Một trong những công cụ tiếp thị số là mạng xã hội đã được các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn “tài nguyên” này dường như đang bị bỏ quên. Theo các chuyên gia tại Hội thảo về marketing qua mạng xã hội, do Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý (CFVG) tổ chức tuần rồi, một khi được đánh thức thì hình thức tiếp thị này sẽ hứa hẹn một sự bùng nổ.
Nhiều mà… ít
Vietmac, công ty sản xuất cơm kẹp, một dạng thức ăn nhanh dành cho giới văn phòng ở Hà Nội, đã xây dựng thương hiệu qua các diễn đàn và mạng xã hội. Chỉ trong vòng ba tháng, công ty đã thực hiện nhiều vụ nhượng quyền thương mại cho các thành viên trên diễn đàn hay mạng xã hội Facebook. Đến nay, 80% khách hàng của công ty có được là qua Internet. Đây là một kênh tiếp thị hiệu quả mà gần như không tốn chi phí.
Các nghiên cứu ở Việt Nam gần đây cho thấy số người truy cập Internet ở Việt Nam đã hơn 30 triệu người, và đang có xu hướng tăng, phần lớn họ chủ yếu lên mạng đọc tin tức, tham gia mạng xã hội. Một số doanh nghiệp cũng đã tiếp cận khách hàng là cư dân mạng. Chẳng hạn, trên trang YouTube, đoạn video của một hãng sữa đã thu hút hơn 10 triệu người xem. Ở Zing, chỉ trong vài tuần lễ, đã có hơn nửa triệu người truy cập vào đoạn phim quảng cáo của một nhãn hiệu kem dưỡng da. Một nhãn hiệu băng vệ sinh đã được hãng sản xuất tạo blog dành riêng cho giới nữ cùng chia sẻ về sản phẩm…
Những trường hợp trên nằm trong số ít doanh nghiệp tổ chức tiếp thị qua mạng xã hội. Đối với họ, đây là một kênh để truyền tải thông tin sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng mục tiêu một cách dễ dàng với chi phí thấp mà hiệu quả có thể đo lường được. Các mạng xã hội có khả năng tương tác lớn, vừa là kênh thu thập thông tin, lại có thể phản hồi và tạo dựng các nhóm khách hàng trung thành của mình. Việc giới thiệu sản phẩm ở đây dễ tạo được hiệu ứng lan truyền, và là cách thức hiệu quả để thu hút khách hàng tiềm năng, cũng như đội ngũ nhân viên của mình.
Theo nghiên cứu của công ty chuyên về khảo sát tiếp thị trực tuyến Vinalink, trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ, có đến 35% số người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin trên các diễn đàn và 25,5% từng xem thông tin từ bạn bè, hay quảng cáo trên các mạng xã hội. Cũng theo khảo sát này, số lượng doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để tiếp thị còn rất khiêm tốn, chỉ chừng 5.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 2.000 công ty sử dụng Facebook, số khác dùng YouTube và các diễn đàn khác.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, tiếp thị sản phẩm hay dịch vụ trên mạng xã hội đã khá phổ biến. Theo ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc marketing Việt Nam, một cuộc khảo sát 3.300 người phụ trách tiếp thị trong các doanh nghiệp quốc tế vào tháng 4-2011 cho thấy hơn 90% đánh giá cao giá trị của công cụ này đối với việc quảng bá sản phẩm ra công chúng. Một nghiên cứu khác của Tiến sĩ Marc Diviné, trường Đại học IEA - Paris Sorbonne, Pháp, trên 199 doanh nghiệp lớn trên thế giới cho kết quả: 54% sử dụng mạng xã hội tiếp thị theo hình thức B2B (business to business), 28% B2C (business to customer) và 18% B2B2C (business to business to customer).
Theo các chuyên gia, lĩnh vực tiếp thị thông qua mạng xã hội vẫn còn sơ khai. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trên 35 tuổi ít sử dụng công nghệ hay mạng xã hội. Với họ, thông tin trên các mạng xã hội hay diễn đàn không trung thực. Vì thế họ không chú trọng các chiến dịch truyền thông để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu bằng công cụ này. Các chuyên gia dự báo tiềm năng phát triển của lĩnh vực này còn rất lớn. Trong thời gian tới có thể chứng kiến sự bùng nổ về tiếp thị trên mạng xã hội, bao gồm cả mạng xã hội, diễn đàn và blog.
Để tiếp thị hiệu quả
Ở Việt Nam, ba loại hình mạng xã hội chính vẫn là các trang mạng xã hội, diễn đàn và blog, cả chuyên sâu lẫn đại trà. Những mạng xã hội như Zing, YouTube, Google Vidio, Facebook thu hút khá nhiều người truy cập và tham gia. Các diễn đàn thì thường theo chủ đề như công nghệ, ô tô… trong khi các blog có số lượng truy cập phụ thuộc vào tên tuổi người viết. Phần lớn các trang này thường được sử dụng để tiếp thị theo hình thức B2C, hãn hữu mới có hình thức B2B.
Các chuyên gia cho rằng mạng xã hội giống như dòng nước, ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Dòng nước mềm mại có thể len lỏi mọi ngóc ngách, có thể điều khiển được dễ dàng trong một chiếc bình nhỏ, nhưng khi đổ vào sông, chảy ra biển, thì rất dễ bị hòa lẫn, không thể kiểm soát. Cũng vậy, khi mạng xã hội kết hợp với các công cụ khác trong tiếp thị số thì có thể đẩy mọi thứ lên mức không thể kiểm soát, từ truyền thông đến doanh nghiệp, từ chính trị đến xã hội, và khi đó rất dễ có hiệu ứng ngược. Rủi ro nằm ở chỗ tình trạng bảo mật của mạng xã hội ở Việt Nam còn yếu, nên khi xảy ra sự cố, với tốc độ lan truyền nhanh, thì hiệu quả có thể trở thành hậu quả.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu để hành động hiệu quả, theo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, đúng công cụ, đúng thời điểm. Nghĩa là, để có thể tiếp thị hiệu quả trên mạng xã hội hay các diễn đàn, ba vấn đề cần lưu ý là phải xác định mục tiêu, lợi ích và kế hoạch thực hiện trong tương lai, phải biết mình, biết người, biết sử dụng công cụ và biết cách tiếp cận. Doanh nghiệp không nên tiếp thị một cách chung chung, thấy mạng hay diễn đàn nào đông thành viên thì tham gia, mà cần có một tư duy và chiến lược rõ ràng.
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Thesaigontimes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét