Doanh nhân dễ thành công nhờ vào những điểm mạnh của họ. Điều tưởng như ai cũng biết đó lại có vế ngược lại: những điểm yếu mới là động cơ thôi thúc doanh nhân.
Tác giả Rosabeth Moss Kanter là giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard và là tác giả cuốn Confidence (Tự tin - Tạm dịch), và SuperCorp (Siêu tập đoàn).
Phải chăng Mark Zuckerberg chuyển sang kết bạn qua Facebook bởi anh chàng không thể kết bạn với ai ngoài đời? Đó là chủ đề chính trong bộ phim ăn khách The Social Network (Mạng xã hội).
Có người nói rằng Zuckerberg không quan tâm tới chuyện tiền nong; chẳng qua anh chàng muốn bù đắp phần nào cho cái sự thiếu bạn bè của mình mà thôi.
Phải chăng Evan Williams, người vừa rời khỏi chiếc ghế CEO của Twitter, tham gia vào trang web liên lạc trực tiếp này bởi vì anh ta ít nói và chậm chạp trong việc ra quyết định? Đó là một kết luận mà chúng ta có thể rút ra sau khi đọc một bài báo về tiểu sử của anh trên tờ Thời đại New York.
Hai ví dụ nêu trên có thể minh họa cho hiện tượng lấy kinh doanh để bù đắp cho những khuyết điểm cá nhân và dằn vặt nội tâm. Có lẽ trào lưu lấy tâm lý làm chiến lược đang bắt đầu thịnh hành trở lại.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, khi tìm cách lý giải cho các hành vi, chúng ta có xu hướng chuyển từ tìm kiếm các động cơ tâm lý sang động cơ lợi nhuận. Vậy có nên lật lại các lý thuyết về tâm lý doanh nhân?
Tuy rằng giả thiết lấy kinh doanh để bù đắp cho tinh thần có thể là hơi quá đà, nhưng dẫu sao nó cũng đáng để suy ngẫm.
Có thể các doanh nhân "bất đắc dĩ" thành công nhờ một điểm yếu nào đó của họ, một chướng ngại vật mà họ phải vượt qua. Xét về khía cạnh này, động lực thành công nội tại xuất phát từ một khiếm khuyết hoặc một "lỗ hổng" của cá nhân trong cuộc sống; và sự "thiếu sót" này được lấp đầy nhờ kinh doanh - không chỉ là thành công trong kinh doanh mà là chính bản chất của hoạt động này, giống như bạn ảo cho những người không có bạn ngoài đời.
Các doanh nhân không thiếu điều phải chứng minh, chẳng hạn như họ phải chứng minh tính khả thi của các ý tưởng họ nêu ra. Họ phải thực hiện được các lời hứa của mình, như sáng tạo ra một sản phẩm mới, hoặc thực hiện những cam kết trong kế hoạch kinh doanh hay đề xuất dự án.
Nhưng bên cạnh đó, liệu họ có đang cố gắng - dù vô thức hay không - tìm cách chứng tỏ rằng mình có thể vượt qua một khuyết điểm cá nhân nào đó thông qua việc làm của mình? Và liệu điều này có làm tăng thêm động lực, giúp họ dốc toàn tâm toàn ý vào hoạt động kinh doanh hay không? Liệu sự bù đắp về tinh thần này có nuôi dưỡng niềm đam mê thành công? Liệu nỗi đau đớn nội tâm có phải là một động lực?
Những câu hỏi trên không có gì là thiếu thực tế cả. Một vài sự thiếu sót nào đó có thể giúp gia tăng động cơ.
Nhà xã hội học của trường Đại học Yale, James Baron, đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy năng suất lao động thường tăng lên khi những người kém may mắn trong cuộc sống nhận được nhiều thứ hơn so với mong đợi của họ - Baron gọi đây là nhân tố biết ơn.
Có thể thấy rõ hiện tượng này ở khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhiều người nhập cư. Một nhà hoạt động dân sự ở Cleveland, Ohio, có lần nói với tôi rằng anh muốn xây dựng một chiến lược phục hồi kinh tế Mỹ bằng cách thu hút những người nhập cư đến từ châu Á; anh hy vọng rằng các doanh nhân người Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ đi đầu trong công cuộc tái sinh nền kinh tế này.
Ngược lại, các cảm giác về đặc quyền đặc lợi của bản thân lại thường dễ khiến con người ta trở nên lười biếng. Một nhà tư vấn hàng đầu về nhân sự cho tôi hay rằng ông nhận thấy một sự tương phản khá mạnh giữa sự nhiệt tình và hứng khởi với công việc ở những quốc gia đang trên đà phát triển nhanh chóng với thái độ thờ ơ của ít nhất một nửa số người lao động Mỹ; và theo ông, nguyên nhân là do giới lao động Mỹ mặc nhiên cho rằng cuộc sống sẽ mang đến những ưu ái cho họ.
Cảm giác không thỏa mãn thường trực - tức cảm giác rằng luôn có điều gì đó không ổn - chính là động lực thúc đẩy sáng tạo và kinh doanh. Đôi khi động lực được thể hiện rất rõ ràng và trực tiếp.
Một người bực mình khi thấy công việc không hiệu quả liền nghĩ ra một thiết bị nào đó giúp anh ta giải quyết vấn đề. Một người khác đau đớn thấy cảnh mẹ mình bị căn bệnh ung thư dày vò nên quyết tâm trở thành một nhà khoa học để tìm cách chữa trị căn bệnh đó. Một người khác lại bất mãn với tình trạng giáo dục hiện tại nên bắt tay vào thành lập một tổ chức hỗ trợ giáo dục.
Có thể tìm thấy vô số những câu chuyện cá nhân đằng sau nhiều tổ chức hoạt động xã hội hoặc kinh doanh.
Việc quan sát khía cạnh bù đắp về mặt tinh thần có nhiều tác dụng thực tế. Một lời khuyên phổ biến cho những người muốn xây dựng sự nghiệp lâu dài là tập trung vào điểm mạnh của mình; nhưng có lẽ bên cạnh đó, họ cũng nên tập trung tới một khuyết điểm nào đó của bản thân mà họ mong muốn khắc phục.
Để khích lệ tinh thần nhân viên, các lãnh đạo có thể tìm hiểu xem đâu là những "lỗ hổng" trong cuộc sống của họ, từ đó hướng họ vào những hoạt động giúp họ lấp đầy được lỗ hổng đó. Đối với những người có ý tưởng kinh doanh, có thể đặt ra cho họ câu hỏi đâu là ý nghĩa cá nhân của đề xuất kinh doanh của họ, bởi điều này có thể giúp xác định xem sự thành công của công ty mới có ý nghĩa như thế nào đối với họ.
Phải chăng những cảm giác về khuyết điểm, thiếu sót của bản thân là động lực thúc đẩy các doanh nhân và các nền kinh tế? Đó mới chỉ là lời phỏng đoán, và điều này cần được thảo luận thêm.
Nhưng nhờ có Zuckerberg và Williams, chúng ta bây giờ có thể tăng tốc cuộc thảo luận này với những người bạn trên Facebook và Twitter.
SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo Vnr500)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét