người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

7 sai lầm cần tránh khi khởi nghiệp




Một kế hoạch kinh doanh vững chắc, chi tiết là bước quyết định, là nền tảng cho sự thành công trong tương lai
1. Kế hoạch kinh doanh sơ sài





Một kế hoạch kinh doanh vững chắc, chi tiết là bước quyết định, là nền tảng cho sự thành công trong tương lai. Mặc dù trên thực tế, mọi việc thường diễn ra không như những gì bạn dự định ban đầu nhưng kế hoạch kinh doanh vẫn luôn là linh hồn của doanh nghiệp, là kim chỉ nam giúp bạn không đi lạc hướng. Có thể bạn chưa biết bắt đầu từ đâu nhưng bạn phải biết rõ nơi mình muốn đến. Bạn là ai, bạn bạn cần làm gì?
Tại sao bạn lại quyết định kinh doanh? Sản phẩm, dịch vụ của bạn là gì? Bạn kiếm nguồn đầu tư ở đâu? Nếu bạn thấy khó khăn trước việc phải viết một bản kế hoạch, hãy viết những câu hỏi, những vấn đề mà bạn quan tâm trước khi bắt tay khởi nghiệp, đi tìm câu trả lời và sắp xếp các dữ liệu có được, những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên và mốc thời gian. Thế là bạn đã có một kế hoạch để khởi sự kinh doanh cũng như trình bày với nhà đầu tư để tìm nguồn vốn.
2. Không phát triển kế hoạch tiếp thị
Kinh doanh mà không làm tiếp thị là một sai lầm rất lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Dù ngân sách ít nhiều thì bạn bắt buộc phải làm tiếp thị để dịch vụ, sản phẩm tiếp cận được với người tiêu dùng. Nếu bạn có quá ít ngân sách hãy tận dụng các công cụ miễn phí, mạng xã hội, tiếp thị truyền miệng..Dư dả hơn một chút, bạn có thể thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp hỗ trợ. Bạn không thể kinh doanh thành công nếu không thu hút được khách hàng và khách hàng thì chỉ có thể biết đến bạn qua con đường tiếp thị.
3. Nghĩ hẹp
Nhiều người khởi nghiệp rất thận trọng nhưng điều này chưa hẳn đã tốt. Nếu bạn chọn một ý tưởng bình thường, dễ dàng, cố gắng tránh mọi khó khăn, mọi thử thách, bạn có thể sẽ an toàn nhưng ngược lại, bạn khó có bước đột phá vượt bậc. Mặc khác, sau một thời gian bạn sẽ thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh vì họ cũng cảm thấy việc kinh doanh này quá dễ dàng. Như vậy, bạn cố gắng tránh mọi thử thách nhưng cuối cùng cũng phải đối mặt với việc cạnh tranh với đối thủ. Bạn chỉ có thể tránh cạnh tranh, hoặc chiến thắng trong cuộc cạnh tranh bằng những ý tưởng mạo hiểm và đột phá.
4. Bảo thủ
Đến một lúc nào đó, công ty buộc phải thay đổi để thích hợp với tình hình mới và điều này đòi hỏi tầm nhìn của chủ doanh nghiệp. Không ít chủ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thay đổi phương hướng kinh doanh vì suy nghĩ “ Tôi đang làm tốt, tại sao phải thay đổi?” Đúng là bạn đã thành công trong quá khứ nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ thành công trong tương lai. Các yếu tố khách quan, môi trường kinh doanh, thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục. Nếu không bắt kịp, sự tụt hậu sẽ không tránh khỏi và đến khi bạn nhận ra mình đang kinh doanh không hiệu quả thì không dễ dàng khôi phục. Thay đổi còn đồng nghĩa với việc nắm bắt nhanh chóng mọi cơ hội quý giá.
5. Dễ thất vọng
Bạn đam mê với ý tưởng kinh doanh của mình nhưng không chắc những người xung quanh bạn cũng có cảm nhận tương tự. Khi bạn trình bày dự án với nhà đầu tư, đào tạo nhân viên hay bán sản phẩm cho khách hàng, sẽ có lúc bạn bị chỉ trích, nhận được những phản hồi không tốt. Ngoài ra, vô vàn những khó khăn khác như thiếu hụt tài chính, nợ nần, công việc căng thẳng rất dễ khiến những người mới lập nghiệp nản chí, buông xuôi. Khi quyết định khởi nghiệp cũng là lúc bạn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn thử thách ở phía trước. Bạn có thể phải làm việc 16 giờ mỗi ngày và đôi khi không còn một xu dính túi.
6. Bỏ qua những chỉ trích
Không nản lòng trước những chỉ trích không có nghĩa là bỏ ngoài tai. Những phản hồi, góp ý dù đúng dù sai luôn có giá trị nhất định. Phản hồi – trong trường hợp không đúng với thực tế cũng giúp bạn nhận ra mọi người chưa hiểu hết về sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp. Lắng nghe và học hỏi là điều nên làm, tuy nhiên, để tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”, điều cần nhất là luôn giữ được mục tiêu.
7. Đầu tư toàn bộ tài sản, vốn liếng
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ có thể bị cuốn vào đam mê kinh doanh và đầu tư toàn bộ tài sản, vốn liếng mình có được vào công ty. Khi chủ doanh nghiệp chấp nhận hy sinh giấc ngủ, mọi cơ hội nghề nghiệp và có lẽ là một chút tỉnh táo, thì việc trút hết vốn liếng để đầu tư là chuyện bình thường. Tuy nhiên, dù bạn có dùng hết đồng xu cuối cùng cho việc kinh doanh thì chưa chắc có hiệu quả mà việc này dễ dàng lại đẩy bạn vào tình huống hết sức khó khăn. Trước khi nuôi sống việc kinh doanh, bạn cần nuôi sống chính bản thân mình.




SÁCH DOANH TRÍ's Blog
Nguồn inc.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét