Trong hội nghị môi trường toàn quốc đang diễn ra ở Hà Nội, các nhà khoa học cho rằng sự suy thoái đa dạng sinh học được thể hiện ở sự suy giảm của diện tích rừng có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, số lượng cá thể của các loài sinh vật biển, các loài hoang dã, các nguồn gen hoang dã...
Ông Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - cho hay, diện tích rừng và độ che phủ rừng tại Việt Nam tăng trong thời gian qua nhưng chủ yếu là rừng trồng mới. Trong khi đó diện tích rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học giảm nhiều so với trước đây.
Rừng nghèo, rừng trồng hoặc rừng đang phục hồi chiếm tới hai phần ba tổng diện tích rừng Việt Nam, còn rừng giàu và rừng kín chỉ chiếm 4,6% (năm 2004). Rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha và khả năng phục hồi hoàn toàn rất thấp.
Điều đáng lo là rừng ngập mặn ở Việt Nam đang trên đà suy thoái. Tổng diện tích rừng còn khoảng 155.290 ha và trung bình mỗi năm mất khoảng 4.400 ha rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn nguyên sinh không còn. 62% tổng diện tích rừng ngập mặn hiện nay là rừng mới trồng, thuần loại.
Nhiều loài động thực vật trên đà suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: Isponre.gov.vn |
Nhiều loài động vật, thực vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng, ông Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, cảnh báo. Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007 thì tổng số loài động thực vật hoang dã trong thiên nhiên của Việt Nam đang bị đe dọa hiện nay là 882 loài. Có tới 9 loài động vật được xem tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam như tê giác hai sừng, heo vòi, cá sấu hoa cà.
Trong hệ thực vật, hai loài lan Hài quý đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Số lượng các loài thủy sinh vật có giá trị kinh tế giảm sút nhanh chóng.
Suy suy thoái tài nguyên sinh vật còn thể hiện ở sự suy giảm môi trường sống của hầu hết các loài sinh vật biển. Theo thống kê, có 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau, trong đó có hơn 70 loài sinh vật biển đã được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam.
Nguyên nhân chính gây suy thoái đa dạng sinh học là tác động trực tiếp và gián tiếp của con người. Mở rộng đất canh tác nông nghiệp vào đất rừng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Tại vùng ven biển, nhân dân nhiều nơi phá rừng ngập mặn quai đê lấn biển để trồng lúa, phá rừng làm ao nuôi tôm nên nhiều rừng ngập mặn biến mất.
Nạn khai thác gỗ trái phép, lấy củi khiến rừng bị cạn kiệt nhanh chóng, các loài gỗ quí còn lại không đáng kể. Xây dựng đường sá, cầu cống, đường dây điện, hồ chứa cũng làm suy thoái tài nguyên sinh vật.
Việt Nam là một trong 20 nước có độ đa dạng sinh học hàng đầu (chiếm 6,5% số loài có trên thế giới). Cho tới nay, Việt Nam thống kê được gần 13.000 loài thực vật và 12.000 loài động vật. Nhiều nhóm sinh vật có tính đặc hữu cao, có giá trị khoa học và thực tiễn lớn, nhiều loài thú mới đã được phát hiện.
Hương Thu - vnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét