người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Những món ăn tiềm ẩn giun sán

Ảnh:
Ăn cá không nấu kỹ rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Ảnh: Engh.

Gỏi cá, thịt bò nhúng, tái, cua nướng... là những món ăn được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết chúng có thể chứa ký sinh trùng giun sán và có thể truyền bệnh cho người.

Dưới đây là một số thực phẩm dễ là nơi "cư trú" của nhiều loại giun, sán:

1. Cá

Bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện ở 24 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng dân cứ có thói quen ăn gỏi cá. Nhiều nơi tỷ lệ ăn gỏi cá trên 70% như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định và Hà Nội.

Theo một khảo sát trong năm 2009 thì tỷ lệ người nhiễm bệnh ở Ba vì (Hà Nội) là gần 28%, tại Kỳ Sơn (Hòa Bình) là hơn 32%...

Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ (đặc biệt là gỏi cá) rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ.

Trong năm 2009, Phó giáo sư Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự cũng đã tiến hành lấy 250 mẫu cá gồm: cá chép, mè, trôi, trắm và rôphi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá gây bệnh cho người trong cá ở Nam Định là 10%, Hòa Bình 3,2% và Hà Nội 2%.

2. Thịt trâu, bò

Ngày nay rất nhiều người ưa chuộng món thịt bò nhúng, tái mà không biết rằng bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn này. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...

Ngoài ra cũng phải kể đến sán lá gán lớn, ký sinh chủ yếu ở động vặt ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu... và gây bệnh ở người. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31 đến 98%. Bệnh có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng, đã có trường hợp vỡ gan (ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định).

Ấu trùng sán lá gan lớn có thể di chuyển ra ngoài gan, sán non có thể cư trú ở khớp, não, đại tràng, dưới da... làm cho bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, khó chẩn đoán.

3. Cua

Tại một số vùng bệnh sán lá phổi như: Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang..., nhóm nguy cơ mắc cao thường do ăn cua nướng. Kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương cho thấy 100% cua có mang ấu trùng sán lá phổi.

Nhiều người còn ngộ nhận rằng cứ nướng cua là sán chết. Tuy nhiên, thực tế trên cua đã nướng vàng vỏ, 65% ấu trùng sán lá phổi còn sống, còn cua nướng cháy vỏ, tỷ lệ này là 23%.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ấu trùng của giun đầu gai trên lươn, ấu trùng sán trên nhái.

4. Rau sống

Ấu trùng của sán lá gan lớn được tìm thấy trên một số loại rau thủy sinh ở Việt Nam như: ngổ, cải xoong... Tuy nhiên, không chỉ các loại rau sống dưới nước mà cả những rau trồng trên cạn cũng nhiễm ký sinh trùng giun sán do được tưới bằng nước thải sinh hoạt.

Trong gần 1.000 mẫu rau lấy tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định vào năm 2009, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun sán như giun đũa, giun móc, giun tóc... cao nhất ở Nam Định (hơn 8%), sau đó là Hà Nội (hơn 3%). Trong đó, rau cải xanh nhiễm nhiều hơn cả.

Vì thế, để phòng bệnh giun sán, nếu chỉ kiêng ăn sống các loại rau thuỷ sinh thì chưa đủ, mà các loại rau trồng trên cạn cũng cần được nấu chín.

5. Thịt lợn

Người nhiễm sán dây, ấu trùng sán lợn có tính chất tản phát tại các vùng miền khác nhau. Tỷ lệ nhiễm thường cao hơn ở miền núi và trung du, bệnh được phát hiện ở 50 tỉnh, thành, có tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%. Con người dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải thịt lợn, gan lợn không được nấu chín, tiết canh.

Trong số các loại giun sán thì sán dây lợn là nguy hiểm nhất bởi khi xâm nhập vào cơ thể con người thì vị trí hay gặp nhất là mắt và não người và có thể dẫn đến tử vong.

Nam Phương - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét