(Dân trí) - Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu với các biểu hiện như mệt mỏi, mất khả năng tập trung, đau đầu, rụng tóc…. Tuy nhiên, rất ít người biết bổ sung đúng nguyên tố vi lượng quan trọng này.
1. Rau bina (rau chân vịt) rất giàu chất sắt?
Sai.
Trong 100gr rau chân vịt chỉ chứa một lượng chất sắt rất nhỏ là 3mg. Sự lầm tưởng về nguồn sắt dồi dào trong loại rau này xuất phát từ sự nhầm lẫn trong lịch sử: vào năm 1890, một nhà nghiên cứu Mỹ đã tiến hành phân tích tỉ mỉ lá rau bina. Nhưng khi chép lại các kết quả nghiên cứu, người thư ký đã phạm lỗi dấu phẩy, thay vì viết là 3,0mg đã ghi thành 30mg.
2. Chất sắt có nhiều trong thịt?
Đúng.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có 2 loại sắt mà cơ thể có thể hấp thu là heme và non-heme. Sắt heme có trong các sản phẩm động vật như thịt bò, thịt gà, cá… Sắt non-heme có trong các loại thực vật như đậu Hà Lan, đậu lăng và các loại gia vị…
3. Nước cam có khả năng đồng hoá chất sắt?
Đúng.
Vitamic C có nhiều trong cam kích thích khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Bên cạnh đó, ăn nhiều rau xanh và hoa quả cũng tăng sự đồng hoá sắt từ các thức ăn khác.
4. Mọi người đều có nhu cầu sắt như nhau?
Sai.
Nhu cầu sắt của chúng ta thay đổi theo lứa tuổi, giới tính và từng giai đoạn của cuộc đời. Một người đàn ông trưởng thành mỗi ngày cần 9mg sắt, trong khi đó phụ nữ là 18mg. Nhưng với phụ nữ đang mang thai, nhất là mang thai sau tháng thứ 6, nhu cầu sắt mỗi ngày lại là 30mg. Còn đối với trẻ em (từ 1-9 tuổi), mỗi ngày lại cần 7-8mg chất sắt.
5. Cơ thể đào thải phần lớn lượng sắt trong nó?
Sai.
Một người phụ nữ có khoảng 2,5gr sắt, trong khi là 4gr với nam giới. Dù chiếm một tỉ lệ rất nhỏ nhưng nguyên tố vi lượng này lại rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Mỗi ngày, cơ thể lại mất một lượng sắt nhất định qua các tế bào chết, bong da, phân và nước tiểu. Vì thế, chúng ta cần bù đắp đủ một lượng nhỏ sắt bị mất đi mỗi ngày.
Khiết Linh
Theo Topsante
0 nhận xét:
Đăng nhận xét