người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Nhặt rác đêm đông

(Dân trí) - Khi màn đêm buông xuống, thành phố đi ngủ, giá lạnh bủa vây, họ mới bắt đầu một ngày làm việc. Không chỉ đơn độc, lạnh lẽo, những người nhặt rác đêm còn đối mặt với không ít nguy hiểm.

Theo chân người nhặt rác đêm

1 giờ sáng, khu vực bến xe An Sương (Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM) lấy lại được phần nào sự yên tĩnh sau ngày làm việc tấp nập. Không gian tĩnh lặng, thi thoảng mới có vài tiếng xe máy vụt qua. Nhưng có một người phụ nữ chừng 60 tuổi vẫn lang thang quanh khu vực nổi tiếng nguy hiểm vì trộm cắp, nghiệp ngập này để nhặt từng mẩu rác, vỏ chai...


Hơn 60 tuổi, đêm đêm bà Sử vẫn đi bới rác ở khu vực quanh bến xe An Sương

Với một thanh sắt nhỏ, bà khêu những đống rác được tập kết tạm ở vỉa hè đang bốc mùi cố kiếm vài thứ có thể đem bán. Có lúc để chắc ăn, bà phải thò hẳn tay vào đống rác mà bới, tìm kiếm.

Bà tên Nguyễn Thị Sử, quê tận Bạc Liêu, nhặt rác đêm được hai năm. Ban ngày bà nấu ăn thuê cho những người lao động sống trọ ở gần ngã tư Trung Chánh với tiền công 10.000 đồng/ngày, được bao ăn ở kham khổ như mọi người. Song chỉ cần một lần bệnh là tiền để dành không đủ mua thuốc. Tuổi già, ban đêm thường mất ngủ, bà quyết định kiếm việc làm và không có gì thích hợp hơn đi nhặt rác.


Bà Sử nghẹn ngào khi một bạn trẻ đi đường dừng xe cho chiếc bánh ngọt

Nhiều đêm cần mẫn tìm kiếm cũng chỉ mang về được một bao tải nhẹ tênh, bán nhiều lắm được 20 ngàn đồng. “Có những hôm trời mưa tải nặng, nhưng rác thì ít mà nước thì nhiều”, bà cười nói vui.

Cũng giờ này, chị Hòa lại đạp xe từ đường Cộng Hòa ra khu vực chợ Cầu, thấy rác là chị táp vào. Không chỉ bới rác, chị còn tranh thủ thu mua thêm đồng nát ở một vài hàng nhậu đêm về bán kiếm lãi nên lúc nào trông xe hàng của chị rất “no đủ”.

Chị quê tận Bắc Giang. Cách đây gần 20 năm, vợ chồng chị từ Bắc vào Nam kiếm sống. Trải qua đủ nghề, chưa bao giờ thoát khỏi cái nghèo, sau đó chồng chị còn bỏ mẹ con chị theo người phụ nữ khác. Con gái chị đành gửi ông bà ngoại ngoài quê nuôi, cháu đang là sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở Hà Nội.


Chị Hòa đi nhặt rác nuôi con đang ăn học ở Hà Nội

Chị không muốn về quê hay ra Hà Nội kiếm sống để gần con bởi: “Tôi ở trong này đi nhặt rác, đói khổ thế nào con không biết. Chứ ra ngoài kia mình đi nhặt rác chỉ làm con khổ tâm hơn”.

Những ngày cuối năm, chị cố đi sớm về muộn nhặt nhiều rác kiếm thêm tiền gửi về cho con đón Tết. “Hôm rồi tôi nói với cháu mình được thưởng Tết 1,5 triệu, nó mừng cho mẹ lắm. Cháu tưởng tôi làm công ty…”, chị ngậm ngùi.

Gương mặt nhiều nốt mụn hạch, người đàn ông tên Thành (thuê trọ ở gần chợ Hóc Môn) rời khỏi đống rác trên đường Nguyễn Ánh Thủ rồi đứng co ro gần một quán nhậu đêm. Ông chờ những người nhậu sẽ cho mình những vỏ lon bia nằm lăn lóc dưới bàn.


Bị chứng động kinh phát vào ban ngày nên ông Thành chuyển sang làm đêm

Một cậu thanh niên vẫy ông lại, chỉ vào kệ bàn. Người đàn ông ấy vội vàng tiến lại, oằn mình xuống lấy những vỏ lon bia lẫn xương xẩu, đồ ăn rơi vãi và giấy lau. Phía trên, những người nhậu vẫn hò zô.

Giữa đêm hôm nhìn bước ông đi yếu ớt, có thể bổ nhào bất kỳ lúc nào. Hỏi ông sao không tìm việc gì đó vào ban ngày cho đỡ vất vả thì ông cho hay: “Tôi bị bệnh động kinh, chủ yếu phát vào ban ngày. Ban đêm đỡ hơn nên phải tranh thủ kiếm tiền”. Ông chỉ vết sẹo trên đầu, vết tích của những lúc lên cơn động kinh, ngã đập đầu xuống đường. Bệnh tật như vậy nhưng chưa một lần ông đến viện khám.

Cứ mỗi đêm như vậy, ông đi nhặt rác từ 12 giờ đêm đến 3 - 4 giờ sáng, mang đi bán hôm nhiều nhất được 35.000 đồng.

Lay lắt những thân cò

Điều đầu tiên về công việc này là phải chịu đựng sự lẻ loi, cô độc; hơn nữa là phải sống chung với một số tệ nạn nổi cộm khi đêm xuống.

Việc đụng mặt với dân nghiện là chuyện… thường. Ai chưa từng tận mắt thấy dân nghiện chính hút, vật vã thế nào cứ hỏi chính những người nhặt rác đêm ở những địa điểm “nhạy cảm”. Dân nghiện, trộm cắp cũng biết cực cảnh của những người nhặt từng đồng lẻ trong bãi rác nên hiếm khi “quấy nhiễu”. Tuy nhiên vào những lúc bí quá, họ vẫn… “xin đẹp”.

Bà Sử kể, hôm nọ bà lọ mọ dưới cầu An Sương thì bị một thằng nghiện dọa: “Tôi đường cùng rồi, bà không đưa tôi giết”. Hàng ngày bà không mang theo tiền trong người, may hôm đó có 20.000 đồng người bạn trọ cùng gửi mua bánh bao. Bà sợ đành phải đưa luôn cho hắn ta.


Không chỉ đơn độc, những người phụ nữ đi nhặt rác đêm còn đối mặt rất nhiều nguy hiểm

Chị Hòa nói trước chị cũng hay gặp nghiện “xin đểu”, mấy năm lại đây thì rất ít khi gặp: “Giờ nghiện không còn nhiều như trước”, chị phán đoán.

Hồi tháng 10 năm ngoái, chị vừa dựng xe đi lại bãi rác, đến lúc nhìn ra thì xe biến đâu mất. Trên đường, hai tên thanh niên đi xe máy vác chiếc xe đạp của chị bỏ chạy. Chị ú ớ nhìn theo mà chẳng thể làm gì. Chiếc xe đem bán chẳng được trăm ngàn nhưng với chị nó là phương tiện mưu sinh. “Tiếc của một, tủi thân mới nhiều”, chị lặng người kể.

Có hôm mua được nhiều hàng, xe nặng trịch không lên nổi những đoạn dốc, chị đứng giữa đường vẫy nhờ người phụ. Lại có những lúc dây chằng bị đứt, hàng hóa bung khắp. Những lúc đó, ngồi xếp lại hàng chị chỉ chực khóc, buồn tủi nên càng nhớ con gái. Gần 3 năm rồi, từ ngày con đỗ đại học, chị chưa có dịp gặp lại con.

“Chắc phải chờ đến khi con ra trường, đi làm có tiền thì hai mẹ con mới có dịp gặp lại nhau”, giọng chị Hòa buồn buồn.

Với họ, đêm hôm một mình còn có một nỗi sợ rất khó chia sẻ, nhất là với những người phụ nữ, những cô gái trẻ. Chị Thanh, quê ở Vĩnh Phúc cho rằng có người phụ nữ nào một thân một mình trong đêm như vậy mà dám khẳng định có thể an toàn. Đến chị già nua, đen nhẻm mà không ít lần còn bị bọn choai choai chặn xe trêu ghẹo.

Cùng khu trọ với chị, có cô gái quê Nam Định, mới 28 tuổi cũng đi nhặt rác, thu mua đồng nát đêm, giờ lùm lùm cái bụng bốn tháng mà không biết ai là cha đứa trẻ. “Hôm đó về, nó đòi chết! Chị em trong khu giữ nó lại an ủi, động viên hoài mới chịu. Bây giờ có con thì để nuôi, chỉ sợ cái bọn đường xá ấy lây bệnh tật gì thì khổ thôi”.

Cái dáng đạp xe liêu xiêu của chị Thanh càng trở nên nhỏ bé, yếu ớt hơn trên đoạn đường quốc lộ đêm về đặc xe tải, xe chở hàng phi ầm ĩ.

Bài và ảnh: Hoài Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét