Ông Vũ Đình Hòe, Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam. Ảnh: Hương Thu. |
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, trưởng ban phản biện xã hội, Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh rằng ở miền trung, do địa hình tự nhiên, cần ưu tiên trước hết cho sự an toàn của cuộc sống người dân chứ không đặt nặng vấn đề kinh tế.
- Lũ lụt liên tiếp xuất hiện ở miền Trung, năm nào cũng như năm nào, tại sao chúng ta không thích ứng được thưa ông?
- Từ ngàn xưa, miền Trung là vùng địa hình nhạy cảm với lũ lụt, năm nào cũng lụt, bao nhiêu năm nay vẫn thế. Do các sông ở miền Trung có trung lưu rất ngắn, cửa sông miền Trung đổ ra biển thường bị roi cát chắn lại gọi là cửa sông dạng khuyết áo. Mưa to 100-200mm trong vòng 1, 2 tiếng là có lũ.
Biết là vậy, nhưng chúng ta không thích ứng được, người dân giờ chỉ lạy ông trời không lụt thôi. Nguyên nhân là bởi chúng ta không có chiến lược ứng phó hợp lý. Năm nào cũng lụt, năm nào cũng chết người. Chính vì thế, với miền Trung, không lụt là tốt lắm rồi, nên cách tốt hơn cả là không nên phát triển dựa và rừng và khoáng sản.
Trước hết, cần quy hoạch có hệ thống từ khâu phát triển cái gì, không phát triển cái gì, từ khâu kinh tế hóa dịch vụ hệ sinh thái. Tại sao cứ khai thác khoảng sản, thủy điện, rừng để xảy ra lụt quanh năm, để hàng nghìn tỷ đồng đổ công tác hậu lũ lụt. Với miền Trung làm sao sống an toàn là được.
- Vừa qua, tại Hội thảo công tác vận hành hồ chứa thủy điện do Bộ Công thương tổ chức, các nhà quản lý cho rằng, không có thủy điện, lũ miền trung còn nặng nề hơn. Quan điểm của ông thì sao?
- Về mặt khoa học, thủy điện không thể từ chối. Không nhiều hay ít, thủy điện phải chịu trách nhiệm trước tai biến lũ lụt miền Trung.
Khi có lũ, thủy điện xả không đúng thời điểm. Mưa to, nước lớn, nhưng thủy điện vẫn xả, lũ tự nhiên chồng lên lũ nhân tạo càng khiến mực nước mạnh hơn. Trong khi, đáng lẽ hồ thủy điện phải có chức năng điều tiết (chưa lũ thì xả, lũ về phải chưa nước), đằng này chỉ có chức năng phát điện mà thôi.
Mặt khác, nước hồ thủy điện rất cao, có thể dâng lên thành nhiều bậc. Trường hợp này thấy rõ ở TP Huế năm ngoái, nước cứ từ từ đùn từ cống lên, bởi năng lượng nước cống là chảy từ sông Hương với năng lượng cao, nếu năng lượng bình thường sẽ không đẩy cống lên được. Chính những hồ đập ở thượng nguồn sông Hương là những “quả bom nước” treo trên đầu các khu vực đông dân dưới hạ lưu. Do đó, ít hay nhiều thủy điện chịu trách nhiệm trước tai biến lũ lụt miền Trung.
Một công trình thủy điện. Ảnh: Thiên Lý |
- Lũ lụt miền trung có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu?
- Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay vẫn đang được các ngành nghiên cứu. Nhưng chúng ta mới có 3 kịch bản ứng phó trên cơ sở dài hạn, chứ chưa đi vào nghiên cứu từng vùng, từng địa phương. Vì thế, rất khó khăn khi lồng ghép phát triển kinh tế địa phương với biến đổi khí hậu.
Cần có những kiểm soát cụ thể về BĐKH cung cấp cho từng địa phương, từ đó lồng ghép để phát triển kinh tế địa phương.
Trận lũ lụt miền Trung không đổ lỗi cho BĐKH, đúng là có nhiễu loạn thời tiết một phần do BĐKH. Có chăng dấu hiệu của BĐKH thể hiện ở: mực nước biển dâng 20cm ở vùng Nam Định trong vòng nhiều năm qua, hay nhiều loài sinh vật ưa ấm dưới chân núi lên đỉnh núi cao như cây mai dương lên tận Hà Giang, Cao Bằng là nơi khi hậu lạnh chứng tỏ các tỉnh này đã ấm lên.
Nghiên cứu BĐKH nên nghiên cứu vào hệ sinh thái, như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói rằng họ không thiếu nước vì vùng nhiệt đới ẩm, nhưng các nhà khoa học chứng minh tỉnh này đã khô hạn bằng chuỗi thời tiết bốc hơi và mưa, chứng minh bằng hệ sinh thái khô hạn đã xuất hiện ở địa phương này, có nghĩa 10-15 năm qua nó chuyển sang bán khô hạn mới hình thành hệ sinh thái. Hãy phân biệt thời tiết với BĐKH, đừng quan niệm thời tiết là BĐKH.
- Các nhìn nhận của ông về cách ứng phó với lũ lụt trong thời gian qua?
- Chúng ta mới chỉ làm được cái ngọn, tức là “hậu lũ lụt”, có thăm hỏi động viên, xây nhà hỗ trợ, công tác cứu hộ cứu nạn tốt, đây là điều đáng mừng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy là chưa đủ trong tương lai cần đi nhanh hơn, vì lũ miền Trung vẫn tiếp tục diễn ra. Do đó, các nhà quản lý cần “tấn công” phần chìm trong lũ lụt.
Cụ thể, trước hết phải xem miền Trung có nên gánh trách nhiệm quá lớn về phát triển kinh tế hay không, hay đảm bảo an toàn là chính. Bởi nếu gắn với trách nhiệm phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, tham gia đóng góp ngân sách, thì người dân mới phải phá rừng, phát triển thủy điện, khai mỏ.
- Vậy làm thế nào để vừa đảm bảo môi trường, vừa phát triển kinh tế?
Rất khó để làm được điều này ở miền Trung. Tôi nghĩ, miền Trung sống an toàn là tốt rồi, nên miễn những khoản đóng góp về kinh tế phát triển khác, duy trì môi trường an toàn, không nên áp đặt tăng trưởng kinh tế cho miền Trung.
Như trường hợp ở Bỉ, lượng phân bò khiến ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây nhiều thiệt hại cho môi trường, nên nước Bỉ quyết định không để người nông gân nuôi bò, trồng trọt nữa, thậm chí để họ chơi không, tiết kiệm khoản chi phí mua hệ thống xử lý ô nhiễm nước ngầm từ Pháp. Ở miền Trung cũng vậy, mỗi lần lũ lụt, không những không phát huy tiềm năng lợi thế mà Chính phủ còn mất khoản hỗ trợ, tài trợ sau lũ với những thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hãy tìm biện pháp phát triển an toàn cho miền Trung, đừng đặt gánh nặng lên vai họ. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là an ninh môi trường, kinh tế là phụ.
Hương Thu - vnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét