người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Bernard Arnault: Ông vua hàng xa xỉ

Ông chủ của thương hiệu hàng xa xỉ LVMH đang tiếp tục cuộc thập tự chinh đến các vùng đất xa xôi như Mông Cổ, Campuchia. 



Ông Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH).
Đầu tháng 11.2010, Bernard Arnault, ông chủ của tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH), đã bắt đầu chuyến đi 7 ngày đến 6 thành phố châu Á. Đó là một phần trong chiến lược phát triển các thị trường mới nổi của Arnault.
Đích ngắm mới nhất của ông là các nước Trung Á, vốn còn xa lạ với túi xách hiệu Fendi và nước hoa Guerlain. Năm ngoái, LVMH đã mở một cửa hàng tại thành phố Ulaanbaatar của Mông Cổ. Cách đây vài tuần, Tập đoàn cũng đã khai trương cửa hàng tại Hohhot, thuộc Khu Tự trị Nội Mông Cổ. “Tôi luôn muốn đi trước đón đầu”, ông nói.
Thực vậy, Arnault luôn là người đi đầu trong các cuộc chơi. Từ khi thâu tóm LVMH vào năm 1990, ông đã bắt đầu cuộc thập tự chinh đến các nước đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc, nơi cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên được khai trương vào năm 1992. Và nay, ông nhắm đến các vùng đất xa xôi hơn của quả địa cầu. LVMH hiện có mặt ở TP.HCM (Việt Nam), Phnom Penh (Campuchia), Yekaterinburg (Nga), Macao và Abu Dhabi. “Kinh tế thế giới đang được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của châu Á và các nền kinh tế mới nổi khác”, Arnault nói.
Sự sẵn sàng dấn thân vào các vùng đất mới đã đem đến kết quả kinh doanh rất khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2010, LVMH đã đạt doanh thu 14,2 tỉ euro (19,9 tỉ USD), tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của LVMH đã tăng 60% trong 12 tháng qua, đưa giá trị tài sản ròng của Arnault lên mức 39 tỉ USD.
Lột xác LVMH
LVMH ngày nay là tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, tạo dấu ấn với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước. Và người đã lột xác LVMH chính là Arnault.
Khi lên nắm quyền tại LVMH vào năm 1990, ông đã thay đổi hình ảnh của các nhãn hàng theo hướng sáng tạo, ấn tượng và hiện đại. Ông cho mời nhà thiết kế thời trang người Mỹ Marc Jacobs về làm việc và hợp tác với các họa sĩ đương đại danh tiếng như Takashi Murakami. Họa sĩ người Nhật này đã vẽ lại logo màu nâu nhạt của nhãn hàng Louis Vuitton theo những tông màu sáng với hình ảnh các nhân vật hoạt hình, manga (truyện tranh Nhật). Arnault cũng thuê John Galliano, một nhà thiết kế nổi tiếng về những sáng tạo khác người, để cải tiến hình ảnh của nhãn hàng thời trang Christian Dior.
Arnault tin rằng, sự sáng tạo là chìa khóa dẫn đến thành công của một thương hiệu thời trang và để khơi nguồn sáng tạo, doanh nghiệp phải có những nhà quản lý có sự hiểu biết và niềm yêu thích đối với các họa sĩ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Harvard Business Review vào tháng 10.2001, Arnault từng nói: “Nếu bạn yêu mến những gì mà những bộ óc sáng tạo làm ra và hiểu được cách họ suy nghĩ thì bạn sẽ có thể nhìn thấu tâm can họ”.
Hướng đi mới của Arnault đã nhận được không ít lời tán dương. Khi trả lời phỏng vấn tờ Washington Post vào tháng 4.2002, bà Anna Wintour, Tổng Biên tập tạp chí thời trang danh tiếng Vogue, nhận định: “Tôi cho rằng, Bernard rất thông minh. Ông biết được rằng, muốn thổi luồng sinh khí mới vào một thương hiệu già cỗi và nhàn nhạt thì phải tạo ra những gì cực sốc”.
Thay đổi hình tượng đã khó. Việc kiểm soát hình ảnh thương hiệu và chất lượng của hàng trăm sản phẩm càng khó hơn. Đó là chưa kể Arnault phải quản lý một chuỗi hệ thống từ các nhà cung cấp, nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ đến đội ngũ marketing. Arnault cho biết, để quản lý một đế chế như thế, cần phải có sự phân quyền. “Bạn cần có các trợ thủ đắc lực và họ phải được khơi nguồn cảm hứng”, ông nói.
Có thể thấy, dưới trướng của Arnault là những nhà quản lý đáng tin cậy, đứng đầu các nhãn hàng chủ chốt của LVMH. Đó là Yves Carcelle (phụ trách nhãn hàng thời trang Louis Vuitton), Sidney Toledano (đứng đầu Dior), Pierre Godé (Phó Chủ tịch LVMH), Philippe Pascal (phụ trách các nhãn hàng đồng hồ và trang sức), Christophe Navarre (điều hành các nhãn hàng rượu) và Nicolas Bazire (đứng đầu mảng phát triển và sáp nhập). Tất cả những người này đã theo Arnault từ giữa những năm 1990; một số còn lâu hơn thế nữa.
Để đảm bảo LVMH không đi chệch hướng, Arnault luôn theo dõi tình hình kinh doanh của các nhãn hàng. Ông thậm chí thường xuyên đi thăm các cửa hàng bán lẻ để nắm bắt tình hình thực tế. Arnault cũng gặp mặt từng nhà quản lý ít nhất mỗi tuần 1 lần để theo dõi tình hình hoạt động và lập kế hoạch chiến lược.
Arnault cho biết, ông muốn các nhà điều hành phải chăm nom các bộ phận họ quản lý như thể chúng là công ty gia đình. “Louis Vuitton được điều hành như thể Yves Carcelle sở hữu nhãn hàng ấy”, ông nói. Như vậy, sẽ tạo được sự gắn bó giữa các nhà quản lý với Tập đoàn.


Con người Không khoan nhượng
Arnault hứng thú với công việc kinh doanh khi còn nhỏ. Từ lúc lên 7, Arnault đã được ông nội dẫn đi tham quan các công trình xây dựng của gia đình (gia đình Arnault sở hữu Công ty Xây dựng Ferret-Savinel có trụ sở tại thành phố công nghiệp Roubaix). Được tiếp xúc với môi trường kinh doanh từ sớm đã tạo cho ông niềm đam mê khởi nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique (Paris) vào năm 1971, ông theo chân cha mình, quản lý công ty của gia đình ở tuổi 25. Đầu thập niên 1980, ông đã bỏ ra 3 năm trời để phát triển một chi nhánh bất động sản tại Florida (Mỹ). Mặc dù nỗ lực này không thành công, nhưng Arnault đã học được cách tiếp quản và điều hành doanh nghiệp kiểu Mỹ. Điều này đã khiến ông trở thành một đối thủ cực kỳ lợi hại.
Vào năm 1984, khi Chính phủ Pháp tìm kiếm người mua lại Boussac, công ty sản xuất tã giấy và dệt đã bị phá sản, Arnault đã nhận thấy ngay đó là một cơ hội vàng. Boussac đối với Arnault không có giá trị. Cái mà ông thèm muốn là nhãn hàng thời trang và trang sức Christian Dior mà Boussac sở hữu. Và ông biết rằng, đó là chìa khóa mở cánh cửa bước chân vào ngành hàng xa xỉ.
Arnault bỏ ra 15 triệu USD tiền túi và thuyết phục được hãng đầu tư của Pháp Lazard Frères rót thêm 80 triệu USD để tài trợ cho vụ thâu tóm Boussac. Sau khi mua lại, Arnault đã nhanh chóng bán đi bộ phận tã giấy và các cơ sở dệt của công ty này.
Tiếp đó, ông dùng 400 triệu USD thu được từ việc bán các tài sản của Boussac, cùng với số vốn vay từ Lazard để thực hiện mục tiêu tiếp theo. Đó là thâu tóm cổ phiếu của LVMH. Năm 1989, ông đã mua 1,8 tỉ USD giá trị cổ phiếu của LVMH, cho phép ông nắm giữ 24% cổ phần trong Tập đoàn.
Lợi dụng lúc nội bộ lãnh đạo LVMH tranh giành quyền lực, ông đã đứng về phía Henri Racamier, Chủ tịch Louis Vuitton và mượn tay ông này loại bỏ Alain Chevalier, đứng đầu Moët-Hennessy. Sau đó, ông thông qua hàng loạt vụ tranh chấp tại tòa án để sửa đổi luật pháp địa phương nhằm mở đường cho ông thâu tóm LVMH. Cuối cùng, ông đã hất cẳng luôn cả Racamier và kiểm soát Tập đoàn vào năm 1990.
Quá trình nuốt chửng LVMH của Arnault được xem là một trong những thương vụ thâu tóm cam go nhất trong lịch sử doanh nghiệp Pháp và khiến cho Arnault trở nên nổi tiếng vì sự tàn khốc và không khoan nhượng của mình. Giới kinh doanh càng kính sợ ông sau hàng loạt vụ sa thải các nhà điều hành cấp cao tại LVMH, kể từ khi ông lên nắm quyền.
Một số chỉ trích Arnault, nhưng cũng có không ít người nể phục cách làm cũng như sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của ông. Gilles Cahen-Salvador, khi đó điều hành Công ty Tài chính LBD France, nhận định: “Những người như Arnault đang nêu tấm gương tốt cho nền kinh tế Pháp”.
Sau khi tiếp quản LVMH, Arnault đã nhanh chóng kiểm soát các hệ thống sản xuất và phân phối. Để bành trướng LVMH, Arnault đã ráo riết thực hiện cuộc thập tự chinh thâu tóm nhiều nhãn hàng khác. Trong suốt thập niên 1990, ông đã bỏ ra hàng tỉ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo và Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith và TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora.
Ông cũng đã mua rất nhiều công ty thời trang cao cấp như Berluti, chuyên sản xuất giày cho nam giới. Thương vụ gần đây nhất mà ông thực hiện là vào cuối tháng 10 vừa qua khi LVMH nâng số cổ phần nắm giữ tại thương hiệu thời trang Pháp Hèrmes lên mức 17,1%.
Nhắm đến các thị trường mới nổi
Để duy trì đà tăng trưởng của LVMH, Arnault sẽ phải tiếp tục tiến quân vào những vùng đất mới, đặc biệt là khu vực châu Á. Mặc dù châu Á (trừ Nhật) chiếm chỉ 25% tổng doanh thu năm 2010 của LVMH, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường này đã qua mặt các khu vực khác trên thế giới. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại các thị trường như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông đang tăng trưởng ở mức 20-25%.
Hơn nữa, theo nhận định của Allegra Perry, chuyên gia phân tích ngành hàng xa xỉ thuộc Nomura International ở London, “thị trường các nước phương Tây đang bị bão hòa. Do đó, LVMH tiếp tục đầu tư vào các thị trường mới nổi, vốn đang ở giai đoạn đầu của sự tăng trưởng”.
Tuy nhiên, đó cũng là những thị trường đầy rủi ro. Ngành hàng xa xỉ ở các thị trường mới nổi đang tăng trưởng mạnh trong khi những thị trường phát triển khác bị sa sút. Một phần là do các nền kinh tế mới nổi như Mông Cổ, Lebanon, Phần Lan đang tăng trưởng nóng. “LVMH là công ty đi tiên phong trên những thị trường này, bắt đầu bằng cách thu hút giới triệu phú và sau đó tiếp cận các tầng lớp thấp hơn”, Luca Solca, chuyên gia phân tích ngành bán lẻ tại Sanford C. Bernstein ở Zurich (Thụy Sĩ), nhận định.
Arnault đã hưởng trái ngọt nhờ lợi thế người đi trước, khi đặt các cửa hàng của mình tại những vị trí tốt nhất với chi phí tương đối thấp. Tuy nhiên, các nền kinh tế lên cơn sốt cao rồi cũng phải hạ nhiệt. Với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế lên mức 9-10%, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây đã nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Và một sự chững lại trong sức mua tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của LVMH. “Nếu Trung Quốc bị cảm lạnh, ngành hàng xa xỉ sẽ bị chứng lao phổi”, Solca, thuộc Sanford C. Bernstein, lo ngại.
Đó là chưa nói đến những rào cản khác. Trung Quốc, chẳng hạn, mặc dù là thị trường số một của nhãn hàng rượu cognac Hennessy, nhưng hệ thống phân phối của Tập đoàn tại đây khá yếu và thuế nhập khẩu rất cao, lên tới 50% tại Trung Quốc (mức thuế tại Ấn Độ là 200%).
Sự phục hồi yếu ớt của các nền kinh tế châu Âu và Mỹ là một mối lo khác. Các gói kích thích chính phủ các nước này triển khai để hỗ trợ sức mua tiêu dùng đã không còn nữa. Không những thế, một số nước châu Âu như Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha đang triển khai các chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến tình hình kinh doanh của LVMH, bởi thị trường phương Tây vẫn chiếm tới 2/3 tổng doanh thu của tập đoàn này. Mặc dù vậy, Arnault vẫn không tỏ ra lo lắng. “Chúng tôi đang trên đà tăng trưởng rất tốt”, ông nói.
Liệu Arnault có vượt qua được những thách thức này? Ông đã trụ vững qua nhiều cơn sóng thần, từ vụ khủng bố 11.9 đến đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Ông cũng kinh qua nhiều cuộc chiến tranh giành quyền lực trong doanh nghiệp. Có một điều chắc chắn: Arnault không bao giờ chấp nhận ngồi yên, như bà Wintour, Tạp chí Vogue, nhận định: “Arnault là người không bao giờ chịu lùi bước”. 



 Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo NCĐT)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét