Ông Ngọc cho biết, người dân thường gọi đây là ngôi miếu Dinh Bà Sở. Di tích này vốn nằm bên cạnh một dòng sông cổ, thuộc Bàu Huyện, có tên là cửa Ngõa, xứ Hạ Tân, làng Bồ Đề, phủ Mộ Đức xưa. Vào dịp lễ, tết hàng năm, người dân địa phương thường hay cúng tế linh đình tại ngôi miếu cầu mong phúc lành, mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn.
Tiến sĩ Vũ cùng các cán bộ đo kích thước bộ Linga ở miếu Chăm Dinh bà Sở. Ảnh: Trí Tín |
Ngôi miếu cổ này còn nguyên vẹn bộ sinh thực khí (Linga và Yoni) được chế tác bằng đá. Linga cao 20cm, hình trụ tròn, đường kính 18cm, chu vi 61cm. Yoni có đế hình vuông, mỗi cạnh 67cm, dày 14cm.
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Vũ nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra một bộ sinh thực khí còn nguyên vẹn đặc trưng nền văn hóa Chăm như thế này trên địa bàn tỉnh".
Tiến sĩ Vũ cho rằng, bộ Linga và Yoni tại đây có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10. Theo cứ liệu lịch sử, miếu dinh Bà Sở là một di tích Chămpa cổ xưa. Cách gọi Bà Sở cũng là cách gọi tắt của Bà Mẹ Xứ Sở (Pô Inư Nưga - Mẹ Xứ Sở của người Chăm).
Năm 2006, các nhà khảo cổ học đã từng phát hiện một Linga có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10 ở làng Vạn Tượng, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi. Thế nhưng bộ Linga này không còn nguyên vẹn như bộ sinh thực khí ở miếu Chăm cổ Dinh Bà Sở.
Trí Tín - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét