Thôn Lai Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) có 400 hộ dân nhưng có tới 200 lò gạch thủ công đang ngày đêm xả khói mịt mù. 3 người đã chết vì hít phải khói độc nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý tình trạng này.
* Ảnh: Lò gạch nhiều như nấm ở Lai Sơn
Lê Hiếu |
Đến thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), người dân đều có thể cảm nhận mùi khói ngột ngạt bay ra từ các lò gạch. Con đường đất trong thôn lúc nào cũng bùi mù do phải oằn mình cõng hàng chục chiếc xe trọng tải lớn ra vào chở gạch. Cây cối, hoa màu đều xám vì bụi khói.
Các nhà dân trong thôn đều cửa đóng then cài. Hễ ai đi ra đường đều phải đeo khẩu trang để tránh khói từ lò gạch và bụi đường. Tuy nhiên, sau cái chết thương tâm của bố con ông Nguyễn Văn Tý và người em rể mà nguyên nhân được cho là hít phải khói độc, vẫn có một số gia đình sinh hoạt bình thường ngay gần lò gạch tỏa khói nghi ngút.
Người Lai Sơn sống bằng hai nghề làm gạch và nhặt rác. Ảnh: Lê Hiếu. |
Tại các lò gạch, hàng trăm lao động phần lớn là người trong xã và địa phương lân cận, tấp nập làm việc. Hầu hết đều không có phương tiện bảo hộ lao động, cái tối thiểu như khẩu trang cũng rất ít người chịu đeo.
"Độc hại đâu em không rõ nhưng nếu không làm thì không đủ ăn", anh Nguyễn Văn Xuân, 20 tuổi nói. Làm thuê nhiều năm tại lò gạch, chị Tính cho biết, trừ tiền ăn mỗi ngày chị kiếm được gần trăm nghìn. "Tuy vất vả nhưng vẫn có đồng ra đồng vào, chứ cứ trông vào mấy sào ruộng thì chả đủ nuôi con ăn học", chị nói.
Rất nhiều người làm thuê tại các lò gạch cho hay trước đây từng "chinh chiến" trong bãi rác Nam Sơn, khu xử lý rác thải lớn nhất của Hà Nội. Nhiều người giàu lên từ rác, nhưng cũng không ít người chết và mang bệnh.
Anh Nguyễn Văn Hiện, một chủ lò gạch cho biết: "Dân Bắc Sơn nghèo lắm và Lai Sơn là thôn nghèo khó nhất. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200.000 đồng một tháng. Nói thật nếu không nhờ những lò gạch và bãi rác thải Nam Sơn chúng tôi không sống nổi".
Theo Trưởng thôn Lai Sơn, ông Đặng Quốc Hưng, thống kê chưa đầy đủ toàn thôn có 200 lò gạch (tất cả của tư nhân), trong khi chỉ có gần 400 hộ dân. Các lò gạch cách nơi tập trung dân cư khoảng một km, nhưng những ngày gió lớn, nhất là gió mùa đông bắc thì khói bụi và khí thải vẫn bay vào nhà dân khiến người già và trẻ em khó thở, vật nuôi chậm lớn.
"Trước đó trong thôn chưa từng có người chết do khói lò gạch, nhưng gia súc, gia cầm bỗng dưng lăn ra chết là chuyện bình thường", ông Hưng nói.
Khói từ các lò gạch khiến không khí ở thôn Lai Sơn rất ngột ngạt, khó thở. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Tạ Hồng Thái, Chủ tịch xã Bắc Sơn cho biết đã nhiều lần đi kiểm tra và xử phạt hành chính, nhưng khi đoàn công tác đến, các lò không hoạt động nên đành "bó tay". Tháng 2 vừa qua UBND xã ra văn bản yêu cầu các hộ sản xuất gạch thủ công phải phá bỏ lò cũ gây ô nhiễm để chuyển sang lò nung hiện đại, nhưng rất ít hộ chấp hành.
Còn theo ông Đặng Đình Trung, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Sóc Sơn, huyện vẫn có văn bản gửi tới các xã có các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch yêu cầu chấp hành quy định về an toàn lao động.
“Lần kiểm tra hoạt động của các lò gạch trên địa bàn gần đây nhất cũng đã được vài tháng, nhưng lần đó không phải ở Lai Sơn (Bắc Sơn). Mỗi lần phòng lao động chỉ kiểm tra những cơ sở có đăng ký giấy phép sản xuất, còn hầu hết lò gạch ở Bắc Sơn đều là tư nhân, mọc lên tự phát nên rất khó quản lý”, ông Trung nói.
Lê Hiếu - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét