người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Người say mê đồng hồ cổ đất Hà thành

Say mê đồng hồ từ khi còn bé, qua 20 năm, anh Nguyễn Trung Dũng đã có hàng trăm chiếc đồng hổ cổ trong bộ sưu tập của mình. Có chiếc tuổi đời hơn 200, có chiếc vỏ bằng vàng đặc, chỉ người có công mới được tặng.

Bố làm đồng hồ lâu năm, Trung Dũng được tiếp xúc với sản phẩm này từ rất sớm. Lân la bên chân bố, Dũng lục lọi, tìm những chiếc đồng hồ đeo tay xinh xắn giữ lại cho riêng mình. Lớn lên một chút, Dũng vừa đi học, vừa dồn tiền tiết kiệm mua những chiếc đồng hồ đeo tay yêu thích.

Bộ sưu tập đồng hồ của anh Dũng

"Đến khi đi làm, có tiền rồi thì phần lớn số tiền kiếm được tôi dành cho việc sưu tầm những chiếc đồng hồ cổ, cả treo tường, để bàn và đồng hồ tủ", anh Dũng cho biết.

Anh Dũng chia sẻ, không giống các loại cổ vật, đồng hồ là sống, người chơi phải chăm sóc thì nó mới chạy. Chơi đồng hồ cũng không tốn nhiều tiền như chơi cổ vật. "Chỉ mất tiền triệu, đôi khi chỉ vài trăm nghìn cũng có thể mua được một chiếc ưng ý", anh Dũng cười.

Nguyễn Trung Dũng bên những chiếc đồng hồ của mình. Ảnh: Hoàng Thùy.

Tuy nhiên, theo anh Dũng chơi đồng hồ rất kén người. Người sành chỉ cần nghe tiếng chạy, tiếng chuông có thể biết là của hãng nào, đời nào. "Mỗi hãng có một tiếng chạy và tiếng chuông khác nhau. Bản thân mỗi chiếc cùng đời nhưng cũng có chuông khác tùy thuộc vào chất liệu gông, vồ, quả lô phát nhạc, hộp vỏ", anh Dũng nói.

Sau gần 20 năm gắn bó với đam mê, anh Dũng tự hào khoe đã sở hữu hàng trăm chiếc, trong đó có bộ đồng hồ trên 200 tuổi. Chúng rất đặc biệt vì tất cả chi tiết đều làm bằng tay và để hoàn thành phải mất hàng năm trời. Ngoài ra còn một số chiếc xấp xỉ 100 tuổi.

Anh thích nhất là chiếc đồng hồ bằng sứ được làm vào cuối thế kỷ 19, do Pháp thiết kế và đặt Trung Quốc làm. Nó đến với anh như một cái duyên. Lần đó sang Pháp, được giới thiệu có một bà người Pháp có bộ đồng hồ cổ đã giữ qua hai đời, anh hồ hởi tìm đến và đặt vấn đề mua lại.

"Lúc giao tiền bà chủ nhìn đồng hồ như chẳng muốn rời xa. Bà tâm sự, đây là chiếc đồng hồ gắn bó, là nhân chứng những kỷ niệm của vợ chồng bà. Giờ ông mất đi, mỗi lần nhìn đồng hồ bà lại nhớ chồng nên mới bán. Khi có nó, tôi rất trân trọng và giữ gìn như vật kỷ niệm của chính mình", anh Dũng kể.

Anh Dũng giới thiệu đồng hồ cho khách tham quan. Ảnh: Hoàng Thùy.

Do đặc thù công việc cũng có nhiều chuyến đi xa nên anh Dũng thường tận dụng cơ hội để sưu tầm đồng hồ. Cứ lân la hỏi thăm rồi được nghe giới thiệu ở đâu có là anh tìm đến. Những chiếc đồng hồ Liên Xô vỏ bằng vàng đặc rất hiếm, chỉ người có công mới được các nguyên thủ Liên Xô tặng. Vậy là chỉ cần nghe được tin ở đâu có, dù là vùng đất rất khó đi lại, anh Dũng cũng tìm đến.

Những chiếc đồng hồ cổ nhất thủ đô

Nhân ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11), gần 30 chiếc đồng hồ cổ của anh Nguyễn Trung Dũng được trưng bày tại đình Đồng Lạc. Tất cả đều chạy được 7 ngày sau một lần lên giây.
Đồng hồ để bàn đá cẩm thạch trắng, tượng đồng mạ vàng, sản xuất tại Pháp vào khoảng cuối thế kỷ XIX.
Đồng hồ đá cột (trái) sản xuất từ Pháp (cuối thế kỷ XIX) và FHS "người gác chuông" xuất xứ từ Đức vào khoảng 1980.
Đồng hồ tủ đứng xuất xứ từ Đức vào khoảng năm 1980, làm bằng gỗ sồi, đánh nhạc Westminster, 8 gông thép, máy chạy tạ xích.
Đồng hồ úp ly Schatz xuất xứ từ Đức vào những năm 1960. Máy chạy 400 ngày cho một lần lên giây, mặt men ngà, cột đồng có chạm khắc hoa văn.
Đồng hồ để bàn "Khải hoàn môn" xuất xứ từ Pháp vào cuối thể kỷ XIX, vỏ gỗ, họa tiết đồng, thiết kể theo biểu tượng Khải hoàn môn của Pháp.
Đồng hồ treo tường Jura xuất xứ từ Pháp vào khoảng năm 1950, vỏ gỗ, đánh nhạc westminster, 8 gông thép.
Đồng hồ vỏ gỗ được thiết kế với hình con hươu đẹp mắt.
Đồng hồ treo tường Carillon, xuất xứ từ Pháp vào khoảng năm 1940, vỏ gỗ, đánh được 4 bài nhạc khác nhau, 10 gông đồng.
Đồng hồ Odo 62 xuất xứ từ Pháp vào những năm 1962, vỏ gỗ, 10 gông thép, đánh hai bài nhạc, điểm giờ bính boong.
Odo "người gác chuông" xuất xứ từ Pháp vào năm 1950, là đồng hồ treo tường bằng gỗ, phần người gác chuông làm bằng đồng, điểm giờ bằng phương pháp gõ chuông.
Mô hình cấu tạo của đồng hồ và chuông.

Hoàng Thùy

"Đó là vật được truyền từ đời ông cha nên phần lớn họ đều không muốn bán. Tôi phải thuyết phục làm sao để họ thấy mình đam mê thực sự thì họ mới đồng ý giao cho", anh Dũng chia sẻ.

Theo anh, chơi đồng hồ cổ sẽ được rất nhiều. Người chơi không thể thờ ơ bởi nếu không để ý thì nó sẽ chết. Những người cẩn thận mỗi khi đi xa đều nhắc nhở con cháu đến ngày này, giờ này phải lên giây cho nó.

"Tiếng chuông đồng hồ cũng làm người ta liên tưởng đến nhiều thứ. Nó nhắc nhở mình phải luôn luôn biết quý trọng thời gian và âm thanh ấy cũng làm cho bao nhiêu mệt mỏi tan biến, giúp tâm hồn lắng lại", anh tâm sự.

Hoàng Thùy

VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét