường 5, quận 4, TP HCM), một số thùng rác hai ngăn đặt ở đó cũng trong tình trạng bát nháo tương tự. Chị Thắm, công nhân thu gom rác của công ty dịch vụ công ích thừa nhận: "Năm đầu tiên chương trình đi vào thực hiện tình hình cũng được cải thiện đáng kể, đến giờ đâu lại vào đấy, chủ yếu là do ý thức người dân nữa".
Ông Tùng, 57 tuổi, nhà ở quận 3 đem chiếc bọc đựng đồ ăn thừa, trong đó có xương lợn đến một chiếc thùng ven đường gần đó đổ. Lưỡng lự một lát rồi ông tống toàn bộ bọc ni lông vào chiếc thùng xanh. "Theo tôi biết thực phẩm là rác hữu cơ nhưng xương động vật lại là canxi nên cũng chẳng biết phải bỏ vào đâu", ông cụ băn khoăn.
Trong khi bà Mười, chủ một quán cà phê gần đó thì thẳng thắn: "Trước đến giờ cứ cái gì thải ra thì gọi là rác, giờ còn vẽ chuyện phân biệt loại này loại kia, mình bận rộn thế này lấy thời gian đâu mà phân loại".
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn vô tư xả rác xuống đường gây khó khăn cho công tác làm sạch môi trường. Ảnh: Thi Ngoan. |
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, chương trình phân loại rác đã đưa vào thực hiện thí điểm ở TP HCM từ năm 2008 đến nay. Theo phân tích, việc phân loại rác tại nguồn như thế có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình tái chế, giúp tiết kiệm nguyên - nhiên liệu, giảm bớt gánh nặng khai thác tài nguyên thiên nhiên và quan trọng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo ông Kiệt, ở các nước tiên tiến ý thức dân trí cao, người ta phân ra rõ ràng 5 loại rác cơ bản: giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, thực phẩm, ngoài ra một số nước còn có thùng đựng rác nguy hại riêng. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế, thói quen nên ở Việt Nam tạm thời chỉ phân làm hai loại: chất thải rắn và thực phẩm. Ở đây do việc sử dụng thuật ngữ ở mỗi địa phương còn nhập nhằng, hàn lâm gây khó hiểu cho người dân. Ông cho rằng, điều này cần được xem xét lại và bổ sung thêm hình ảnh minh họa để mọi tầng lớp nhân dân đều hiểu.
Đánh giá sau một thời gian thực hiện chương trình này ở TP HCM, ông Kiệt cho rằng chưa có nhiều thành công là do chưa có sự phối hợp đồng bộ từ khâu phân loại đầu nguồn, thu gom và tái chế. Vì thế, theo ông, ngoài việc vận động người dân ý thức phân loại rác từ nguồn, cơ quan chức năng cũng đang chú trọng tổ chức lại đội ngũ công nhân thu gom và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác thải.
Ông bày tỏ: "Hiện nay khó khăn nhất là chúng ta chưa có một đơn vị nào đảm nhận việc tái chế rác có hệ thống mà vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì thế chúng tôi đã khuyến nghị, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực 'khó nuốt' này".
Sắp tới theo lộ trình thực hiện chương trình này, thùng rác kép như trên sẽ được cơ quan chức năng bố trí đại trà tại các địa điểm công cộng, siêu thị, trường học, khu dân cư để người dân làm quen với cách phân loại rác tại nguồn. Song ông Kiệt cũng thừa nhận, người dân không mấy mấy mặn mà với công cuộc "cách mạng" này, bởi trên thực tế nó ít nhiều sẽ phá vỡ nếp sống và lề thói sinh hoạt hàng ngày của quần chúng. "Khó nhưng có thể làm được, song để thay đổi thói quen của người dân, chúng ta cần có lộ trình từng bước một", ông quả quyết.
Thi Ngoan - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét