“Tại sao phải đặt câu hỏi “khi phụ nữ kinh doanh”? Phụ nữ kinh doanh giỏi là điều hiển nhiên. Chỉ khi nào họ không kinh doanh nữa thì mới đáng đặt câu hỏi”, ông Trần Vũ Hoài, Chủ tịch Công ty Truyền thông Galaxy, nhận định dí dỏm nhưng hết sức sâu sắc về các đồng nghiệp nữ.
Phụ nữ giỏi hơn đàn ông trong việc quản lý các danh mục đầu tư dài hạn, nhưng lại kém hơn trong các giao dịch lướt sóng.
Cách đây 2 năm, một cuộc nghiên cứu về tình hình hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường Việt Nam căn cứ theo giới tính của nhà điều hành những công ty này do Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Mekong Capital đã thu hút nhiều sự chú ý, không chỉ vì đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam đề cập đến giới tính của nhà lãnh đạo mà còn vì kết quả ít người ngờ tới. Nghiên cứu cho thấy, năm 2008, trong khi các nhà quản lý là nam giới chỉ tạo ra mức tăng trưởng doanh thu 33% thì các nữ quản lý đạt được 51%. Xét trên các chỉ số lợi nhuận, các CEO nữ cũng cho thấy sự hiệu quả. Lợi nhuận gộp bình quân của các doanh nghiệp có nữ quản lý đạt 19,36%, cao hơn con số 15,56% mà các đồng nghiệp nam đạt được.
Nghiên cứu này càng khiến dư luận tò mò về những bí ẩn lâu nay chưa có lời giải xác đáng về năng lực của phụ nữ trong kinh doanh. Rõ ràng họ không là phái yếu trong kinh doanh và thậm chí lại trở thành phái mạnh trong khủng hoảng. Họ có bí quyết gì để xác lập vị thế, vững vàng hơn sau những thất bại? Ba nữ doanh nhân thành đạt, khách mời tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Khi phụ nữ kinh doanh” do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức vào ngày 17.3 vừa qua đã phần nào giúp chúng ta giải đáp được những thắc mắc này.
Trên thương trường khó mà “đi nhẹ nói khẽ”
Nếu nam giới từ khi chào đời đã được định vị là trụ cột của gia đình, phải luôn tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ và không được phép thất bại thì nữ giới lại được xã hội du di hơn, cho rằng họ là phái yếu, cần được chở che và “được phép” không thành công. Đặc biệt, các văn hóa phương Đông như Việt Nam coi trọng nam giới đến mức đặt lên vai họ gánh nặng trách nhiệm trong gia đình lẫn ngoài xã hội, khiến nam doanh nhân đôi khi không thể nhìn nhận những thất bại của mình. Phụ nữ kinh doanh thì khác. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh REE, cho rằng, trong 10 câu chuyện kinh doanh bà có đến 3 câu chuyện thất bại và không có lý do gì để phải giấu giếm.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh REE
Cuối năm 2008, trong cuộc họp trước cổ đông, bà Mai Thanh thẳng thắn nhận lỗi vì đã để lỗ trong đầu tư đến gần 400 tỉ đồng và hứa sẽ làm tốt hơn. Một năm sau, năm 2009, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lợi nhuận trước thuế của REE đã tăng 488 tỉ đồng. Chính việc thẳng thắn nhận lỗi, nói ra được những khó khăn của mình một cách chân thành, đã phần nào giúp nữ doanh nhân có tinh thần tốt hơn khi giải quyết những công đoạn còn lại.
Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng của năm 2011, bà Mai Thanh một lần nữa cho biết: “Năm nay chắc chắn sẽ nhận một lỗi nữa với các cổ đông. Danh mục đầu tư năm nay rất tốt nhưng khó đạt lợi nhuận như mong muốn, đặc biệt là những khoản đầu tư sản xuất sử dụng điện nhiều”. Theo bà Mai Thanh, đó là nguyên nhân khách quan và nhà đầu tư buộc phải kiên nhẫn hơn nữa trong khi chờ lệnh điều chỉnh giá điện gần hơn với thị trường từ Chính phủ.
Được phép chia sẻ, nhưng vin vào lý do là phụ nữ để mềm yếu không phải là cách của các nữ doanh nhân thành đạt mà chúng tôi đã gặp. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, trong 5 năm qua có bao nhiêu lần bà thất hứa với nhân viên, cổ đông, đối tác, bà Mai Thanh cho rằng, cái gì muốn làm thì phải nỗ lực để làm, nếu không thì đừng hứa. “Tôi không nói những gì chưa có hay tô hồng sự việc. Chân thành, chính trực là điều quan trọng nhất”.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Minh Phương Logistics, một nhà nữ doanh nghiệp đúng nghĩa, càng chứng minh cho điều này. Từ sau khi tốt nghiệp Đại học Thương mại, Phương đã bắt đầu nuôi ước mơ theo đuổi con đường kinh doanh. Năm 1995, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, nhìn thấy trước việc làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam, Phương quyết định nghỉ việc, lập công ty riêng chuyên về vận chuyển và giao nhận lấy tên Minh Phương Logistics. Lúc đó, Phương đang giữ vị trí quản lý bộ phận kinh doanh của một công ty nước ngoài với mức lương 2.000 USD/tháng, con số trong mơ đối với bạn đồng trang lứa. Mười năm sau, năm 2005, Công ty đã đạt mức tăng trưởng 76,7%.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Minh Phương Logistics
Hiện nay, Minh Phương Logistics được bình chọn là công ty đứng đầu trong số các công ty giao nhận Việt Nam. Bà cũng đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực có liên quan, tiêu biểu là nắm giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng taxi Saigon Air sau khi mua lại 67% cổ phần của công ty này trong năm vừa qua.
Theo Minh Phương, chọn kinh doanh dịch vụ logistics, lĩnh vực đòi hỏi sự năng động, đi nhiều, nói nhiều, vốn phù hợp với nam giới nên đòi hỏi ở bà sự nỗ lực và quyết đoán nhiều hơn. Không ít đối tác nhận xét rằng, Phương là người giỏi đàm phán. Phải chăng bà đã áp dụng thành công chiêu “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” trong đàm phán? Phương lắc đầu: “Trên thương trường, khó có thể “đi nhẹ nói khẽ” mà thành công”. Và bà dẫn chứng bằng một câu chuyện về cuộc đàm phán mới đây với một đối tác Nhật.
Cách đây 1 năm, một đối tác lớn cùng ngành logistics từ Nhật tìm đến Minh Phương đề nghị liên doanh. Phần vốn góp của công ty Nhật sẽ là 49% và của Minh Phương là 51%. Khi bàn đến việc đặt tên cho liên doanh, tuy chỉ sở hữu 49% vốn góp nhưng đối tác lại muốn để tên công ty của họ đứng trước tên Minh Phương, bởi đơn giản là họ đã có thương hiệu trên toàn cầu và thuộc tốp đầu ở Nhật trong lĩnh vực này. Bà Chủ tịch Minh Phương thẳng thắn từ chối. Sau nhiều tháng, phía Nhật đồng ý để tên Minh Phương lên trước, nhưng chỉ viết tắt hai chữ “MP”. Một lần nữa, Phương lắc đầu ra về với lời từ chối khéo: “Nếu vậy, lần sau khi đến làm việc, hãy gọi tôi là bà MP, đừng gọi là bà Minh Phương nữa”.
Thêm một thời gian nữa cân nhắc, đối tác Nhật cuối cùng cũng phải quyết định chiều theo yêu cầu của Phương: đặt tên Minh Phương lên trước và không viết tắt. “Chúng tôi mất gần 1 năm chỉ để đàm phán cái tên. Thực tế, trên thương trường, có những cái không cần thiết phải nhượng bộ”.
Bí quyết đàm phán là không bao giờ đưa giải pháp áp đặt, buộc đối tác chỉ có thể đưa ra câu trả lời “Có” hoặc “Không”, mà thay vào đó là đưa ra giải pháp mình mong muốn và yêu cầu đối tác, nếu không đồng ý thì cũng phải trả lời bằng giải pháp. Điều này nghe có vẻ dễ nhưng không phải ai cũng áp dụng được. Kỹ sư Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng UniCons, thuộc Tập đoàn CotecCons, cho rằng, đây là điểm khác biệt giữa nữ giới và nam giới. Thường trong đàm phán, nữ lãnh đạo chú ý đến chi tiết, kiên trì, bền bỉ với quan điểm mình đưa ra nên dễ thành công hơn.
Mạnh hơn trong khủng hoảng
Uyển chuyển, khéo léo, kiên trì và dám chấp nhận thất bại là một số nét khác biệt, đồng thời là lợi thế hiển nhiên của phụ nữ làm kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít điều thú vị về năng lực của người phụ nữ chưa được giải thích hết. Một trong số đó là phụ nữ dường như trở nên mạnh mẽ hơn nam giới trong khủng hoảng.
Trong 2 năm 2008 - 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu nổ ra và lan rộng, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Mekong Capital đã thực hiện một cuộc khảo sát tình hình hoạt động của các công ty niêm yết trên cả 2 sàn HoSE và HaSTC, trong đó có tiêu chí phân loại dựa theo giới tính của nhà lãnh đạo các doanh nghiệp đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá cổ phiếu của các công ty được điều hành bởi nữ CEO chỉ âm 17,1%, trong khi ở các công ty có CEO là nam sụt đến 38,8%. Ông Chris Freund, Giám đốc Điều hành Mekong Capital, cho biết thêm, kết quả này hoàn toàn trùng với nhận định của Quỹ từ năm 1990, rằng, nhiều công ty thuộc hàng tốt nhất tại Việt Nam được điều hành bởi các CEO nữ.
Đó là nhận định của một nam doanh nhân. Vậy phụ nữ nói sao về điều này? Bà Dương Đỗ Quyên, cựu Giám đốc của Mekong Capital và hiện là Giám đốc Điều hành nhóm Đầu tư Vốn cổ phần tư nhân của Dragon Capital, chia sẻ: “Phụ nữ có khả năng chịu đựng áp lực cao hơn nam giới, điều này xuất phát từ bản năng tự nhiên của họ”.
Bà Dương Đỗ Quyên, cựu Giám đốc của Mekong Capital và hiện là Giám đốc Điều hành nhóm Đầu tư Vốn cổ phần tư nhân của Dragon Capital
Bà lý giải thêm: “Có một quy luật được đúc kết trong ngành tài chính, đó là phụ nữ giỏi hơn đàn ông trong việc quản lý các danh mục đầu tư dài hạn, nhưng lại kém hơn trong các giao dịch lướt sóng”. Bởi tính cẩn trọng nên phụ nữ thường chọn giải pháp là đầu tư ổn định và quản lý rủi ro tốt hơn, nhưng cũng chính điều này khiến họ chậm hơn trong việc chớp cơ hội. Với 15 kinh nghiệm quản lý rủi ro trong đầu tư, Quyên cho rằng, doanh nghiệp do nữ CEO quản lý thường vững vàng hơn trong khủng hoảng do được quản lý rủi ro tốt hơn. Bởi lẽ, phụ nữ thường quan sát tổng thể, lường trước mọi rủi ro và đưa ra nhiều phương án dự phòng.
Ngoài ra, theo bà Minh Phương, phụ nữ còn sở hữu một vũ khí bí mật khác, đó là sự lắng nghe. “Đàn ông nói nhiều hơn, phụ nữ lắng nghe nhiều hơn. Nhờ lắng nghe, họ có được cái nhìn toàn diện, khách quan, sát thực và cũng tỉnh táo hơn”, bà nói.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa nữ lãnh đạo không có điểm yếu.
“Kín trước hở sau”
Ông Công, Tổng Giám đốc UniCons, nhận xét, phụ nữ thường chặt chẽ ở giai đoạn đầu nhưng lại sơ hở ở đoạn sau. Chi li đến từng chi tiết nhỏ và “cò kè” từng đồng khi đàm phán hợp đồng, nhưng khi đi vào thực hiện họ lại dễ sơ sẩy, lãng phí không ít.
Ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Việt Quốc Thịnh hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, giải thích thêm từ nhận định của ông Công: Điểm yếu này thường thấy ở nữ doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng. Nam giới có thế mạnh là tối ưu hóa công nghệ, biết tìm hiểu triển khai nhiều giải pháp công nghệ khác nhau. Trong khi đó, phụ nữ vốn được cho là giỏi xử lý tình huống, nhưng đứng trước những bài toán về công nghệ, họ dường như chấp nhận đứng sau nam giới. Chính vì lẽ đó, tuy căn cơ trong quyết định đầu tư mua sắm công nghệ sản xuất, nhưng lúc ứng dụng nữ giới ít chú ý tối ưu hóa công nghệ để làm lợi cho mình.
Ông Trần Vũ Hoài, Chủ tịch Công ty Truyền thông Galaxy, người chủ trì buổi Tọa đàm đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay tán đồng của hàng trăm cử tọa nữ khi đưa ra câu “nịnh đầm” thông minh và rất có duyên: “Không nên đặt ra vấn đề “Khi phụ nữ kinh doanh”, vì phụ nữ kinh doanh giỏi là điều hiển nhiên. Chỉ khi nào phụ nữ không kinh doanh thì mới đáng đặt câu hỏi”. Tuy nhiên, ông Hoài cũng nêu lên một thắc mắc rằng, có phải phụ nữ thành công cũng thường phải trả một cái giá nào đó, là hạnh phúc riêng tư chẳng hạn.
Không trả lời trực tiếp câu hỏi này, nhưng bà Mai Thanh, người phụ nữ được xem là thành công trên thương trường lẫn trong cuộc sống, cho rằng, nếu kinh doanh thành công mà phải trả giá bằng hạnh phúc riêng tư thì đừng bao giờ chọn. Không phủ nhận rằng người phụ nữ muốn thành công trong sự nghiệp sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Và chu toàn sự nghiệp và gia đình là một gánh nặng không dễ gì gánh vác. Tuy nhiên, bà giải thích hết sức giản dị: “Hạnh phúc lứa đôi sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp người phụ nữ thành công hơn nữa”. Và vì thế, đừng bao giờ đem hạnh phúc này đi đánh đổi.
Bà Mai Thanh được xem là một nhà lãnh đạo táo bạo, với rất nhiều những cái đầu tiên: Tổng Giám đốc của công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng giám đốc đầu tiên lên tiếng yêu cầu mức lương 100 triệu đồng/tháng, là nhà lãnh đạo đầu tiên dám thẳng thắn đề cử con trai vào vị trí Giám đốc Tài chính của công ty… Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng “người phụ nữ đi tiên phong” này lại quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình hết sức truyền thống. “Dù thành đạt thế nào đi nữa thì người phụ nữ vẫn là người vợ, người mẹ và hãy biết trân trọng mỗi sự chia sẻ từ người đàn ông của mình”.
23% vị trí lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam do phụ nữ nắm giữ Theo Báo cáo Kinh doanh Quốc tế (IBR) vừa được Công ty Kiểm toán Grant Thornton Việt Nam công bố ngày 8.3 vừa qua, 23% lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp Việt Nam là nữ. Đây là tỉ lệ khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Kết quả trên được rút ra từ ý kiến của 11.000 đại diện doanh nghiệp tại 39 nền kinh tế phát triển như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Nhật… Trong số các phụ nữ làm lãnh đạo cấp cao, có 16% phụ nữ giữ chức vụ giám đốc điều hành, 10% giữ chức vụ giám đốc nhân sự. |
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo NCĐT)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét