Người dân nơi đây đã quen với hình ảnh mỗi sáng lại thấy các cụ bên nồi cháo múc lần lượt cho người nhà bệnh nhân. Họ yêu mến đặt cho các cụ bằng cái tên "câu lạc bộ cháo".
Bà Cao Thị Nghít, nhóm trưởng của câu lạc bộ cho biết, cách đây 5 năm, khi đi qua cổng bệnh viện thấy nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền mua cháo phải ăn cơm đùm, cơm nắm nguội quắt mang đi từ nhà nên các bà nghĩ ra ý định nấu cháo giúp họ.
"Chúng tôi chia làm hai nhóm, nhóm này làm thì nhóm kia nghỉ, một nhóm sáng và một nhóm chiều. Dù trời nắng hay mưa bão thì chúng tôi vẫn đảm bảo cháo cho các bệnh nhân nghèo trong viện”, bà Nghít chia sẻ.
Bà Nghít đang chuẩn bị nguyên liệu cho nồi cháo sáng mai. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Câu lạc bộ có 9 thành viên, tất cả đều đã qua cái tuổi lục tuần. Người lớn tuổi nhất nhóm là cụ Võ Thị Mão đã ở tuổi 80. Ấy vậy mà hàng ngày cụ vẫn dành về mình công việc nặng nhất. Cụ thường dậy từ lúc 3 giờ sáng, đi bộ khoảng 5km ra các chợ đầu mối mua đồ để chuẩn bị cho nồi cháo vào sáng sớm.
"Công việc có nặng nhọc nhưng đó cũng là cách để tôi rèn luyện sức khỏe. Vui hơn nữa là mình đã làm được một việc có ích, giúp một phần nào cho các bệnh nhân trong lúc khó khăn”, cụ Mão tâm sự.
Với sự phân công hợp lý và chung tay của các cụ, nên sáng ra, câu lạc bộ đã có một nồi cháo đầy ắp cho hơn 300 suất. Khi xe cháo được đẩy ra, rất nhiều người nhà và bệnh nhân đã chờ sẵn nên chỉ trong vòng mửa tiếng là hết veo.
Cầm bát cháo nóng hổi trên tay, một bệnh nhân cho biết, hầu hết những người đang nằm trong viện K2 đều có gia cảnh nghèo khó. Họ xem những cụ già phát cháo như những bà tiên.
"Cũng nhờ có bát cháo của các mẹ mà gia đình tôi đỡ đi một phần nào khốn khó. Không biết tôi còn sống được bao lâu, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được tấm lòng thảo thơm của các mẹ”, anh nghẹn ngào.
Bà Nghít cho biết, việc nấu cháo được làm theo một quy trình nhất định, không phải cứ ninh nhừ gạo, bỏ thịt vào là thành cháo. Để có một nồi cháo vừa ngon vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, các bà các cụ phải tính toán kỹ lưỡng thành phần như: để nấu được 300 suất cháo thì phải mua 10kg gạo, 2kg thịt, 8kg củ quả… Gạo được nhặt sạch, ninh nhừ, thịt và củ quả được nêm vừa ăn, xào chín và cho vào sau cuối.
Nhiều bạn trẻ trong xóm cũng tham gia giúp các cụ chuẩn bị. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Chị Nguyễn Thị Thu sống gần cổng bệnh viện cho biết, không chỉ có bệnh nhân mà nhiều gia đình sống gần đây có con nhỏ biếng ăn đều ra xin cháo của các cụ về cho cháu. "Chúng nó ăn ngon miệng và ăn được nhiều lắm. Lấy cháo rồi trả tiền cho các cụ thì các cụ lại không lấy mà còn dặn hàng ngày cứ ra đây lấy cháo về cho các cháu ăn”, chị Thu cho hay.
Tất cả các cụ trong câu lạc bộ đều không có lương hưu. Số tiền nấu cháo là tiền mà các cụ dành dụm từ tiền tiêu vặt hàng ngày và một số Phật tử hảo tâm đóng góp. Cụ Mão tâm sự: "Mình già rồi cũng chẳng cần tiêu việc gì. Số tiền đó chẳng nhiều nhặn gì, nhưng góp lại nó có thể giúp đỡ được rất nhiều người khó khăn".
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đỗ Văn Ấu, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, câu lạc bộ nấu cháo từ thiện là tự phát. Các cụ trong câu lạc bộ đã dùng tiền riêng của mình để làm, đó là tấm gương cho mọi người học tập.
"Xã cũng nghèo nên không có kinh phí ủng hộ các cụ. Chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ bằng cách tạo điều kiện bếp ăn và giúp các cụ vào bệnh viện không bị cản trở thôi", ông Ấu nói.
Hoàng Thùy - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét