Giẫm đạp xảy ra khi một nhóm người hay một nhóm động vật bỏ chạy hỗn loạn về mọi hướng. Các nhà khoa học cho rằng đó là một trạng thái đặc biệt của tâm lý, trong khi một số người nghĩ giẫm đạp là một dạng rối loạn về tâm thần. Nhưng dù gọi thế nào thì hiện tượng này vẫn có chung một nguyên nhân là nỗi sợ hãi tập thể.
Nạn nhân chủ yếu trong các vụ giẫm đạp là phụ nữ, như cô gái này tại thảm kịch hôm qua ở Campuchia. Ảnh: AFP |
Cảnh giẫm đạp có thể xảy ra bất cứ đâu trong bất kỳ sự kiện nào có đông người. Ví dụ khi có nhiều người dồn về một nơi nào đó và đột nhiên có ai hét lên "Nguy hiểm!". Chỉ với một từ này mọi người sẽ bắt đầu bối rối và cố gắng chạy khỏi mối nguy hiểm mà họ không biết rõ này. Cũng vì không ai biết chính xác nguy hiểm là gì nên tất cả bắt đầu chạy về mọi hướng một cách hỗn loạn và giẫm đạp xảy ra.
Trong thế giới động vật cũng thường xuyên chứng kiến cảnh giẫm đạp, đặc biệt là các loài gia cầm, voi và ngựa. Còn trong lịch sử loài người đã xảy ra hàng loạt vụ giẫm đạp đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Thông thường thảm kịch này xuất hiện trong các cuộc tập trung liên quan đến tôn giáo, trình diễn âm nhạc, lễ hội và đôi khi cả trong chiến tranh.
Để tránh được nguy cơ xảy ra giẫm đạp cần thiết nhất phải đảm bảo đám đông không bị dồn vào một khu vực hẹp hay những lối đi nhỏ. Ví dụ như lối lên một cây cầu duy nhất hay con đường nhỏ dẫn tới một cơ sở tôn giáo, vì đây thường là hiện trường của các vụ giẫm đạp. Tuy nhiên trên thực tế mọi tính toán đều có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát khi có quá đông người tập trung.
Những vụ giẫm đạp đẫm máu
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, từng nhiều lần xuất hiện trên báo chí khắp thế giới vì xảy ra các vụ giẫm đạp kinh hoàng. Hầu hết những thảm kịch dạng này tại Ấn Độ có liên quan đến các lễ hội tôn giáo, nơi tập trung đông các tín đồ sùng đạo.
Hiện trường vụ giẫm đạp tại ngôi đền Chamunda Devi ở Ấn Độ ngày 30/9/2008. Ảnh: AP |
Lần gần đây nhất là ngày 30/9/2008, có hơn 220 người đã bỏ mạng trong một vụ giẫm đạp khủng khiếp tại ngôi đền Hindu giáo Chamunda Devi ở bang Rajasthan. Hiện trường thảm kịch mang tính lịch sử này xảy ra trong không gian chật hẹp là bên trong pháo đài Mehrangarh nổi tiếng của thành phố Jodhpur.
Trước đó gần hai tháng, một vụ tương tự cũng xảy ra trong một ngôi đền Hindu giáo ở bang Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ, khiến 140 người bỏ mạng. Hiện trường là con đường dốc lên ngọn đồi có khu đền Naidadivi toạ lạc. Nguyên nhân do cơn mưa lớn khiến một vách đá bên con đường dẫn lên đền bị sập xuống đúng lúc đang có đông người hành hương. Đám đông hoảng loạn trước sự cố không quá nghiêm trọng và bắt đầu chen lấn nhau bỏ chạy.
Đầu năm 2005, bang Maharashtra của Ấn Độ còn chứng kiến vụ giẫm đạp với số người chết lên tới 300 người và đều là các tín đồ Hindu giáo. Thảm kịch xảy ra khi hàng nghìn người hành hương về đền Mandhar Devi hẻo lánh. Bắt đầu từ một đám cháy cửa hàng bên đường, đám đông khổng lồ hoảng loạn xô đẩy nhau dồn tới những bậc thang nhỏ hẹp dẫn lên đỉnh đồi. Kết quả là hàng trăm nạn nhân đã chết vì bị người đè lên hoặc thiêu cháy.
Ngoài Ấn Độ, một quốc gia khác cũng thường xảy ra các vụ giẫm đạp đẫm máu liên quan đến tôn giáo là Ảrập Xêút, quê hương của đạo Hồi. Hầu hết thảm kịch xuất hiện trong thời gian thánh lễ Hajj khi hàng triệu tín đồ từ khắp trên thế giới hành hương về vương quốc dầu mỏ này. Tháng 1/2006, khoảng 364 người đã chết đúng dịp lễ Hajj, chỉ vì hành lý trên những chiếc xe buýt đang chạy rơi xuống đường trước lối vào một cây cầu ở Mina, khiến đám đông vấp ngã rồi hoảng loạn đè lên nhau.
Thành phố Mina còn hứng chịu hai vụ giẫm đạp đẫm máu khác là vào tháng 1/2004, khi 251 người thiệt mạng chỉ trong vòng 27 phút đám đông giẫm đạp nhau trong lễ Hajj. Trước đó chính quyền địa phương đã rút kinh nghiệm vụ giẫm đạp trước bằng cách hạn chế người vào tham dự lễ hội ném đá quỷ Satan, nhưng lần này những người không được vào đã xô đẩy nhau và thảm kịch tái diễn. Vụ giẫm đạp khiến chính quyền Mina "rút ra bài học bất thành" xảy ra trong lễ ném đá quỷ Satan năm 1998 làm 118 người hành hương thiệt mạng, chủ yếu là tín đồ đến từ Indonesia và Malaysia.
Tuy nhiên vụ giẫm đạp khủng khiếp nhất tại Ảrập Xêút và cũng có thể coi là tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới hiện đại xảy ra vào ngày 2/7/1990, khi có tới 1.426 người hành hương, chủ yếu là đến từ các nước châu Á, bỏ mạng trong vụ chen lấn khổng lồ bên trong một đường hầm dẫn tới khu thánh địa Mecca. Đa phần số người chết là do bị ngạt do hệ thống thông gió của đường hầm bị phá hỏng trong cơn hỗn loạn.
Vụ giẫm đạp có số người chết lên tới 1.000 còn tái diễn tại Baghdad của Iraq vào ngày 31/8/2005, khi có hàng chục nghìn người hành hương Hồi giáo dòng Shiite đổ về đây. Những người này đã bị xô đẩy cho đến chết, hoặc bị dồn xuống sông Tigris. Nguyên nhân chỉ vì xuất hiện tin đồn có đánh bom khiến đám đông bỏ chạy tán loạn. Nhiều người trong số thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Đám đông may mắn thoát được ra khỏi cửa hầm trong lễ hội âm nhạc ở Duisburg, Đức, trong khi nhiều người bị giẫm đạp đến chết bên trong. Ảnh: AFP |
Bên cạnh những hoạt động tôn giáo thu hút đông người, những đêm biểu diễn âm nhạc cuồng nhiệt cũng là bối cảnh dễ xảy ra giẫm đạp. Hơn nữa thảm kịch này có thể xảy ra bất cứ ở đâu, ngay cả tại những quốc gia phát triển như Đức vốn nổi tiếng vì sự ngăn nắp và trật tự.
Ngày 26/7 vừa qua, lễ hội âm nhạc thường niên Love Parade tại thành phố Duisburg, miền tây nước Đức, đã biến thành thảm hoạ khi đám đông ồ ạt giẫm đạp lên nhau trong một đường hầm dẫn tới nơi tổ chức lễ hội ngoài trời. Khoảng 1,4 triệu người từ khắp nơi đổ tới tham dự sự kiện này và con số quá đông đã khiến một số khu vực nằm ngoài vòng kiểm soát của nhà tổ chức, như bên trong đường hầm.
Có 19 người thiệt mạng trong vụ này và được coi là cú sốc với người Đức vì thường tự hào về khả năng tổ chức các sự kiện đông người. Trong khi cảnh tượng đẫm máu xảy ra bên ngoài, thì bên trong khu vực lễ hội âm nhạc mọi người vẫn say sưa nhảy múa và nghe nhạc vì không hề hay biết. Nhà chức trách đã cố gắng không thông báo tin này ngay lập tức, nhằm tránh nguy cơ một vụ giẫm đạp khác có thể xảy ra bên trong.
Đình Nguyễn - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét