Các binh sĩ Nhật Bản chuẩn bị phun nước từ xe cứu hỏa vào lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 18/3. Ảnh: AP. |
Trong gần 4 tuần qua các công nhân trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của iên tục phun nước vào các lò phản ứng để ngăn chặn các thanh nhiên liệu nóng chảy. Nhưng giờ đây, giải pháp tạm thời ấy lại đang gây nên một vấn đề khác. Hàng triệu tấn nước nhiễm phóng xạ sau khi được phun vào các lò phản ứng. Sau đó nước chảy qua các vết nứt của lò phản ứng và ngấm xuống đất qua những đường hầm. Chẳng ai biết phải loại bỏ lượng nước nhiễm xạ khổng lồ trong lòng đất bằng cách nào, Los Angeles Times nhận định.
“Chưa có bất kỳ sự cố hạt nhân nào giống như những sự kiện từng xảy ra tại nhà máy Fukushima I. Chúng tôi cũng chưa từng xử lý một lượng nước nhiễm phóng xạ lớn đến thế”, Robert Alvarez, một cựu quan chức của Bộ Năng lượng Mỹ, phát biểu.
Giới chức Nhật Bản cho rằng lượng nước nhiễm phóng xạ đã lên tới gần 57 triệu lít. Hàng trăm nghìn lít nước tiếp tục được đổ vào 6 lò phản ứng để làm nguội các thanh nhiên liệu.
Lượng nước nhiễm phóng xạ sẽ phải được đưa vào bể chứa, xử lý và làm cho đông đặc. Đây là quá trình chỉ có thể thực hiện trong một khu tổ hợp công nghiệp được thiết kế đặc biệt. Giới chuyên gia nhận định quá trình làm sạch nước nhiễm phóng xạ có thể diễn ra trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Chi phí làm sạch có thể lên tới vài chục tỷ USD.
Vấn đề cấp bách nhất mà Nhật Bản phải giải quyết là cách chứa toàn bộ nước nhiễm phóng xạ cho tới khi công nhân kiểm soát được các lò phản ứng và bể chứa thanh nhiên liệu đã sử dụng. Để lấy chỗ chứa nước nhiễm phóng xạ nặng, công ty điện lực Tokyo (TEPCO) – bên điều hành nhà máy Fukushima I – đã bơm 11.500 tấn nước bị nhiễm phóng xạ ở mức nhẹ nhất ra Thái Bình Dương. Họ hy vọng các chất phóng xạ sẽ bị pha loãng đến mức gần bằng không trong đại dương bao la.
Nhưng luật pháp quốc tế cấm Nhật Bản bơm nước nhiễm phóng xạ ra biển nếu họ vẫn còn nhiều giải pháp kỹ thuật khác. Vì thế TEPCO đang xem xét việc sử dụng các xà lan và thùng chứa lớn – bao gồm cả một thùng nổi có khả năng chứa gần 10 triệu lít nước – để chứa nước nhiễm phóng xạ. Một số báo đưa tin chính phủ Nhật Bản đã hỏi mượn Nga một nhà máy xử lý phóng xạ nổi trên mặt nước có tên Suzuran. Nhà máy này từng được sử dụng để tháo dỡ các tàu ngầm hạt nhân của Nga tại cảng Vladivostok.
Tuy nhiên, nếu các xà lan và thùng có khả năng chứa toàn bộ nước nhiễm phóng xạ thì một câu hỏi khác lại phát sinh: Xử lý nước nhiễm xạ thế nào cho hiệu quả và an toàn?
Các chuyên gia chất thải hạt nhân Nhật Bản và Mỹ cho rằng giải pháp khả thi nhất là giảm lượng nước nhiễm phóng xạ bằng cách cô đặc các nguyên tố phóng xạ rồi chuyển chúng sang dạng khô. Giải pháp tuy rất rõ ràng, song cách thức thực hiện lại đang là đề tài gây tranh cãi trong giới chuyên gia.
Minh Long - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét