Người yêu bản thân thì dễ thành lãnh đạo. Dạng người này có những ưu điểm không thể tin được và những nhược điểm không thể tránh khỏi.
Từ trái sang: Napoleon Bonaparte, Mahatma Gandhi và Franklin Roosevelt.
Trong suốt quá trình lịch sử của nhân loại, “những người yêu bản thân” luôn xuất hiện để truyền cảm hứng cho mọi người, góp phần hình thành nên tương lai cho xã hội. Một số nhân vật tiêu biểu là hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte, nhà triết học Ấn Độ Mahatma Gandhi hay Franklin Roosevelt, 1 trong 5 tổng thống nổi tiếng nhất nước Mỹ. Và khi kinh doanh trở thành động cơ thúc đẩy sự phát triển xã hội thì thế hệ những nhà lãnh đạo doanh nghiệp yêu bản thân bắt đầu hình thành với vua sắt thép Andrew Carnegie, vua dầu mỏ John Rockefeller, nhà phát minh số 1 Thomas Edison hay nhà phát minh xe hơi Henry Ford, những con người đã khai thác công nghệ mới và tái cơ cấu ngành công nghiệp Mỹ vào đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, dạng người này không phải là không có mặt tối. Theo nhà tâm lý học Sigmund Freud, họ thường bị cô lập về tình cảm, khó tin người, dễ nổi giận và làm người khác cảm thấy thành tích họ đạt được là vĩ đại. Đó là lý do tại sao Freud cho rằng, típ người yêu bản thân là khó phân tích nhất và ông đặt tên cho loại tính cách này là Narcissus, tên một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp luôn nghĩ mình quá xinh đẹp, hằng ngày đều soi mặt xuống dòng sông để ngắm nên một ngày nọ rớt xuống sông mà chết.
Chủ nghĩa yêu bản thân có thể hữu dụng vào lúc cần thiết và Chủ tịch Tập đoàn GE Jack Welch, tỉ phú George Soros là 2 ví dụ điển hình. Họ là nhà chiến lược sáng tạo, tài năng, nhìn thấy được những viễn cảnh to lớn và ý nghĩa của thử thách rồi để chúng lại thành di sản. Không chỉ chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đón nhận công việc rồi hoàn thành nó, họ còn có sức hấp dẫn, có thể chuyển đổi những điều tệ hại thành tốt đẹp bằng khả năng hùng biện của mình.
Khả năng hấp dẫn gười khác
Đối với người yêu bản thân, tạo hóa cho họ khả năng nhìn thấy bức tranh lớn. Họ không phải là những nhà phân tích có thể chia nhỏ câu hỏi lớn cho vào từng vấn đề, cũng không cố gắng ngoại suy để hiểu tương lai, họ tạo ra nó. Nhưng bao nhiêu đó là chưa đủ.
Tất cả mọi người đều có tầm nhìn riêng. Định nghĩa đơn giản nhất về nhà lãnh đạo là người có thể thuyết phục người khác làm theo. Thật vậy, người yêu bản thân có khả năng thu hút người khác một cách thường xuyên, thông qua ngôn ngữ. Họ tin rằng lời nói có thể di chuyển cả những ngọn núi và các bài diễn thuyết có thể thay đổi con người. Khả năng hùng biện khéo léo là yếu tố tạo nên sức lôi cuốn ở họ. Bất cứ ai từng tham dự những buổi diễn thuyết của họ đều thấy được khả năng khơi dậy sự nhiệt tình nơi khán giả. Tuy vậy, họ chưa thực sự tạo được hiệu ứng tương tác giữa 2 bên. Nhà lãnh đạo yêu bản thân thường độc lập suy nghĩ với mọi người, họ cần khẳng định để mọi người theo ý mình.
Ngay cả khi được mọi người ủng hộ cũng rất nguy hiểm, bởi điều đó giống như con dao 2 lưỡi với 2 trạng thái gần gũi - cô lập, khiến đối tượng càng trở nên tự kiêu, được tiếp thêm năng lượng, sự tự tin để truyền cảm hứng cho những người đi theo. Đồng thời, đó lại là chất ăn mòn sự thận trọng khiến nhà lãnh đạo yêu bản thân ít lắng nghe lời tư vấn, góp ý và dần bị cô lập.
Gót chân Achilles
Khả năng hùng biện trời phú của nhà lãnh đạo yêu bản thân tạo nên cảm giác thoải mái, gần gũi trong suốt buổi diễn thuyết nhưng thật ra, họ chỉ lắng nghe loại thông tin mà mình tìm kiếm. Dạng người này không phải là giảng viên nhưng lại thích khẳng định và thích diễn thuyết. Họ thống trị cuộc họp và làm cho mọi người cảm thấy áp lực. Đây có lẽ là điểm yếu của người yêu bản thân, ngay cả khi họ thành công.
Nhạy cảm với chỉ trích: Nếu ý kiến hay việc làm của mình bị chỉ trích, người yêu bản thân sẽ ngay lập tức cảm thấy bị cô lập và dần tạo nên một bức tường ngăn cách mình với người khác. Giống như cô công chúa ngủ trên nệm mà không biết rằng bên dưới có hạt đậu. Điều này giải thích tại sao nhà lãnh đạo yêu bản thân không muốn biết mọi người nghĩ gì về mình, trừ khi điều đó gây ra cho họ vấn đề nào đó.
Trên thực tế, họ trấn áp nhân viên và nghi ngờ những người đó đang liên kết chống lại họ. Steve Jobs, ông chủ của Apple, có câu nói nổi tiếng: “Dân chủ không tạo nên những sản phẩm tuyệt vời. Để làm được điều đó, anh cần một nhà độc tài thông thái”. Mặc dù những nhà lãnh đạo yêu bản thân thường nói họ muốn làm việc theo đội nhưng thực chất là họ muốn có một nhóm gồm những người chỉ biết làm theo họ. Vì thế người nào có ý tưởng độc lập sẽ bị nhà lãnh đạo gạt ra.
Ít lắng nghe: Do quá nhạy cảm với lời chỉ trích, nhà lãnh đạo yêu bản thân thường không chịu lắng nghe một khi họ cảm thấy bị đe dọa hoặc bị tấn công. Có thời gian khoảng 3 năm, người viết bài từng làm việc với một giám đốc điều hành kiểu “lãnh đạo yêu bản thân” với một nhiệm vụ là phỏng vấn đội ngũ làm việc của ông và báo cáo lại những gì những người đó đã được tư duy. “Họ nghĩ gì về tôi?”, ông ta hỏi với vẻ lãnh đạm. “Họ nghĩ rằng ông rất sáng tạo và can đảm”, tôi trả lời. “Nhưng họ cũng cảm thấy ông không lắng nghe”. “Xin lỗi, cậu nói gì?”, ông ta hỏi lại ngay, giả vờ không nghe. Phản ứng đó trông có vẻ hài hước nhưng thật sự mà nói, ông ta không thể chịu đựng được điều tôi vừa nói bởi nó quá “đau đớn” và việc giả vờ không nghe chỉ là một cách phòng thủ từ xa. Điều này giải thích lý do vì sao khi vị giám đốc này đề ra một chiến lược nào đó, hầu như không có cấp dưới nào của ông tin rằng nó sẽ được thực hiện.
Thiếu đồng cảm: Xem qua những cuốn sách dạy lãnh đạo, kinh doanh bán chạy nhất hiện nay đều thấy đề cập đến yếu tố “năng lực cảm xúc”, tức đòi hỏi nhà lãnh đạo thành công phải phát triển mạnh được sự đồng cảm. Nhưng bản thân những người yêu bản thân hiệu quả không đặc biệt chú ý đến sự đồng cảm.
Thật vậy, sự thiếu đồng cảm là một khiếm khuyết đặc trưng của những người yêu bản thân dù họ rất thành công và lôi cuốn như Bill Gates của Microsoft và Andy Grove của Intel. Các chính trị gia lớn như Winston Churchill hay Mao Trạch Đông đều như vậy. Họ chỉ truyền cảm hứng cho người dân vì niềm đam mê tại thời điểm con người ta mong mỏi một điều gì đó chắc chắn. Còn trong thời đại ngày nay, sự thiếu đồng cảm có thể biến thành sức mạnh, khiến cho nhà lãnh đạo yêu bản thân dễ dàng hơn trong việc mua - bán doanh nghiệp, đóng cửa - di chuyển các cơ sở hoạt động hay sa thải nhân viên, các quyết định chắc chắn làm cho nhiều người tức giận.
Không ưa góp ý: Cũng vì thiếu sự đồng cảm và suy nghĩ độc lập, nhà lãnh đạo yêu bản thân sẽ cảm thấy khó khăn trong việc được cố vấn và góp ý. Họ cũng hiếm khi cố vấn cho người khác.
Cũng có một vài trường hợp nhà lãnh đạo yêu bản thân tìm đến nhà cố vấn như Bill Gates hay Warren Buffett đã làm, nhưng vấn đề là hầu hết những tri kỷ phải là người mà vị lãnh đạo đó có thể kiểm soát được. Một nữ phó tổng giám đốc marketing, nhà lãnh đạo yêu bản thân tiềm năng mà tôi quen từng nói rằng không thể xem ông chủ của mình như một người cố vấn. Bởi theo cô, trước hết là phải giữ một khoảng cách cần thiết trong mối quan hệ đó để không bị cảm xúc ảnh hưởng và thứ 2 là có những chuyện không thể cho cấp trên của mình biết được nên tốt nhất là thuê một người ở bên ngoài làm tư vấn.
Sách DOANH TRÍ's blog (Theo HBR/NCĐT)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét