Thủ tướng Nga Vladimir Putin trò chuyện với tài tử Leonardo Di Caprio sau một buổi hòa nhạc trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ tại thành phố Saint Petersburg hôm 23/11. Ông Putin gọi Di Caprio là "người đàn ông đích thực" sau khi anh tuyên bố đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế để bảo vệ hổ. Ảnh: AP. |
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về hổ diễn ra tại thành phố Saint Petersburg của Nga từ ngày 21/11 tới 24/11. BBC cho biết, hội nghị đã ra Tuyên bố Saint Petersburg. Theo nội dung văn kiện này, các nước tham gia hội nghị sẽ bảo vệ môi trường sống, ngăn chặn nạn săn bắt hổ và buôn bán các bộ phận của chúng, cung cấp tiền cho nỗ lực bảo tồn hổ. Tuyên bố cũng vạch ra chiến lược phục hồi số lượng hổ. Các nước sẽ cùng vạch ra một lộ trình cho hành động sau hội nghị.
"Đây là một sự kiện lịch sử, là giấc mơ trở thành hiện thực", AFP dẫn lời ông Satya Prakash Yadav, Trưởng đoàn đại biểu của Ấn Độ, phát biểu trong phiên họp cuối của hội nghị hôm 24/11.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho rằng, Tuyên bố Saint Petersburg sẽ củng cố sự hợp tác quốc tế trong nỗ lực bảo vệ loài hổ.
"Một tiếng gầm lớn vang lên từ thành phố St Petersburg trong tuần này. Tiếng gầm đó đại diện cho những con hổ còn sống trên hành tinh của chúng ta", John Robinson, giám đốc bảo tồn của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên, bình luận.
Ông Robinson cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới hiếm khi đạt được sự nhất trí trong các diễn đàn và hội nghị thượng đỉnh. Nhưng tình yêu dành cho loài hổ đã khiến các nước đoàn kết với nhau. Trong quá trình cứu hổ, loài người sẽ có thêm nhiều hy vọng mới về việc bảo tồn sự đa dạng sinh thái của trái đất.
Trong vòng một thế kỷ qua, số lượng hổ trên thế giới giảm từ 100 nghìn xuống còn khoảng 3.200. Giới chuyên gia bảo tồn cảnh báo số lượng hổ giảm tới 40% trong một thập kỷ qua và một số quần thể hổ có nguy cơ biến mất vĩnh viễn trong vòng 20 năm tới.
Minh Long - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét