người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Người thầy của những trái tim

Có một người đàn ông chưa đến 40 tuổi được hàng ngàn đứa trẻ trên khắp cả nước - từ những học sinh giỏi ở TP.HCM đến những thanh thiếu niên chưa ngoan ở Đà Nẵng, Tây Nguyên... yêu mến gọi bằng thầy, bằng cha, dù anh không tốt nghiệp ngành sư phạm, cũng chưa có con. Đó là Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam SYC (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), tác giả của chương trình “Học kì quân đội” đang trở thành một trào lưu giáo dục hiện nay.
Từ “trường đại học lớn nhất” - sự nghèo khó...
* Điều gì đã dẫn anh trở thành người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ?



Huấn luyện cho chiến sĩ mới của Học kì quân đội 2011
- Tôi may mắn được đào tạo bài bản trong hệ thống Đoàn ngay từ thời học sinh ở Đà Nẵng. Đoàn cho tôi nhiều kiến thức, kỹ năng quý giá, và quan trọng nhất là khơi dậy trong tôi khát khao được chia sẻ những điều mình biết để giúp thế hệ sau hoàn thiện hơn.
Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất giúp tôi trở thành một “người thầy” của rất nhiều đứa trẻ như hiện nay, là do tuổi thơ thiếu may mắn của tôi. Nhà tôi ngày ấy rất nghèo và đông anh em, tôi phải vừa lao động giúp gia đình, vừa cố gắng học, học để thoát nghèo, học để dạy dỗ các em. Mẹ tôi cũng luôn động viên tôi học.
Rồi mẹ mất sớm, kinh tế gia đình khó khăn, tôi phải bươn chải nhiều nghề để sống và tiếp tục học, trong đó có nghề dạy kèm cho học sinh cấp 2-3, lứa tuổi teen. Trong quá trình dạy kèm, tôi nhận thấy học trò của mình còn quá non nớt, quá thiếu kỹ năng sống, thiếu bản lĩnh để vào đời...
Thương các em, tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu các chương trình đào tạo kỹ năng sống của nước ngoài, chọn lọc và áp dụng cho các em. Kết quả rất khả quan. Từ cái “duyên” ban đầu đó, tôi gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cho tới bây giờ, tính ra cũng đã gần 20 năm.
* Theo anh, những nguy cơ của xã hội hiện đại là gì? Mong muốn lớn nhất của anh cho những học trò của mình?
- Hiện tại, nhiều phụ huynh ở Việt Nam đang mắc phải hai sai lầm khá lớn: Thứ nhất là bảo bọc con quá mức thay vì để trẻ tự trải nghiệm, việc gì khó một chút cũng tìm người giải quyết thay các em (thuê gia sư, người giúp việc), nên các em không có một thử thách thật sự nào phải vượt qua, dẫn đến thiếu bản lĩnh sống.
Thứ hai là “tâm lý bù đắp”. Phụ huynh bận bịu công việc, không có thời gian cho con nên thường bù đắp bằng việc đáp ứng mọi nhu cầu của con. Phụ huynh từ khó khăn mới khá giả lên thì cho con tiêu xài rất phung phí để “bù” lại thời gian trước. Bố hoặc mẹ một mình nuôi con thì cố gắng bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho con bằng những cách không phù hợp...
Những sai lầm ấy của cha mẹ khiến cho trẻ dần trở nên ích kỷ, rồi ngang bướng hơn, cuối cùng là nổi loạn. Thêm vào đó, nhiều em đã “thoát ly” gia đình rất sớm, chịu sự chi phối từ bạn bè nhiều hơn bố mẹ, rất nhiều em bị nghiện internet, game online, ngày ngày vùi mình trong thế giới ảo và chôn vùi tương lai của mình, của gia đình.
Thực ra, không phải chỉ Việt Nam mới có những vấn đề này, ở Singapore hay Hàn Quốc cũng có, nhưng tại đó, các em có những sân chơi, những chương trình huấn luyện rất tốt để chọn lựa và kéo các em trở lại.
Còn ở ta, sân chơi thì ít, phần lớn lại tẻ nhạt, không có sức hút với giới trẻ; một bộ phận được “sao chép” từ nước ngoài, đôi khi không đảm bảo chất lượng, hoặc chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam, dẫn đến hiệu quả không cao.
Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là huấn luyện sao cho các em có thể rèn luyện để sống tốt và có ích ngay từ những thói quen nhỏ nhất như chào hỏi, thể hiện tình cảm với bố mẹ, phụ giúp việc nhà, học tập một cách khoa học và đam mê...
...Đến những chương trình đánh thức trái tim
* Anh có thể giới thiệu về những chương trình SYC đang thực hiện, điểm khác biệt so với các chương trình giáo dục - huấn luyện khác?



Động viên học trò
- Nhận thấy ở Việt Nam chưa có những mô hình giáo dục hoàn chỉnh về kỹ năng sống, tôi cùng ê kíp SYC quyết tâm thực hiện một chuỗi chương trình với mục tiêu phát triển hoàn thiện con người, nhất là khía cạnh tình cảm và gia đình.
Chúng tôi có các lớp “Học làm người có ích” ngắn ngày, huấn luyện những thói quen, ý thức rất cụ thể, như văn hóa xếp hàng, xóa bỏ giận hờn, cách giao tiếp với bạn bè và gia đình..., nhằm dần xóa đi những ảnh hưởng xấu mà các em vô tình tiếp nhận như bạo lực học đường, tính ích kỷ, vô cảm...
Lớp “Trui rèn và trưởng thành” tập trung xây dựng động lực, động cơ học tập, thói quen tự học; dạy các em biết chấp nhận thất bại và nhận ra ranh giới giữa thất bại và thành công để dần vượt qua nó bằng những hoạt động thử thách với mức độ khắc nghiệt tăng dần.
Đáng nói nhất, gắn liền với danh tiếng của SYC 4 năm nay, đó là chương trình “Họckì quân đội”, nơi chúng tôi giúp các em phá vỡ những “vỏ bọc”, nhận thức những sai lầm, khuyết điểm, vượt qua những giới hạn của bản thân, và đánh thức từ sâu thẳm trái tim những tình cảm gia đình tốt đẹp nhất trong mỗi em.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ phát triển sâu về hướng đào tạo, đơn cử như dự án “Đào tạo lãnh đạo trẻ Việt Nam – Teen Leader” rất thành công năm 2010, lớp “Tư duy logic - toán học”, sắp tới sẽ là lớp “Hãy ước mơ”... Tất cả nhằm đem lại cho thanh thiếu niên Việt Nam cơ hội được tham dự những mô hình giáo dục trải nghiệm tiên tiến.
* Có ý kiến cho rằng những chương trình của SYC chi phí quá cao, mang tính kinh doanh, có vẻ không phù hợp với chức năng một đơn vị đoàn thể.
- Chúng tôi đã tính toán rất kỹ, đó là khoản chi phí cần thiết để thiết kế những hoạt động huấn luyện, những trải nghiệm hữu ích cho các em. Chúng ta không thể cứ tư duy dạng “bao đồng” kiểu chi phí thấp nhất để nhiều người tham gia nhất.
Vì như vậy, chất lượng chương trình sẽ không được đảm bảo, các em sẽ cảm thấy chán, rồi phụ huynh cũng mất dần lòng tin, và cuối cùng sẽ không còn ai tham gia nữa.
Về tính chất xã hội, theo tôi, chi phí không phải là thước đo chính xác nhất, mà điều quan trọng là sức lan tỏa của chương trình. 90% các em tham gia trở về đều có mong muốn trở thành những cán bộ Đoàn, những điều phối viên, để có thể làm chương trình, tạo sự lan tỏa giáo dục ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra, đội ngũ SYC cũng đang cố gắng mang những bài giảng, những kỹ năng đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm đến cho đông đảo thanh thiếu niên hơn. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Châu Á - Thái Bình Dương (ATY) thực hiện báo cáo chuyên đề tại sân trường (đã đi được 120 trường trên khắp đất nước).
Chúng tôi cũng chuẩn bị xuất bản quyển sách đầu tiên “28 ngày - Hãy tỏa sáng cùng tôi” với những bài học ứng dụng cao cho phụ huynh và thanh thiếu niên, và xây dựng diễn đàn - cổng thông tin giúp thanh thiếu niên hoàn thiện bản thân tại www.daotaotainangtre.com.
Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng hợp tác với những đơn vị, doanh nghiệp có tâm và có uy tín để có những hỗ trợ giúp giảm chi phí và tăng chất lượng chương trình. Một số đơn vị đã phối hợp với chúng tôi như Ngân hàng Quân Đội, Pepsi, Dược Hậu Giang...
* Hiện nay, có nhiều nơi bắt chước mô hình “Học kì quân đội”. SYC đã nghĩ đến việc đăng ký bản quyền?


  
Chơi đùa cùng học sinh - Ảnh: Quý Hòa
- Ngay sau năm đầu tiên, có rất nhiều cơ quan và phụ huynh ủng hộ chúng tôi đăng ký bản quyền chương trình, nhưng cả ê kíp đều thống nhất với nhau rằng đây nên là một thành quả của xã hội, và nên được nhân rộng hết mức để tất cả trẻ em Việt Nam đều có cơ hội tham gia.
Năm 2010, chúng tôi đã chuyển giao thành công mô hình “Học kì quân đội” cho 63 Tỉnh - Thành Đoàn trên cả nước. Họ là những người có đủ cơ sở, chuyên môn và tâm huyết để thực hiện tốt chương trình. Đấy cũng chính là những địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi con.
Đối với những đơn vị đang cố gắng khai thác mô hình giáo dục này cho lợi nhuận riêng của họ, tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng, hãy thật cân nhắc trước hành động của mình, vì đây là một sản phẩm giáo dục, nếu làm không tốt thì hậu quả đối với những thế hệ về sau sẽ rất khó lường...
* Còn với các em và phụ huynh, anh có muốn nhắn nhủ gì không?
- Tôi muốn chia sẻ một nhận thức: Giáo dục và huấn luyện cần một quá trình lâu dài, với sự phối hợp của nhiều thành phần (gia đình, nhà trường, xã hội, đoàn thể). Trong hành trình tự rèn luyện, các em phải bước đi hằng ngày, hằng giờ, cố gắng trong từng việc nhỏ, chứ không phải chỉ khi tham gia một chương trình huấn luyện nào đấy.
Các bậc phụ huynh hãy cố gắng tạo môi trường để rèn luyện và giúp con em mình trưởng thành, vì cho dù hôm nay các em có tuyệt vời, thì ngày hôm sau cũng còn biết bao nhiêu cám dỗ, khó khăn khác phải vượt qua.
Còn các em, hãy sống hết lòng với tất cả mọi người, rồi nhiều người sẽ hết lòng với mình, đó là cách tốt nhất để đạt được mọi ước mơ.
* Xin cảm ơn anh!



Sách DOANH TRÍ's Blog 
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét