người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Ra đi ở tuổi 30

"Ba cụ cộng lại mới tròn 100", đó là câu nói quen thuộc của người dân Điện Biên những năm gần đây khi phải chứng kiến quá nhiều đám tang phủ đầy hoa trắng. Nghiện ma túy, dùng chung kim tiêm nhiễm HIV, nhiều thanh niên đã chết khi tuổi mới 30.

Một tuần dân ở đây bán được 5-6 vòng hoa nhưng chủ yếu là vòng hoa trắng. Đã có rất nhiều ông bố, bà mẹ "đầu bạc phải đi chôn đầu xanh".

Vì thế, vòng hoa trắng cũng là một trong những hiện vật góp mặt tại cuộc trưng bày đầu tiên về HIV mang tên Nỗi đau và hy vọng.

"Với hình ảnh vòng hoa tang trắng thể hiện nỗi đau, chúng tôi hy vọng nó sẽ tạo được ấn tượng mạnh với người xem. Nỗi đau ở đây được khắc họa dưới cái nhìn đa chiều, qua bức thư của một người bố bị AIDS viết gửi cho con gái trước khi qua đời, hay con lợn tiết kiệm của một bé gái 13 tuổi ở TP HCM để có tiền làm giỗ cho ba má đã chết vì căn bệnh thế kỷ...", ông Võ Trọng Quang, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), nơi tổ chức buổi trưng bày chia sẻ.

Qua hệ thống audio khách tham quan được nghe câu chuyện của những người đang sống chung với HIV/AIDS. Ảnh: H.N.

Nhưng có lẽ đọng lại trong mắt người xem hơn cả là khu trưng bày về nỗi đau của những người bị nhiễm HIV do sự kỳ thị.

“Tôi không được bế cháu nữa, bóc quả cam đưa cho nó mà mẹ nó biết là vứt đi ngay. Tôi uống nước thì không ai dám dùng đến chiếc cốc đó nữa. Tôi đi ra đường, mọi người nhìn thấy là bàn tán, xì xào, chỉ trỏ", anh Trần Văn Hà, 36 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng tâm sự.

Cảm thấy tủi nhục và xấu hổ trước sự kỳ thị của cộng đồng, thậm chí là của chính những người thân, anh Hà tự giam mình trong căn phòng 7m2. Anh không dám tiếp xúc với ai, tóc và râu dài mọc dài như người rừng. Hằng ngày người nhà chuyển đồ ăn cho anh cùng những chiếc cốc qua cửa sổ.

“Chỉ có mấy đứa em là không kỳ thị thôi còn thì mợ dâu, ông bà nội, cậu Sáu ai cũng sợ, không cho các em chạm vào mình, cái gối của mình không ai nằm được hết. Mình phải tự rửa chén mình ăn cơm, uống riêng ca. Có bạn đến chơi, kêu chai nước lạnh cũng đâu dám cho bạn uống cái ly ở nhà mà phải chạy đi mua ly nước giấy”, anh Nguyễn Tuấn Vũ, 32 tuổi, TP HCM chia sẻ.

Dự kiến buổi trưng bày sẽ kéo dài đến tháng 6 sang năm. Ảnh: H.N.

Có lẽ cũng vì nỗi ám ảnh sự kỳ thị đó mà cho đến nay danh tính của người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV tại Việt Nam vẫn được giữ bí mật. Sống tại TP HCM, người phụ nữ ấy vẫn sống và làm việc như bình thường. Mua sắm cũng giúp chị vơi bớt nỗi buồn.

“Nhiều khi họ chỉ trỏ, trêu chọc mình thế này thế kia, toàn nghĩ xấu về mình, rằng sống buông thả. Có lần đi ra cửa hàng mua cái bóng đèn, con nhỏ nó thảy qua cho mình thôi”, chị chia sẻ.

Chị đã sống thêm được 20 năm từ khi biết mình mắc bệnh, như một minh chứng cho điều "Những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ vẫn có thể sống khỏe mạnh và làm việc tốt như bất kỳ ai".

“Nhiều người thấy mình ai cũng hỏi ‘Sao chị không lấy chồng. Chị đâu phải xấu xí’. Ừ, tôi không thích lấy chồng vậy thôi”, người phụ nữ ấy tâm sự.

Trong xã hội, HIV/AIDS thường bị đánh đồng với các tệ nạn xã hội. Người nhiễm HIV thường bị coi là đã quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng ma túy, làm nghề mại dâm... Họ thường đối diện với ánh mắt thương hại hay kỳ thị, gọi bằng những tên phiếm chỉ hàm ý bài xích, chê trách như “sida”, “ếch”. “ét”…

Không những người bị nhiễm HIV bị kỳ thị mà gia đình họ cũng phải hứng chịu điều tiếng gièm pha của cộng đồng. Nhiều trường hợp, cả người nhiễm HIV và người thân của họ bị đuổi khỏi nhà, nơi làm việc, chỗ trọ, con của họ bị gây áp lực đến nỗi phải bỏ học.

Nhiều chuyên gia cũng phải thừa nhận những năm trước đây đã có sai lầm trong cách tuyên truyền về đại dịch HIV/AIDS. Việc đưa ra những hình ảnh quá rùng rợn về căn bệnh này đã vô tình đẩy những người có HIV đến sự kỳ thị.

Cũng vì thế, mong muốn lớn nhất của những người đứng ra tổ chức buổi trưng này là hy vọng những người có HIV dũng cảm bước ra, công khai danh tính của mình.

Hoạt động trưng này diễn ra từ ngày 22/11/2010 và dự kiến kéo dài đến tháng 6/2011. Người xem sẽ được chia sẻ cảm xúc với những người trong cuộc trông qua những tư liệu, hiện vật, hình ảnh và giọng nói.

Nam Phương - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét