người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Mất cân bằng giới cao nhất ở đồng bằng sông Hồng

Tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức báo động. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam liên tục tăng, ít nhất trong 5 năm qua. Trong 6 vùng thì duy nhất Tây Nguyên còn nằm trong khoảng an toàn, còn cao nhất là đồng bằng sông Hồng - 115,5 nam trên 100 nữ.

Thông tin được ông Đồng Bá Hướng, Vụ trưởng Vụ Thống kê, Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết trong buổi họp báo nhân ngày dân số thế giới sáng nay, tại Hà Nội.

Theo tổng điều tra dân số Việt Nam năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta hiện ở mức tương đối cao: 110,5 bé trai trên 100 bé gái. Trong đó 5 trên 6 vùng có tỷ số giới tính khi sinh vượt ngưỡng cho phép (107 nam trên 100 nữ), phần lớn thuộc các gia đình khá giả. Đặc biệt, tỉnh có sự chênh lệch giới tính cao nhất là Hưng Yên 130,7 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, sau đó là Hải Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang.

So với một số nước khác trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ..., tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta vẫn còn thấp hơn. Tuy nhiên, Việt Nam tăng sau các nước khác nhưng lại tăng mạnh nhất, đặc biệt trong 5 năm vừa qua. Cụ thể, mỗi năm tỷ số này tăng 1 điểm % (ví dụ 110 nam trên 100 nữ thành 111 nam trên 100 nữ), trong khi giai đoạn từ 1979 đến 1999, 10 năm mới tăng 1 điểm %., ông Hướng phân tích.

Ông Christophe Guilmoto, một nhà nhân khẩu học thuộc Quỹ dân số Liên hợp quốc cũng cho biết: "Ở Việt Nam có thể thấy lựa chọn giới tính đã được thực hiện từ lần sinh thứ nhất và lần sinh thứ hai, cao nhất từ lần sinh thứ 3 trở đi. Ở các quốc gia khác, thông thường đứa con thứ 2 hoặc thậm chí thứ 3 mới bị tác động bởi sự phân biệt này".

Theo dự báo của ông, nếu Việt Nam không có biện pháp can thiệp thì tỷ số này sẽ tăng lên con số 115 vào năm 2015.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, để có thể từng bước khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh, điều quan trọng là cần thay đổi nhận thức chuộng con trai hơn con gái của người dân.

"Tuy nhiên, chúng ta đã mất đến 50 năm để người dân chấp nhận mỗi gia đỉnh có 1-2 con thì để người dân chấp nhận có con gái cũng như con trai cũng là cả một quá trình lâu dài. Không phải 1-2 năm là xong", ông Trọng nói.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng lo ngại về một làn sóng bùng nổ dân số lần 2. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 14-49 tuổi tăng nhanh. Nếu như vào năm 1989 chỉ có 17 triệu chị em bước vào độ tuổi sinh đẻ thì 10 năm sau, con số này đã là 22 triệu, đặc biệt vào năm 2009 là 26 triệu. Như vậy có nghĩa cứ 2 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ mới có một người ra khỏi độ tuổi này.

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên 72,8 tuổi vào năm 2009 (so với 10 năm trước là 68,2). Tuy nhiên, bình quân mỗi người vẫn có đến 12 năm đau ốm. Các tố chất về tầm vóc, thể lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực.

Nam Phương - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét