Sau 5 năm thực hiện chương trình hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực phía Nam thực hiện hơn 520 dự án, tiết kiệm 180 nghìn tấn dầu quy đổi và giảm 740 nghìn tấn CO2 thải ra môi trường.
Dự án hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có tên gọi là Pecsme, được thực hiện từ năm 2006, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều nhiên liệu và điện như: gốm, sứ, gạch, giấy... Ngày 25/11, lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ và Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện chương trình này cho khu vực phía Nam.
Theo đó, trong giai đoạn 2006-2010, với mục tiêu ứng dụng công nghệ và các biện pháp quản lý năng lượng, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, Pecsme đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở miền Nam Việt Nam giảm 50% chi phí năng lượng trong ngành gạch.
Nhờ áp dụng những biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả ngay trong từng khâu sản xuất, ngành gốm giảm được 40% chi phí so với trước đây và các ngành khác giảm được 30% chi phí. Điều này giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện, thậm chí tăng gấp 2-3 lần và vì vậy giúp khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước dần dần tăng cao.
Người dân đang xem những loại bóng đèn và thiết bị tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Vũ Lê. |
Đánh giá của ban quản lý dự án Pecsme, dự án không chỉ mang lại hiệu quả môi trường mà còn có hiệu quả xã hội, giúp các doanh nghiệp trụ vững và phát triển tốt việc kinh doanh sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, tạo ra việc làm cho 10.000 lao động với mức lương 1,5-2,5 triệu đồng mỗi tháng.
Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM Huỳnh Kim Tước cho biết, từ khi triển khai dự án Pecsme, thị trường tiết kiệm năng lượng đang dần dần được hình thành với sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức dịch vụ tiết kiệm năng lượng, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn...
Ông Tước cho hay, để thực hiện dự án Pecsme là cả một chặng đường dài. Đầu tiên phải giúp cho doanh nghiệp nhận thức được vai trò của việc tiết kiệm năng lượng. Kế đến, Trung tâm tiết kiệm năng lượng và Sở Khoa học công nghệ sẽ tiến hành kiểm toán năng lượng giúp cho doanh nghiệp. Từ kết quả kiểm toán này, doanh nghiệp sẽ được tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu nguồn tài chính cũng như các công nghệ hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng để áp dụng.
Khách hàng đang được giới thiệu và tư vấn về tấm pin năng lượng mặt trời (dòng sản phẩm năng lượng tái tạo) có thể chuyển hoá nhiệt năng thành điện năng giúp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Vũ Lê. |
Phó giám đốc Công ty Hatech cung cấp giải pháp đầu tư chia sẻ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, ông Vũ Xuân Hoàng nhận xét: "Thị trường tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả của Việt Nam hiện vô cùng rộng lớn. Bởi lẽ, Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều đứng hàng thứ ba châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ".
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, khi tiếp thị và giới thiệu chương trình hỗ trợ và chia sẻ giải pháp tiết kiệm năng lượng, vấn đề đầu tiên doanh nghiệp quan tâm là suất đầu tư thiết bị tốn kém bao nhiêu. Ít có doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả sử dụng năng lượng khi máy móc vận hành.
Ông Hoàng cho hay, khâu khó khăn nhất của toàn bộ quy trình thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng chính là tiếp cận được với doanh nghiệp. "Cứ 10 nhà máy thì chỉ 5 nơi có những giải pháp khả thi để làm. Trong 5 nơi này chỉ có một chủ nhà máy chấp nhận thực hiện dự án. Trong 100 doanh nghiệp tiếp cận thì chỉ thực hiện thành công 10 dự án tiết kiệm năng lượng. Song, tôi tin sắp tới con số này sẽ tăng lên", ông nói.
Dù còn nhiều khó khăn ở khâu tiếp cận và tư vấn việc tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá, thị trường đang dần khởi sắc. "Phía Bắc có Hà Nội còn phía Nam có TP HCM và khu vực miền Tây sẽ là thị trường tiết kiệm năng lượng có diễn biến sôi động nhất trong vài năm tới", một chuyên gia nhận định.
Hà Thanh - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét