người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Nhiều người đói lả sau 2 ngày kẹt giữa đèo do mưa lũ

Mưa lớn liên tục khiến tuyến đường 723 nối Nha Trang - Đà Lạt bị sạt lở nhiều điểm. Hàng chục ôtô chở khách kẹt giữa đèo Hòn Giao, nhiều người đã đói lả.

Sau một ngày bị kẹt lại giữa đèo Hòn Giao, chiều 2/11, ông Vũ Duy Hải, tài xế xe khách chạy tuyến thành phố Bảo Lộc - Quảng Ninh gọi điện nhờ các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng giúp thông đường để quay đầu xe trở lại Đà Lạt.

Ông Hải cho biết có 15 ôtô đang bị mắc kẹt giữa đèo. Trong đó có 2 xe khách (chở gần 100 người) đi Đà Nẵng và Quảng Ninh, 2 chiếc xe tải chở 300 con lợn, 3 xe đông lạnh chở rau hoa, trái cây và một số xế hộp. Khu vực các xe mắc kẹt là ở giữa đèo, rất xa khu dân cư. Do đó nhiều hành khách bị đói lả vì gần 2 ngày chưa có gì để ăn.

Anh Trần Đình Khanh, lái xe tải 77H-5488 điện thoại cho biết, anh cùng một chiếc tải khác chở lợn đi Hà Nội, 22h ngày 1/11 khi xuống gần tới Khánh Vĩnh thì đường bị sạt lở phải dừng lại. Sáng 2/11 anh cho ôtô quay lại Lâm Đồng dự định sang Đăk Lăk bằng quốc lộ 27 để tiếp tục ra Bắc, nhưng mới chạy được khoảng hơn 10 km thì lại bị kẹt do đường đèo sạt lở nghiêm trọng.

Hiện mọi liên lạc với những người kẹt giữa đèo chủ yếu qua điện thoại.

Nhiều phương tiện cùng người mắc kẹt tại đèo Xông Pha trên quốc lộ 27A từ Ninh Thuận đi Đà Lạt hôm 2/11. Ảnh: Sơn Ninh
Nhiều phương tiện cùng người mắc kẹt tại đèo Xông Pha trên quốc lộ 27A từ Ninh Thuận đi Đà Lạt hôm 2/11. Ảnh: Sơn Ninh

17h ngày 2/11 các tài xế điện báo hành khách đi xe đã lả người vì không có thức ăn và nước uống. Khoảng 2/3 người đã mang hành lý đi bộ cố vượt qua những đoạn đèo sạt lở xuôi về hướng Khánh Lê, vì ở đó lực lượng cứu hộ của tỉnh Khánh Hòa đã tiếp cận được điểm sạt lở đầu tiên để giúp hành khách đến điểm dân cư gần nhất mua lương thực và nước uống.

Trong số người mắc kẹt giữa đèo có một gia đình 7 người, trong đó có một người già và một em bé sau gần 2 ngày chỉ dùng chung với nhau một hộp cơm. Công nhân công trình sửa chữa đường đóng gần đó chỉ còn một thùng mì tôm để ứng cứu. Tuy nhiên số lương thực này quá ít so với hơn 100 con người kẹt tại đèo.

Chiều qua, nhận được thông tin này, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã cùng tổ công tác đến ngay hiện trường. Lúc 19h ngày 2/11 ông Hiệp điện thoại cho biết: “Các điểm sạt lở lớn đều nằm bên địa phận tỉnh Khánh Hòa. Địa phận Lâm Đồng có một số điểm sạt lở nhỏ. Đội cứu hộ đang cố gắng giải phóng đường để cho những xe mắc kẹt có thể quay về Đà Lạt".

Tuy nhiên theo ông Hiệp, điểm gần nhất nằm ở km 60 đường 723 nhưng địa phận Lâm Đồng đang có những mảng đất lớn có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Ngoài ra, để giải phóng lượng đất đá sạt lở địa bàn Lâm Đồng phải mất một ngày, chưa kể còn 4 điểm sạt lở khác nữa. Do đó hiện đoàn cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được đoàn xe đang kẹt giữa đèo.

Theo Giám đốc Sở giao thông vận tải Lâm Đồng, để giải quyết tình trạng sạt lở, tắc đường, lãnh đạo hai tỉnh Lâm Đồng - Khánh Hòa phải phối hợp cùng giải quyết. Lâm Đồng sẽ mang phương tiện đến hỗ trợ Khánh Hòa, vì muốn giải phóng các điểm sạt lở này cần thời gian ít nhất 3 ngày.

Quốc Dũng - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét