người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Cuộc sống khốn khổ vì nước biển vây

Những lồng chim cút được kê cao trên giá, phía dưới người nuôi phải dầm mình trong nước sâu hơn một mét để cho chúng ăn. Phân và trứng cút thải ra nước bốc mùi hôi thối. Nhiều gia đình ở Phú Yên khốn khổ vì cảnh ngập.

Gần tháng qua, gần nghìn hộ dân thôn Phước Lâm, Uất Lâm và Mỹ Hòa, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa và một phần phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), phải sống chung với ngập úng vì tình trạng nước biển dâng cao.

Chưa bao giờ, người dân các làng cát ven biển này sống trong cảnh bốn bề là nước như hiện nay.

Từ đầu tháng 11 đến nay, vùng này đã phải chịu 2 đợt nước biển dâng gây ngập úng. Cuộc sống 144 hộ dân ở xã Hòa Hiệp Bắc đảo lộn. Ông Trần Minh Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã nói: "Ngập úng dài ngày là điều chưa từng có trong lịch sử Hòa Hiệp Bắc".

Làng Phước Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, bị nước biển dâng bao vây tứ bề. Ảnh: Khoa Thy
Làng Phước Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, bị nước biển dâng bao vây tứ bề. Ảnh: Khoa Thy

Ngoài nghề biển, dân Hòa Hiệp Bắc chủ yếu chăn nuôi chim cút. Tình trạng ngập úng đã làm cho khoảng 15.000 con chim và hàng trăm gà vịt bị chết. Thế nhưng tình trạng này vẫn đang có khả năng nặng nề thêm; dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tràn lan".

Để đến được nhà bà Lê Thị Thương ở thôn Phước Lâm, VnExpress.net phải dùng đến thúng chai và nhờ bà con đẩy giúp vì nước ngập đường đi đến trên một mét.

Trong nhà bà Thương, 4.000 con chim cút giờ chỉ còn phân nửa. Những lồng chim cút được kê cao trên giá, phía dưới người nhà phải dầm mình trong nước để cho chúng ăn. Do nước ngập lâu ngày nên gần 2.000 con cút đã chết vì lạnh.

Phân và trứng cút không vận chuyển để bán được đã bốc mùi hôi thối. 3 con lợn cũng được nhốt chung trong nhà. Bà Thương cho biết: “Từ năm 2003 đến nay hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi phải vay ngân hàng 10 triệu đồng, mượn thêm người thân để đầu tư nuôi 4.000 chim cút. Giờ tình cảnh này không biết lấy tiền đâu mà trả nợ”.

Bà Thương lội nước cho chim cút ăn. Ảnh: Khoa Thy
Bà Thương lội nước cho chim cút ăn. Ảnh: Khoa Thy

Cùng cảnh ngộ, nhà bà Lê Thị Bé cùng ở thôn Phước Lâm bốc mùi hôi từ phân gia súc, gia cầm, giun đất nổi lềnh bềnh lẫn trong nước ngập hàng mét. Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đều trên mặt nước cả. Có khi nước lên cao quá không nấu được cơm thì cả nhà lại ăn mì tôm.

Nhà bà Bé nuôi 7 con lợn. Đợt mưa vừa rồi bà bán bớt 2 con, 5 con còn lại được kê cao trên những tấm ván và gạch chỏng chơ. Đã nhiều ngày, bà Bé gọi người mua đàn lợn nhưng chẳng thấy ai tới vì cảnh nước ngập. Hai ngày qua, trời đã ngớt mưa nhưng nước vẫn không chịu rút. Bà Bé than thở, kiểu này không chóng thì chày cũng bị đau ốm vì hôi thối và nguồn nước ô nhiễm. Riêng đôi bàn chân đã bợt bạc cả vì phải ngâm trong nước lâu ngày.

Không riêng gì Hòa Hiệp Bắc, tình trạng ngập úng tương tự cũng xảy ra ở các thôn Phú Hiệp 1, Phú Hiệp 2 của xã Hòa Hiệp Trung; Thọ Lâm, Đa Ngư của xã Hòa Hiệp Nam và khu phố 3 phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa. Cuộc sống của gần 500 hộ dân rơi vào cảnh khó khăn.

Khu phố 3, phường Phú Thạnh có khoảng 90 hộ dân cũng chịu cảnh ngập úng do nước dâng cao; trong đó 17 hộ bị ngập sâu từ nửa mét đến nửa nhà. Đây là lần ngập thứ 2 và kéo dài đến nay gần một tháng.

Nhà bà Bé nuôi lợn, phân thải ra theo nước ngập tràn vào nhà. Ảnh: Khoa Thy

Nhà cửa, đường sá bị ngập sâu, nhưng bên ngoài, dọc các lối đi những hàng dây điện chằng chịt cách mặt nước chỉ vài tấc. Những trụ gỗ bị ngập nước xiêu vẹo có thể ngã bất cứ lúc nào.

Người dân thì hằng ngày dầm mình trong nước. Điện thì vẫn được duy trì để người dân sinh hoạt. Chính vì thế, nguy cơ tai nạn về điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Đặng Bình, nhà bị ngập sâu hơn một mét cho biết đã đưa mấy đứa con di tản sang nhà người quen 2 tuần nay, còn vợ chồng dầm mình cầm cự. “Nhưng dây điện chằng chịt thế này mà tôi lội ra vô đưa bọn nhỏ trong xóm đi học cả ngày, sợ quá nhưng không biết làm sao”, ông Bình nói.

Cách khu dân cư ngập nước phường Phú Thạnh không xa là bãi rác khổng lồ của chợ Đông Tác. Bao bì ni lông, các bộ phận xác súc vật, rau thối... tất cả đều trôi theo dòng nước ngập chảy vào nhà dân. Đây cũng chính là điều kiện cho dịch bệnh phát sinh.

Ông Nguyễn Văn Thới hơn 25 năm sống ở đây nói: “Bây giờ tất cả mọi thứ dơ bẩn nhất đều lẫn trong nước, gà vịt chết la liệt nhưng bà con phải sống chung với nước bẩn và rác thế này, chỉ lo ngã bệnh mà chết”.

Vo gạo bằng nước giếng đục. Ảnh: Khoa Thy
Nước ngập triền miên khiến nhiều gia đình thiếu nước sạch. Ảnh: Khoa Thy

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Bắc Trần Minh Tiền cho hay, từ đầu tháng 11 đến nay, mưa lớn kéo dài, kết hợp thủy triều làm mạch nước ngầm dâng cao. Những vùng trũng thấp ở làng cát trở thành túi nước khổng lồ, thấm ngược mạch ngầm. Cứ thế nước dâng lên làm ngập nhà cửa, đường sá, hoa màu của nhân dân.

Nhiều giếng trước đây sâu đến 10-11m, nhưng giờ thì nước ngập miệng giếng. Tuy nhiên do là nước dâng, nước đọng nên chính quyền địa phương cũng lúng túng, không biết ứng phó và xử lý như thế nào.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn xã Hòa Hiệp Bắc, nếu trời không có mưa, nắng ráo thì ít nhất phải sau một tháng nữa nước mới rút ra khỏi nhà dân. Khi đó hàng loạt vấn đề phát sinh, nhất là về môi trường, dịch bệnh.

Chính quyền xã Hòa Hiệp Bắc đã vận động nhân dân tự lực khắc phục khó khăn trước mắt, nước rút đến đâu tiến hành xử lý môi trường đến đó. Các loại thuốc điều trị những bệnh thường gặp vì sống trong nước lâu ngày cũng sẵn sàng để cung cấp cho người dân.

Thanh Thanh - Thy Khanh - vnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét