Dây cao su hoặc túi nilon là những thứ nguy hiểm đối với rùa Hồ Gươm nếu "cụ" nuốt phải, các nhà khoa học cho biết.
Hai ngày qua, cụ rùa Hồ Gươm nổi lên với một điều đặc biệt khiến nhiều người quan tâm: một sợi màu đen được cho là dây cao su vắt qua miệng.
Ông Lê Nguyên Ngật, chuyên gia đầu ngành về bò sát ở Việt Nam không ngạc nhiên khi biết cụ Rùa hồ Gươm lại nổi. “Rùa nổi lâu nay trở thành hiện tượng bình thường. Điều đáng lo ngại đó là ở miệng cụ lại xuất hiện dây cao su, nếu nuốt dây cao su vào ruột, tính mạng cụ rùa sẽ nguy hiểm. Điều tối kỵ đối với rùa sống dưới nước đó là những túi nilon hoặc dây cao su”, ông Ngật lo ngại.
Giáo sư Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng yếu tố thời tiết chuyển từ ấm sang lạnh trong hai ngày nay là một nguyên nhân khiến cụ nổi lên. Thời tiết thay đổi, môi trường nước thay đổi, mất cân bằng nhiệt độ áp suất, lượng ô-xi giảm sút, nên cụ nổi lên để thở.
“Tuy nhiên, lần xuất hiện của cụ lần này khác với những lần trước, đó là dây cao su, đây là điều không bình thường. Có thể cụ Rùa ăn phải thức ăn gì đó, vướng phải và hình như vẫn mắc chỗ miệng cụ chưa ra”.
Cụ Rùa trong lần nổi ngày 23/11, bị dính phải một đoạn dây màu đen, được cho là dây cao su. Ảnh: Lê Hiếu |
Ông Nguyễn Văn Hà thuộc Chương trình bảo tồn Rùa châu Á cho rằng, rùa ở Hồ Gươm cũng là loài sinh vật, thuộc lớp bò sát, theo đó, việc ngoi lên để thở là chuyện bình thường, có điều có những lúc nổi lên rất nhanh và ở khoảng cách xa mà không ai chú ý.
Trên thực tế, rùa thường nổi ít nhất là 30 phút/lần. Có điều chúng ta có nhìn thấy thường xuyên hay không. Vì khi hít thở, rùa chỉ để nhô lên 2 lỗ mũi rất nhỏ, khó nhìn thấy nếu mặt nước có gợn sóng. Hoặc rùa nổi ở những lùm cây, vào ban đêm… thì không thể nhìn thấy được.
Cán bộ Chương trình bảo tồn rùa Châu Á đã từng nghiên cứu về rùa Hồ Gươm trong 6 tháng liên tục và đưa ra kết luận rùa Hồ Gươm nổi hẳn lên mặt nước với thời gian kéo dài từ 2-3 giờ liên tục.
"Nhiều người cho rằng, cụ nổi lên do yếu tố tâm linh, nhưng hiện chưa có bằng chứng khoa học nào để nói lên điều này, việc cụ nổi lên chỉ là ngẫy nhiên, trùng hợp", ông Hà nói.
Theo ông Hà, điều quan trọng lúc này là tuyền truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ cụ Rùa, cụ thể là không nên ném túi nilon, hay dây cao su, đồ ăn, chai lọ xuống hồ, ảnh hưởng đến cuộc sống của “cụ”.
Hương Thu - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét