Một viên đá mangan (phải) dưới đáy đại dương và cấu tạo bên trong nó sau khi bị cắt. Ảnh: New York Times. |
Quặng đất hiếm – chứa 17 nguyên tố quý nằm ở giữa bảng tuần hoàn hóa học – là chủ đề được giới truyền thông quan tâm trong thời gian qua.
Trung Quốc cung cấp 95% quặng đất hiếm đã xử lý trên thị trường thế giới. 17 nguyên tố trong quặng đất hiếm được dùng để sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ cao như thiết bị điện tử, pin mặt trời. Theo New York Times, thế độc tôn của Trung Quốc đối với quặng đất hiếm trở thành mối lo ngại của nhiều nước sau khi Bắc Kinh ngừng xuất khẩu quặng đất hiếm sang Nhật Bản vào tháng 9 để buộc Tokyo phải thả thuyền trưởng tàu cá bị binh sĩ Nhật bắt gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói rằng hành động của Trung Quốc là "tiếng chuông cảnh tỉnh" để thế giới tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp đất hiếm mới.
"Căn cứ vào phản ứng của thế giới trước việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu quặng đất hiếm sang Nhật Bản, chúng ta có thể dự đoán rằng đất hiếm sẽ trở thành loại vật chất quan trọng trong tương lai", nhà địa chất James R. Hein của Cục Địa chất Mỹ, phát biểu với New York Times.
Kể từ khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, các nước đã khởi động chiến dịch tìm kiếm nguồn cung cấp đất hiếm để không phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng không nước nào có thể khai thác và tinh chế quặng đất hiếm với khối lượng lớn như Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, mới đây giới khoa học đã nhắc đến một nơi có thể giúp các nước giảm bớt sự phụ thuộc về quặng đất hiếm vào Trung Quốc. Đó là đáy đại dương. Hồi tháng 10, Hein và 5 nhà địa chất Đức đã công bố công trình nghiên cứu về khả năng khai thác đất hiếm dưới đáy đại dương trong hội nghị thường niên của Viện Khai khoáng dưới nước thuộc Đại học Hawaii, Mỹ.
Trước đây giới doanh nghiệp cho rằng họ sẽ không thu được lợi nhuận nếu chế tạo những cỗ máy khổng lồ để tìm đá mangan dưới đáy đại dương. Nhưng với sự tăng giá chóng mặt của các kim loại phổ biến như đồng và nickel thì hiện tại các công ty có thể thu lợi nhuận. Những tiến bộ trong lĩnh vực chế tạo robot cũng khiến chi phí khai thác giảm mạnh. Khi mà giới khoa học khẳng định đá mangan chứa cả 17 nguyên tố trong đất hiếm thì nhiều công ty cảm thấy họ không thể chần chừ thêm nữa.
Khai thác dưới đáy đại dương là công việc nguy hiểm. Tuy nhiên, ngày nay người ta có thể sử dụng robot để làm công việc đó. Ngoài ra, đào đất dưới đáy đại dương dễ hơn so với trên cạn. Vì thế, Hein nhận định, khai thác quặng đất hiếm dưới đáy biển là lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn.
Minh Long - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét