Ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lafooco. |
Kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2011 của Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) vượt dự báo khiến nhiều nhà đầu tư có phản ứng trái chiều. Đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm là hơn 50 tỉ đồng, nhưng sau 6 tháng đầu năm, con số này đã vượt 60 tỉ đồng. Nhà đầu tư cho rằng, trước đó Công ty đã đưa kế hoạch kinh doanh quá an toàn, chỉ tiêu lợi nhuận chỉ bằng phân nửa so với năm trước, thấp hơn năng lực thực có.
Không mạo hiểm
Dấu ấn sau ngày nhậm chức
Năm 1995, Lafooco là doanh nghiệp đầu tiên của ngành điều được cổ phần hóa. Lafooco cũng là doanh nghiệp thứ 4 niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Năm 1998, ông Nguyễn Văn Chiểu chính thức vào làm việc tại Lafooco với cương vị Tổng Giám đốc và đã tạo được dấu ấn ngay năm đầu tiên trong vai trò nhà quản trị.
Năm đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài khiến sản lượng điều trong nước sụt giảm nghiêm trọng, giá nguyên liệu mua vào cao gấp 3 lần so với năm trước. Lafooco và các doanh nghiệp khác đều đứng giữa 2 lựa chọn: hoặc đóng cửa nhà máy, hoặc chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao (lỗ khoảng 2 triệu đồng/tấn) để duy trì việc làm cho công nhân. “Chúng tôi đã chấp nhập mua lỗ 1.000 tấn để làm. Nhưng nếu tiếp tục làm như vậy thì Công ty không đủ tiền trang trải. Thế rồi tôi may mắn gặp một anh bạn làm ở ngân hàng của Hồng Kông. Anh cho biết ở một đất nước xa xôi tận châu Phi là Mozambique, có nguồn nguyên liệu điều hết sức dồi dào. Mozambique có sản lượng 50.000 tấn hạt điều/năm. Chúng tôi chỉ cần mua được 1/5 số đó là đã thành công rồi”, ông Chiểu nói.
Biết được thông tin tốt lành đó, ông quyết tâm lên đường. Hành trang mang theo của một doanh nhân Việt lần đầu đến xứ châu Phi xa lạ là một thùng mì gói. 15 ngày sau, hợp đồng mua 1.500 tấn hạt điều nguyên liệu thô đầu tiên được ký. Đây là bước ngoặt đầu tiên của doanh nghiệp ngành điều Việt Nam. Tuy nhiên, do lần đầu mua bán giữa 2 nước, nên ông đã gặp không ít khó khăn. 2 tháng sau vẫn chưa nhập được hàng. “Tôi và Phó Tổng Giám đốc lại phải đích thân sang bên đó một lần nữa. Đến ngày mồng 3 Tết năm 1999, lô hàng 1.500 tấn nguyên liệu điều mới được nhập vào kho của Công ty. Một trải nghiệm thật khó quên”, ông Chiểu nhớ lại.
Ngoài tính quyết đoán trong kinh doanh, ông Chiểu được đánh giá là nhà quản trị quyết liệt và minh bạch trong chính sách tiền lương. Mức lương trung bình tại Công ty hiện khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Đã có những câu hỏi nghi ngờ xung quanh việc ông Chiểu và Ban Quản trị có vẻ hào phóng với chính sách tiền lương như vậy. Tuy nhiên, ông Chiểu khẳng định, với lạm phát lên đến 20%, mức lương trung bình 2,7 triệu đồng/tháng là hoàn toàn hợp lý. Việc tăng lương là nhằm gắn bó trách nhiệm của công nhân nhằm tăng hiệu quả kinh doanh.
Càng nhanh, chính xác, càng thành công
Cũng theo chia sẻ của ông Chiểu, không phải kết quả kinh doanh mọi năm của Công ty đều tốt mà phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên thời địa lợi. Với kết quả kinh doanh từ năm 2009 đến nay liên tục tăng trên 60%, đã có nhiều dự báo, mã cổ phiếu LAF của Công ty sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường chứng khoán đang ảm đạm, ông Chiểu dè dặt dự báo giá cổ phiếu LAF sẽ giữ được mức giá khá và ổn định, so với một số cổ phiếu khác cùng quy mô trên thị trường và có xu hướng tăng trong thời gian còn lại của năm 2011. “Tuy nhiên, đó là nhận định riêng của cá nhân tôi, việc tăng giảm giá cổ phiếu còn tùy vào một số nhân tố khác nữa. Hiện tại, điều tôi quan tâm chính là điều hành hoạt động sản xuất để đạt được những kết quả tốt nhất theo nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2011 đã đề ra”, ông nói.
Ông Chiểu là doanh nhân có tên trong làng đờn ca tài tử ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông từng hỏi chuyện giáo sư Trần Văn Khê khi Giáo sư sống tại Pháp, như người học trò về nhạc dân tộc. Ông Chiểu ví von kinh doanh như là một môn nghệ thuật hoặc đơn giản như ván cờ, đi sai một nước cờ là hỏng cả ván. Tuy mỗi ngày luôn phải đối mặt với những lựa chọn mang tính sinh tử, mỗi quyết định, dù nhỏ nhất, nếu không suy nghĩ thấu đáo, đều có thể dẫn đến hậu quả xấu đối với sự tồn tại và phát triển của công ty. “Tuy nhiên trong kinh doanh cần có cả khả năng phán đoán lẫn quyết đoán. Bạn càng nhanh, càng chính xác bao nhiêu, thành công bấy nhiêu. Người ta gọi là cơ hội, nhưng thực ra là do sự nhanh nhạy của chính nhà kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Chiểu cho biết.
SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Nguồn NCĐT)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét