người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Chàng giám đốc mê hương trầm

Chàng giám đốc mê hương trầm

Tự ví mình như "người đi tìm câu ca dao thất truyền trong dân gian", Trần Phương Anh bỏ việc để đi khắp mọi miền đất nước, học phương pháp làm nhang truyền thống rồi đánh bạo mở Công ty hương Phụng Nghi.

Không lý giải được nguyên nhân mình rẽ ngang vào con đường "nặng về văn hóa tâm linh", Trần Phương Anh coi đó là duyên nợ. Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Phương Anh tiếp tục du học ở Mỹ hai năm nhưng sau khi về nước, anh lại không toàn tâm toàn ý với ngành theo học.

Phương Anh cho rằng, cũng giống trầu cau và trà, hương nhang là một phần của văn hóa Việt, là thứ không thể thiếu trong việc thờ cúng tổ tiên. Nhận thấy việc sử dụng hương trong văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời, nhưng chưa được chú trọng trong khâu sản xuất, anh trăn trở tìm hướng đi.

Bỏ dở công việc chuyên ngành, Phương Anh vác ba lô lên đường tìm kiếm, học hỏi những kinh nghiệm và cách làm hương nhang đã thất truyền trong dân gian. Biết một mình không đủ sức, Phương Anh nhờ giáo sư Sử học Lê Văn Lan, người có hiểu biết và kiến thức sâu rộng làm bạn đồng hành trong các chuyến đi. Hai thầy trò cùng ngửi, nếm các loại cỏ, chất gỗ để tìm nguyên liệu, hương vị cho sản phẩm tương lai.
Hương Phụng Nghi được làm vào thời điểm từ 5h-10h để kịp phơi nắng.

"Thời điểm ấy vào năm 2006-2007. Lúc đầu mình có chút lo lắng nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, đặc biệt là giáo sư Lê Văn Lan, mình đã tự tin rằng ý tưởng làm nén hương mang hồn dân tộc sẽ thành công", Phương Anh chia sẻ.

Tâm niệm nén hương thể hiện yếu tố tâm linh, hội tụ tinh hoa giao hòa âm dương, quá khứ - hiện tại - tương lai, giao hòa giữa chân - thiện - mỹ, Phương Anh đã tìm ra công thức hương nhang. "Không độc, ít khói, mùi hương tự nhiên, có số giờ cháy cao là những gì mà nén hương đem lại cho người sử dụng", Phương Anh nói.

Nguyên liệu là thảo mộc lấy vào mùa xuân để có nhiều tinh dầu và tạo nên hương thiên nhiên tốt nhất. Từ đại hồi lấy ở Lạng Sơn, quế ở Yên Bái, ngâu ở Thái Bình, trầm ở Quảng Nam…, Phương Anh đã sáng tạo ra 9 công thức làm hương với 9 mùi khác nhau, như hương trám đặc trưng cho Bắc Ninh, hương bài ở đồng bằng Bắc Bộ, xạ ở Hưng Yên, nhang trầm của Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…

Phương Anh cho hay, công thức làm hương của anh cũng đặc biệt với nét độc đáo của từng vùng miền. Loại phổ biến tại Hà Nội (Thăng Long xưa) rất cầu kỳ và tinh tế, thể hiện triết lý Ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) được làm từ phần trầm tích của cây dó bầu, cây hương bài, hoa ngâu, bổ sung tổng hợp của bột các vị thuốc bắc phổ biến như đinh hương, đại hồi, hoắc hương, tiểu hồi, đại hoàng, bạch chỉ, địa liên, cam thảo, quế… Đây là loại hương do cha ông ta sáng tạo ra theo triết lý Ngũ hành phương Đông, không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Mỗi loại hương được làm từ nhiều nguyên liệu như đại hồi lấy ở Lạng Sơn, quế ở Yên Bái, ngâu ở Thái Bình, trầm ở Quảng Nam.

Loại hương trầm vùng miền Trung (Đà Nẵng – Quảng Nam – Hội An) chủ yếu làm từ trầm và hoa ngâu. Chịu ảnh hưởng của văn hóa hương đạo Nhật Bản vào thời kỳ giao thương mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam tập trung ở vùng phố cổ Hội An vào thế kỷ 15 – 16. Còn hương trầm phổ biến tại Sài Gòn - Gia Định chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo Tiểu thừa Ấn Độ vào thời kỳ Phật giáo Ấn Độ phát triển ở vùng Nam Bộ khoảng 300 năm trước, được làm chủ yếu từ cây Đàn hương (vùng Nam Bộ thường gọi là trầm Ấn Độ).

Quy trình làm hương cũng đảm bảo những nguyên tắc bất di bất dịch, đó là nguyên liệu phải được xử lý thật kỹ lưỡng. Chân hương được làm từ nứa ngâm dưới nước suối (nơi có dòng chảy) ba tháng rồi đem phơi khô để đảm bảo không còn mùi, không bị nứt, mọt. Thời gian quấn tà, làm hương chỉ kéo dài 5h-10h để khi nắng lên đem phơi.

Giám đốc hương Phụng Nghi chia sẻ: "Tôi từng học tập ở nước ngoài nhưng chưa bao giờ có tư tưởng sính ngoại. Tôi đã cố gắng và làm được nén nhang thảo mộc Việt Nam hoàn toàn không có hóa chất độc hại. Hy vọng đó sẽ là sản phẩm mang văn hóa tâm linh của dân tộc ta".

Thời gian đầu hương Phụng Nghi được xuất khẩu đi Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… để giới thiệu cho bạn bè quốc tế sản phẩm mang văn hóa tâm linh Việt Nam. Một năm sau, Phương Anh chú trọng hơn đến thị trường trong nước bởi anh nhận ra rằng, với việc đưa hương trầm Phụng Nghi đến người tiêu dùng, anh đã góp phần thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, tạo cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất.
Trần Phương Anh, Giám đốc hương Phụng Nghi cho rằng, nén hương cũng giống như trà và trầu cau, nó là văn hóa Việt. Ảnh: Hoàng Thùy.

Để giới thiệu sản phẩm, Anh gửi hương biếu những người tiêu dùng được coi là khó tính nhất và các địa danh nổi tiếng như Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, điện Kính Thiên, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thăng Long tứ trấn... Tất cả đều phản hồi tích cực khiến Phương Anh vui sướng và có thêm động lực làm việc.

Từ một cơ sở sản xuất ban đầu, sau ba năm, chàng trai trẻ đã xây dựng hàng chục điểm sản xuất trên cả nước, đa số đều là ở nông thôn. Số công nhân làm hương Phụng Nghi cũng lên tới 380 người.

"Gia đình tôi không có truyền thống làm hương nhang, nhưng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có lần đã nói với tôi rằng, trong chữ Hán, Phương có nghĩa là mùi hương thơm nhất, còn Anh là loại cỏ thơm tho nhất. Vì vậy, tôi cho rằng giữa bản thân và hương nhang có một sự gắn kết nào đó", Phương Anh tâm sự.

Đã có vài năm sử dụng hương Phụng Nghi, nhà sử học Trần Ngọc Bảo cho biết, đây là loại hương trầm thơm, thời gian cháy lâu, cháy hết. Đặc biệt, nó chỉ có xạ chứ không có độc nên được các đền chùa trong Nam, ngoài Bắc sử dụng nhiều.

"Giám đốc hương Phụng Nghi là người rất có tâm và yêu hương trầm thực sự. Đó là điều mà ít thanh niên có thể làm được", ông Bảo nhận xét. 
 
 
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Vnexpress)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét