Tạp chí BusinessWeek.com mới đây đã tiến hành cuộc điều tra, đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia xem liệu các doanh nhân tài năng là do bẩm sinh hay nhờ rèn luyện mà thành. Có lẽ tất cả chúng ta đều mong tìm ra lời giải cho câu hỏi này.
Trở thành một doanh nhân tài năng có phải chỉ đơn giản là vấn đề thuộc di truyền bẩm sinh? Hay ngọn lửa kinh doanh là một cái gì đó có thể được thắp sáng? Rõ ràng, các phẩm chất như dám đương đầu với rủi ro, sự quyết tâm,... - những đặc điểm chung của nhiều chủ doanh nghiệp - là một phần trong chuỗi ADN của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chuyển những đặc tính di truyền đó thành khái niệm kinh doanh, cũng như chuyển khái niệm kinh doanh thành hành động thực tế. Vậy thì có phải các cá tính cố hữu của nhiều doanh nhân tài năng - tự tin, nghị lực, sáng suốt - có thể được học hỏi và trau dồi? Chúng có thể được hình thành theo thời gian?
Với ngày càng nhiều cá nhân đang tránh phải leo đầy đủ từng bậc thang kinh doanh để khởi sự công ty của riêng họ tại bất cứ độ tuổi nào, một câu hỏi được đặt ra cho nhiều “cây đại thụ” trong giới kinh doanh là: Các chủ công ty được “sinh ra” hay được “tạo thành”?
Frank Moss - giám đốc Media Lab tại Viện công nghệ Massachusetts, cựu CEO của hãng Tivoli Systems và là thành viên sáng lập công ty Stellar Computer và Infinity Pharmaceuticals:
Tôi cho rằng gen kinh doanh tồn tại ở trong ADN di truyền của tất cả mọi người. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều sinh ra với những kỹ năng trở thành doanh nhân thành đạt, nhưng chúng ta phải quên đi hành vi “né tránh rủi ro” (risk-averse) vốn trở thành một phần trong văn hóa của nhân loại trong một thế giới phát triển từ hơn 500 năm qua. Do các công nghệ thông tin và truyền thông đã lật đổ những rào cản trên, chúng ta sẽ thấy một vòng quay trọn vẹn khi mà hàng tỷ người trên thế giới đang và sẽ thể hiện các gen kinh doanh của họ.
Mark Veeder - đồng sáng lập, kiêm giám đốc sáng tạo của hãng Event Quest, New York, giám đốc điều hành hãng River Market, Barryville:
Tôi cho rằng các doanh nhân tài năng là hoàn toàn được “sinh ra”. Mặc dù những chương trình “đào tạo doanh nhân” đang tạo ra một ngành nghề phát đạt trên toàn thế giới, song tôi nghĩ rằng những chương trình đó chỉ cố gắng hệ thống hoá những gen di truyền có sẵn trong các cá nhân mà thôi. Cảm giác của tôi cho biết các doanh nhân tài năng là một sự phối kết hợp hoàn hảo, một sự pha trộn của tính sáng tạo, năng lực, tự tin, cá tính, nghị lực, trực giác và sinh lực.
Họ có một chỉ số EQ (Chỉ số cảm xúc - Emotional quotient) cao, còn chỉ số IQ (Chỉ số thông minh – Intellegence quotient) của họ không quan trọng - nó là lối sống, nó cố hữu trong mỗi người như một bản năng, chứ không phải là điều gì đó có thể khơi dậy hay dập tắt. Đôi lúc nó là điều tốt lành, nhưng cũng không ít lần nó là tai họa. Trong khi nhiều cá nhân là những người mơ mộng, giấc mơ của một doanh nhân thực thụ được chuyển thành hiện thực bởi vì các doanh nhân này luôn sáng tạo, luôn suy nghĩ về các ý tưởng, đánh giá các khả năng và cảm thấy phấn khích với một cái gì đó mới mẻ.
Steve Hindy, đồng sáng lập viên hãng bia Brooklyn Brewery và đồng tác giả cuốn sách “Beer School: Bottling Success at the Brooklyn Brewery” (Xây dựng thành công tại nhà máy bia Brooklyn)
Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều được sinh ra với những tia lửa kinh doanh ấp ủ, một định hướng để tạo ra cái gì đó - sản phẩm hay dịch vụ - để rồi họ thu về lợi ích, trang trải cuộc sống và tận hưởng niềm vui. Một vài người trong chúng ta đã thổi bùng tia lửa đó thành ngọn lửa rực sáng và thành lập nên một công ty kinh doanh. Sẽ là một sự thoả mãn cao độ khi sở hữu trong tay một công ty và cùng với thời gian điều này đang trở thành một phần của thế giới xung quanh bạn. Bằng việc ca tụng những phẩm chất doanh nhân cố hữu, bằng việc phân tích lại những kinh nghiệm doanh nhân và bằng việc nghiên cứu những chiến thắng của họ, các trường đào tạo kinh doanh hoàn toàn có thể nuôi dưỡng ngày một nhiều hơn các doanh nhân tài năng.
Trish Karter, chủ tịch kiêm sáng lập viên hãng bánh ngọt Dancing Deer Bakery tại Boston, Mỹ:
Tôi không thể trả lời được câu hỏi “bẩm sinh hay nuôi dưỡng” này trong thế giới doanh nhân. Nếu kiến thức và trực giác của một cá nhân không khiến anh ta/cô ta cảm thấy thoải mái khi đương đầu với rủi ro, vững chí trong những hoàn cảnh khó khăn thách thức, lạc quan về tương lai,... họ có thể không được tính vào danh sách các doanh nhân thành công.
Tôi không nghĩ rằng một doanh nhân nhất thiết phải là người suy nghĩ sáng tạo, nhưng những doanh nhân thành công thường có các bộ não linh hoạt và nhạy bén, thấy rõ nhiều sự khác biệt trên thế giới này - đây có lẽ chính là nơi mà gen kinh doanh trong mỗi cá nhân được phát huy.
Neal Thornberry - giám đốc bộ phận đào tạo kinh doanh Babson Executive Education tại trường đại học Babson College và là tác giả cuốn sách “Lead Like an Entrepreneur” (Lãnh đạo như một doanh nhân)
Câu trả lời thực tế là vừa có vừa không.
Chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể đào tạo cho mọi người những kỹ năng kinh doanh cùng các suy nghĩ của một doanh nhân đích thực, nhưng việc đào tạo này cần đến những động cơ tiềm tàng trong bản thân họ và bao gồm khả năng tự nhận thức. Chúng tôi có thể đào tạo cho mọi người nhận ra những cơ hội kinh doanh mới và chúng tôi có thể dạy họ làm thế nào để phân biệt một ý tưởng tốt và một cơ hội tốt.
Trên thực tế, phần lớn những gì chúng tôi làm tại Babson là dạy cho sinh viên suy nghĩ và hành động như những doanh nhân thực thụ. Vì vậy, chúng tôi dạy cho sinh viên cách thức huy động vốn kinh doanh cho những ý tưởng của họ, cách thức đánh giá nhu cầu của thị trường, cách thức đánh giá hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro,.... Nhưng một niềm đam mê mà các doanh nhân phải có để biến ý tưởng và giấc mơ kinh doanh của họ thành hiện thực, đồng thời xây dựng thành công một công ty vững chắc là không thể dạy được. Và niềm đam mê chúng ta đang nói ở đây chính là gen di truyền.
Họ cần có tình yêu với công việc kinh doanh đầy vất vả hay học để yêu nó nếu trong tâm trí họ vẫn phảng phất đâu đó một sự kháng cự, bảo thủ. Tôi đã từng đào tạo rất nhiều người vốn không có bất cứ định hướng kinh doanh nào, nhưng rồi họ đã thay đổi hẳn khi được học hỏi về công việc kinh doanh tại nhà trường, cùng với thời gian họ trở thành các doanh nhân thành công.
Một yếu tố khác không dễ đào tạo và trau dồi chính là niềm tin rằng khả năng của mình có thể biến ý tưởng, biến giấc mơ thành hiện thực. Chúng ta thường thấy mọi người với những cơ hội trong tay, nhưng họ không đủ tự tin để đón nhận và tận dụng nó. Giáo dục sẽ phát huy hiệu quả vào lúc này, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là làm sao để xung quanh những doanh nhân tương lai này là những người có thể chia sẻ niềm cảm xúc của họ về các giấc mơ và ý tưởng.
Nói chung, lần đầu tiên tiếp xúc với một doanh nhân tài năng mà từ lâu bạn ngưỡng mộ thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn cảm thấy bất ngờ trước vẻ bề ngoài của họ. Những doanh nhân thành công có hình dáng cơ thể trông cũng rất giống như mọi người khác thôi. Chỉ có điều trong đủ mọi ngành nghề, các môi trường kinh doanh và những lĩnh vực đòi hỏi sự nỗ lực cao, họ đều có mặt. Và bạn sẽ tìm thấy nhiều gen di truyền đặc biệt ở những con người ấy, họ luôn tìm kiếm những mục tiêu lớn lao để làm, để nếm trải và để đạt đến. Song, trở thành một doanh nhân thành công là một con đường lâu dài. Và không phải ai cũng có được thành công. Trên con đường đó, bên cạnh yếu tố gen di truyền, tất cả đều đấu tranh kiên cường và không ngừng học hỏi để có được kết quả như mong đợi.
SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo Businessweek/Bwportal)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét