người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Nhật ký một tuần cụ Rùa lên cạn

Trong khi cụ Rùa thư thả ăn cá và được điều trị bệnh ngoài da trong một bể nước sạch giữa lòng hồ Gươm, Hà Nội, nhiều người xôn xao tranh cãi xem liệu cụ có con cháu hay chưa, và thực sự có mấy cụ trong hồ.

Sau khi hình ảnh những vết thương lở loét trên mình của cụ Rùa liên tục xuất hiện trên cả báo chí trong ngoài nước, các nhà khoa học và dân chúng nhiều lần lên tiếng cần đưa Rùa hồ Gươm lên cạn để chữa thương. Quyết định đưa Rùa lên cạn được đưa ra từ giữa tháng 2 với hai phương án: đợi cụ tự nguyện bò lên gò Rùa, hoặc "thỉnh" cụ lên bằng lưới đánh bắt.

Sau nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, sáng 8/3 chiến dịch bắt Rùa khai màn trước sự cổ vũ của hàng nghìn người dân. Sau nhiều giờ vây đuổi với những phút hồi hộp tưởng nghẹt thở, cụ phi thân sổng lưới ra ngoài.

Toàn cảnh vây bắt rùa lần hai hôm 3/4. Ảnh: Quý Thông.
Toàn cảnh vây bắt rùa lần hai hôm 3/4. Ảnh: Quý Thông.

Chuẩn bị cho đợt vây bắt thứ hai, một công ty có kinh nghiệm nuôi rùa - tập đoàn thương mại KAT - được giao làm lưới. KAT cho biết họ phải nhập lưới nguyên liệu từ Nhật Bản, là loại dùng để đánh cá ngừ, đảm bảo không rách. Lực lượng bắt Rùa được bổ sung 10 chiến sĩ đặc công nước, diễn tập ba lần tại ba hồ khác nhau.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 3/4, cuộc vây bắt Rùa hồ Gươm bắt đầu. Kể cả đặc công, có khoảng 50 người tham gia chiến dịch. Sau hai giờ đồng hồ, tốp người lùa được Rùa vào lưới. Sau một hồi nhảy ra nhảy vào, cụ Rùa yên vị bên trong các lớp lưới vòng trong vòng ngoài, để được kéo về gò Rùa và đưa vào bể chữa thương.

Hồ Gươm có mấy cụ Rùa?

Các thành viên đội vây bắt Rùa cho biết trong chiều hôm 3/4, họ nhìn thấy hai tăm rùa ở hai vị trí khác nhau, phía đông bắc và tây bắc. "Khi đó lưới ở gần đền Ngọc Sơn (đông bắc) nên chúng tôi quyết định bắt cụ này"", ông Nguyễn Ngọc Khôi, Tổng giám đốc KAT, kể lại.

KAT báo cáo thông tin hồ Gươm có hai cụ Rùa lên ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Được ủy ban đồng ý, họ tiếp tục khảo sát trên hồ và khẳng định: Còn ít nhất một cụ Rùa nữa ở hồ Gươm.

Ý kiến này nhận được sự đồng tình rộng rãi. Có người cho rằng thậm chí có 3 cụ Rùa ở hồ Gươm. Thầy giáo về hưu Lưu Đức Ngò, người dành gần 20 năm ở hồ Gươm chụp lại những bức ảnh khi rùa nổi, còn cho rằng, hồ Gươm có tới 5 cụ Rùa. Trên các diễn đàn xuất hiện nhiều câu chuyện và ảnh của những người cho rằng trong hồ có nhiều rùa.

Ảnh: Nhật Anh.
Cụ Rùa nằm trong lưới bên gò Rùa, chữa thương. Ảnh: Minh Anh.

Các nhà khoa học chưa khẳng định là hồ Gươm có bao nhiêu rùa.

"Chờ bắt được cụ lên tận nơi mới đưa ra kết luận, vì dưới hồ còn có rất nhiều động vật khác mà người dân phóng sinh", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thành, khoa Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, nói và thêm rằng vài năm trước người ta đã vớt được một con ba ba chết nặng tới 50 kg ở hồ.

Ông Khôi của công ty KAT cho biết cũng trong hôm vây bắt Rùa, các nhân viên của ông đã thấy một con rùa nhỏ nặng chừng 20 kg. Ông cho rằng đó có thể là con hoặc cháu của cụ Rùa trong bể, và đề nghị "mời" cả con rùa này lên cạn để các nhà khoa học lấy mẫu ADN.

Tiến sĩ Hà Đình Đức, người được mệnh danh là nhà "Rùa học" vẫn khẳng định hồ Gươm chỉ có duy nhất một cụ rùa có bớt trắng trên đầu. Trước những bức ảnh mà trong đó trông Rùa hồ Gươm khác nhau, ông nói: "góc độ chụp ảnh khác nhau có thể cho ra những bức ảnh không giống nhau".

Các nhà động vật học cho rằng nếu trong hồ Gươm có hai cá thể rùa hoặc cụ Rùa có con cháu, thì sẽ thuận lợi cho việc bảo tồn, duy trì nòi giống loài động vật hiếm này.

Cụ Rùa nhiễm khuẩn ngoài da

Sau gần một tuần chữa trị, sức khỏe cụ Rùa ngày càng tiến triển. Ngay hôm đầu tiên lên cạn, cụ đã ăn hết một con cá. Những ngày sau này, Rùa ăn uống bình thường, có ngày ăn hết 2 kg cá. Rùa trông bình thản không có dấu hiệu hoảng loạn, các chuyên gia thú y chăm sóc cụ cho hay.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và điều trị cho rùa Hoàn Kiếm, Rùa chỉ có biểu hiện của bệnh ngoài da do nấm và vi khuẩn; không có dấu hiệu của bệnh viêm phổi hay bệnh trạng gì nghiêm trọng.

Qua quan sát vẻ ngoài của Rùa - đuôi nhẵn và nằm trong mai, tổ y tế dự đoán cụ Rùa là một cá thể cái. "Để có kết luận chắc chắn về giới tính của cụ Rùa, cần chờ kết quả xét nghiệm ADN hoặc giải phẫu", ông Tề nói.

Theo kế hoạch, đến giữa tuần sau sẽ có kết quả các xét nghiệm mẫu gene, để từ đó dẫn đến kết luận về giới tính và tuổi cụ Rùa. Các bác sĩ cho Rùa dự kiến cụ sẽ được trị thương trong hai tuần trong "bể bệnh viện", sau đó được chăm sóc thêm trong một bể lớn hơn, được mệnh danh là "bể điều dưỡng".

Rùa hồ Gươm được cho là một trong những cá thể ít ỏi còn sót lại của loài này trên thế giới. Theo Tổ chức bảo tồn Conservation International, chỉ có 4 cá thể này trên toàn cầu gồm hai ở Việt Nam và hai ở Trung Quốc. Một số nhà khoa học Việt Nam thậm chí cho rằng rùa hồ Gươm là loài độc nhất và rất hiếm cần được bảo tồn.

Rùa hồ Gươm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chung bởi nó gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần kim quy, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm phương bắc. Từ lâu, Rùa vẫn sống đời hoang dã ở hồ Gươm, giữa trung tâm Hà Nội.

Hương Thu - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét