người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Não to không có nghĩa là thông minh hơn

Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.

Nhiều ý kiến cho rằng bộ não người thuộc các dân tộc phát triển có khối lượng lớn hơn. Điều này không chính xác. Bởi não của người Anh nặng trung bình gần 1.350 g, kém 130 g so với một dân tộc ít phát triển hơn là Buriat.

Các nhà khoa học tự nhiên của mọi thời đại đã phỏng đoán rằng bộ não của thiên tài và người thường không giống nhau, nhưng chưa rõ ở điểm nào? Những tìm tòi ráo riết đã bắt đầu cách đây 7.000 năm và đến nay vẫn tiếp tục. Và trong khoảng thời gian đó nhân loại đã biết được nhiều điều thú vị về bản thân mình.

Cư dân thuộc các châu lục khác nhau được thiên nhiên “trang bị” cho bộ não có trọng lượng khác nhau. Chủng tộc châu Âu: 1.740 g, chủng tộc Mongoloit (tạm gọi là da vàng) 1.330 g, chủng tộc Negroit (da đen) 1.240 g và chủng tộc Nam Mông Cổ 1.190 g.

Tại sao lại có khác biệt như vậy? Cách giải thích phổ biến nhất là: Bộ não của các dân tộc phát triển có khối lượng lớn hơn. Nghe cũng có lý, song không chính xác, bởi sẽ khó giải thích hiện tượng bộ não của người Anh trung bình nặng 1.350 g, còn bộ óc của người Buriat - kém phát triển hơn - nặng những 1.480 g. Não người Pháp cũng nhẹ hơn so với người Keri, vốn thua Pháp về mức độ phát triển.

Người Nga cũng vậy, ngay ở thời đế chế, khi Nga phát triển vượt trội so với các dân tộc xung quanh, bộ não của họ vẫn nhẹ hơn nhiều dân tộc thiểu số như Baski, Belan, Chesnya...

Tuy nhiên, một dân tộc chỉ cần được ăn uống khá hơn trong một thời gian, được sống vui vẻ hơn và có trí tuệ hơn thì bộ não thay đổi ngay, dung tích của nó tăng lên. Chẳng hạn, thể tích hộp sọ của người Pháp sống cách đây 100 năm lớn hơn 36 cm3 so với các bậc tiền bối của họ ở thế kỷ 18. Hiện tượng này cũng được phát hiện ở người Ai Cập: Trong thời kỳ hưng thịnh của nền văn hóa cổ đại, thể tích não lớn hơn 45 cm3 so với những thời kỳ suy thoái lâu dài. Cuối thế kỷ 20, trọng lượng trung bình của bộ não người Nhật Bản đã gia tăng 30 g ở nam giới và 15 g ở phụ nữ.

Có những người nghĩ rằng, quá trình tiến hóa sinh học của con người đã ngừng lại, chỉ còn lại sự tiến hóa về kỹ thuật do con người tạo ra. Đến một lúc nào đó, kỹ thuật này sẽ mạnh hơn con người và hủy diệt con người. Thực ra không phải như vậy. Các nhà nhân chủng học cho biết, trong vòng 100 năm gần đây, đại não của con người đã nặng hơn 40 g.

Liệu quá trình tiến hóa có biến chúng ta thành sinh vật đầu to quá mức không? Đầu không thể nào lớn hơn thân được. Đến một giai đoạn nào đó, thiên nhiên khi khai thác hết khả năng phát triển về lượng, có lẽ sẽ tập trung vào cải tạo bộ não về chất. Theo các nhà khoa học, bằng phương pháp này, thiên nhiên đang “đào tạo” các thiên tài và những nhân tài hiện nay.

Não thiên tài có gì khác?

Bộ não của nhà văn Nga Ivan Turgenev to gấp đôi bộ não của nhà văn Pháp Anatole France. Chẳng lẽ Turgenev thông minh hơn hai lần? Cỡ mũ không thể là thước đo của năng lực trí tuệ con người - điều đó đã được làm sáng tỏ cách đây 120 năm. Hồi đó, nhà khoa học Đức T. Bishof đã lập một kỳ tích khoa học: Ông nghiên cứu khối lượng chất xám của 2.000 người đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau đã từ biệt thế giới này. Những người có bộ não nặng nhất không phải là các học giả hoặc quý tộc mà là cánh thợ thuyền. Các thế hệ nghiên cứu tiếp theo đã xác lập rằng, bộ não của những người khác nhau không giống nhau như cây cối trong rừng.

Nhà hình thái học Nga, giáo sư Vađim Avorykin, mới đây đã đưa ra một giả thuyết: Những vùng não nhỏ biến đổi nhiều hơn so với những vùng não vừa và lớn. Điều đó có nghĩa là bộ não của thiên tài nổi trội chủ yếu là nhờ phối hợp của những biến đổi nhỏ. Thậm chí một khu vực ít biến đổi nhất của bộ não con người - khe Sylvius - cũng có 4 dạng biến thể tương đối ổn định.

Một yếu tố khác cũng quan trọng: Sự dư thừa chất xám ở một số vùng này được bù cho sự thiếu hụt ở một số vùng khác. Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu não ở Đức mới đây cho biết, ở một nhạc công có thính giác tinh tế, lớp 4 trong vỏ thính giác sơ thủy dày gấp hai lần so với người không có năng khiếu âm nhạc; ở người họa sĩ, lớp 4 trong vỏ thị giác sơ thủy cũng dày hơn. Đó có lẽ là cái đã tạo nên cơ sở vật chất cho thiên tài.

Mới đây, giáo sư Sergei Savelev, Trưởng phòng thí nghiệm của Viện Hình thái học Con người trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã thực hiện ý đồ của V. Avorykin: Mô hình hóa bộ não của người họa sĩ. Người họa sĩ cần có sự kích thích thị giác, con mắt sắc sảo, trí nhớ thị giác, trí tưởng tượng phong phú, bàn tay kiên định. Muốn cho tất cả những cái đó nảy sinh và hoạt động cần phải có sự kết hợp của 26-28 nhân tố. Khả năng các yếu tố này xuất hiện cùng lúc là rất ít, do đó thiên tài luôn hiếm hoi.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét