người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Xây mộ cho… heo

Đến chùa Dơi, du khách không chỉ ngắm nhìn hàng ngàn con dơi treo lủng lẳng trên ngọn cây mà còn tò mò xem khu “nghĩa trang lợn” - nơi “an nghỉ cuối cùng” của những chú heo 5 móng. Đêm đêm các ma đề lại tìm đến thắp nhang xin số đánh đề.

Chùa Dơi nằm tại trung tâm TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), cách chợ Mùa Xuân hay còn gọi là chợ phường 3 khoảng 1 km theo hướng đường Lê Hồng Phong xuống Bãi Xàu. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng được xây dựng cách nay hơn 440 năm và được người dân địa phương gọi bằng một tên khác là chùa Mahatúp hay chùa Mã Tộc.

Trong khuôn viên chùa, hàng trăm năm qua tồn tại một đàn dơi ngựa Thái Lan với số lượng hàng ngàn cá thể treo mình lủng lẳng trên ngọn cây cao. Những ai đến đây đều không thể không ngắm nhìn đàn dơi, trong đó có con nặng trên 2kg, sải cánh rộng hơn 1,2m. Đặc biệt là ngoài đàn dơi quý, phía sau chùa còn có một khu mộ của những chú heo được nuôi lâu năm tại chính nơi này.

Khu mộ heo khiến nhiều du khách tò mò. Ảnh: Thiên Phước.

Đại đức Kim Rêne - Trụ trì chùa Dơi cho biết, khoảng 20 năm trước, một Phật tử làm công quả cho chùa phát hiện một con heo không phải 3 móng như bình thường mà có đến 5 móng nằm ngủ ngay cổng sau chùa. Vị Phật tử đoán rằng có một ai đó trong phum sóc nuôi heo phát hiện một con heo trong bầy có móng khác thường nên không dám nuôi và cũng chẳng dám giết đành phải mang gửi vào chùa gần nhất vì theo người Khơme thì heo 5 móng là “cốt tinh” của con người.

Thương cho heo con mới lọt lòng phải xa rời heo mẹ, những người làm công quả trong chùa đã mua sữa cho uống. Đến giữa trưa, các sư sãi cũng thay nhau cho ăn nên heo lớn rất nhanh và được mọi người gọi là… “Cô Năm Hợi”. Thế là sáng sáng “Cô Năm” chạy khỏi cổng chùa rồi men theo con lộ nhỏ đi ra hướng chợ Mùa Xuân để kiếm ăn, trưa về “ăn cơm giờ ngọ” cùng lúc với các sư rồi lăn ra ngủ. Gần một năm sau nhiều người trong vùng có heo 5 móng cũng mang đến gửi vào chùa Dơi nên có lúc đàn heo trong chùa lên đến gần chục con.

Đối với “Cô Năm Hợi”, sau 7 năm sống trong chùa “Cô Năm” đã chết vào năm 1996 tại khoảnh đất cạnh hàng tre sau chùa và được chôn cất, xây mộ giống như con người. Trong đó, có một khách du lịch đến từ TP HCM cũng góp tiền để xây mộ cho heo nên các sư trong chùa đã ghi tên, địa chỉ của vị khách này lên mộ “Cô Năm”.

Theo các vị sư, những năm trước giá vật tư còn thấp nên mỗi ngôi mộ cho “heo quá cố” xây chỉ tốn 500-700 ngàn đồng nhưng giờ đây xây mộ cho heo cũng khá tốn kém, từ 1,5-2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thấy các chú heo nuôi lâu năm lần lượt “qua đời”, nhà chùa đều thông báo cho người gửi heo góp tiền cùng chùa xây mộ đàng hoàng giống như “Cô Năm Hợi”. Hiện chùa Dơi còn nuôi 3 con heo 5 móng, trong đó có 2 con sống hơn 4 năm, nặng hơn 300 kg mỗi con.

Mộ
Mộ "Cô Năm". Ảnh: Thiên Phước.

Thấy việc xây mộ, lập bia cho “heo quá cố” là chuyện lạ và tin rằng những con heo nuôi lâu năm khi chết sẽ rất linh thiêng nên không ít “ma đề” đêm đêm vào chùa cúng bái “Cô Năm” và những mộ heo khác cạnh bên để mong trúng số làm giàu.

Anh Thạch (phường 3, TP Sóc Trăng) cho biết, anh cũng chính là một trong những người sùng bái “linh hồn heo quá cố” nên tuần nào cũng vào chùa thắp nhang khấn “thần heo” cho anh nằm mơ thấy số đánh đề.

Theo anh Thạch thì “thần heo” rất linh thiêng, thường xuyên cho anh trúng số đề nhưng không hiểu sao cuộc sống của anh cứ mãi nghèo, trong ba đứa con thì hai đứa đã bỏ học.

Còn anh Tư ở đường Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng) buồn bã cho biết, sau mỗi lần thắp nhang về anh luôn nằm mơ thấy “Cô Năm” cho anh số trùng với năm “Cô" chết. Tưởng chắc ăn, anh đi đánh đề mất 2-3 triệu đồng mỗi lần nhưng hai năm qua chưa lần nào được trúng. Cuối tháng trước, anh chuyển qua đánh số trùng với tuổi thọ của "Cô" hết 10 triệu đồng mà vẫn bị thua trắng tay.

Tuy nhiên, khi được hỏi có tiếp tục chơi đề không thì anh này khẳng định rằng sẽ không bỏ cuộc. "Tôi sẽ tiếp tục thắp nhang cầu nguyện “Cô Năm” vì tôi tin rằng một ngày nào đó “Cô”… rủ lòng thương cho trúng đậm. Lúc đó tôi sẽ dành một phần tiền trùng tu lại mộ phần cho “Cô" đang xuống cấp sau nhiều năm xây dựng", anh này nói.

Theo các sư trong chùa Dơi, cổng chính của chùa không đóng suốt ngày đêm nên Phật tử khắp nơi có thể vào chùa bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà đêm đêm có gần chục người thập thò vào chùa rồi ra phía sau “nghĩa trang lợn” để thắp nhang đỏ lửa, khấn vái thầm thì nhưng các sư không thể đuổi ra ngoài vì tôn trọng đời sống tâm linh của Phật tử.

Thiên Phước - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét