người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Tránh cái chết trong những không gian kín

Trời quá lạnh, có người chết khi sưởi bằng than tổ ong trong phòng đóng kín. Có trường hợp qua đời vì chui vào ôtô bật điều hòa để chống nóng. Nhiều người tử vong vì ngạt khí độc trong những hầm kín.

Để phòng tránh những cái chết trong không gian kín như thế này, Bác sĩ Quản Hồng Đức - Công ty TNHH Năm dòng kẻ, khuyên chung: "Đừng bao giờ tin vào cảm giác của một ai đó khi nói không khí trong không gian hạn hẹp là an toàn. Có rất nhiều khí độc không hề có mùi".

Dưới đây là bài viết của Bác sĩ Quản Hồng Đức về kỹ năng phòng tránh cái chết trong không gian kín nơi làm việc.

Bốn ngày trước, ông Võ Thành Xây - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thạnh Trị ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) và 2 người khác bị ngạt khí độc. Một công nhân tử vong dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu rất sớm. Theo các bác sĩ, loại khí dưới hồ xử lý nước thải gây ra cái chết cho nạn nhân có thể là khí Hydrogen Sulfide (H2S) có mùi trứng thối.

Trước đó, tại một công ty chế biến thủy sản ở phường 7, thành phố Sóc Trăng cũng xảy ra vụ ngạt khí độc tương tự làm một thanh niên thiệt mạng.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến những cái chết này. Nguyên nhân trực tiếp là do khí độc và sự thiếu ôxy trong bồn kín; đồng thời sự hạn chế về nhận thức mối nguy và rủi ro của người thực hiện công việc trong bồn kín. Đây cũng là lý do dẫn đến tử vong tiếp theo cho những công nhân vào bồn kín để kiểm tra, cứu đồng nghiệp.

Nguyên nhân gián tiếp là doanh nghiệp đã không thực hiện việc nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro trước khi tiến hành công việc. Cụ thể là việc đo kiểm môi trường không khí trong bồn kín, việc thông khí trước khi vào bồn đã không được thực hiện. Họ cũng không thực hiện quy trình an toàn trong khi tiến hành công việc. Đó là việc giữ liên lạc thường xuyên giữa nhân viên trực tiếp làm việc trong bồn kín và nhân viên hỗ trợ bên ngoài. Do vậy dẫn đến việc chậm trễ xử lý sau khi nhân viên trong bồn bị ngạt.

Đơn vị cũng không có quy trình xử lý khi có sự cố khẩn cấp.

3 công nhân tại TP HCM đã chết ngạt trong hầm xây dựng nhỏ hẹp này, hồi tháng 7 năm nay. Ảnh: An Nhơn
3 công nhân tại TP HCM đã chết ngạt trong hầm xây dựng nhỏ hẹp này, hồi tháng 7 năm nay. Ảnh: An Nhơn

Một vài người mắc chứng bệnh sợ không gian hạn hẹp vì họ có cảm giác bị tù túng, giam cầm (từ chuyên môn gọi là claustrophobia), sẽ không thể làm việc được trong không gian hạn hẹp. Nếu bố trí làm việc trong điều kiện này, họ sẽ lập tức bị cảm giác khó thở, sợ hãi. Trường hợp kéo dài thì những cảm giác này sẽ nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát.

Quy trình an toàn khuyến cáo khi thực hiện công việc trong không gian hạn hẹp:

Trước khi tiến hành vào khu vực hạn hẹp, quy trình an toàn sau đây nên được áp dụng và thực thi:

- Họp an toàn nên được tổ chức với sự tham gia của tất cả nhân viên liên quan đến công việc trong không gian hạn hẹp. Tất cả vấn đề về an toàn, bao gồm việc áp dụng và tuân thủ quy định về an toàn, sử dụng trang thiết bị và dụng cụ...

- Giấy phép làm việc trong không gian hạn hẹp phải được phát hành sau khi hoàn thành việc nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro; cũng như áp dụng các biện pháp kiểm soát ở mức độ chấp nhận được.

- Tiến hành nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro hoàn chỉnh trước khi thực hiện công việc.

- Để việc nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro được tiến hành thuận lợi và đầy đủ, những thông tin sau nên được chuẩn bị sẵn sàng:

a) Những vật liệu, nguyên liệu, hóa chất… lưu trữ ở khu vực hạn hẹp trong thời gian gần đây nhất.

b) Với bồn chứa gas, thông tin về lần chứa cuối cùng phải được sẵn sàng.

c) Với bồn chứa hóa chất, MSDS của hóa chất chứa trong bồn lần cuối cùng phải sẵn sàng.

- Kiểm tra, đánh giá sự thông khí của không gian hạn hẹp:

a) Kiểm tra để đảm bảo rằng không gian hạn hẹp trống, sạch và được thông khí tốt trước khi nhân viên thực hiện việc chui vào không gian.

b) Để hạn chế rủi ro do không gian có thể chứa khí độc, khí cháy, nổ... có thể tiến hành thông khí bằng cách sử dụng khí trơ để đuổi khí độc, khí cháy, nổ ra khỏi không gian hạn chế. Sau đó thông khí liên tục bằng không khí sạch.

Nồng độ oxy trong không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nồng độ oxy trong không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Thực hiện quy trình cô lập không gian hạn chế để:

a) Không thực hiện các công việc khác (ngoài kiểm soát) trong khi tiến hành các công việc được yêu cầu trong không gian hạn chế.

b) Đề phòng rủi ro vật tư, vật liệu, hóa chất được đưa vào không gian hạn chế trong khi công việc đang tiến hành.

- Bố trí, sắp xếp lực lượng trực cấp cứu, lực lượng cứu hộ bên ngoài trong suốt thời gian thực hiện công việc trong không gian hạn chế.

- Kiểm tra và tiến hành việc đo nồng độ và các thành phần không khí trong không gian hạn chế:

a) Tối thiểu, việc tiến hành đo nồng độ ôxy trong không khí là bắt buộc trước khi tiến hành vào làm việc trong không gian hạn hẹp. Trong một vài trường hợp, việc đo nồng độ ôxy phải được tiến hành dưới sự giám sát của kỹ thuật viên, giám sát an toàn.

b) Ngoài ra, việc đo nồng độ của các khí khác trong không gian hạn hẹp sẽ tùy thuộc vào phân loại không gian hạn hẹp (ví dụ như bồn dầu, bồn hóa chất hay hầm chứa hàng hóa…).

c) Giám sát an toàn luôn sử dụng thiết bị đo lường đã được kiểm tra, hiệu chỉnh và kiểm định để thực hiện công việc này.

d) Các chỉ số đo lường phải được ghi chép vào biên bản kiểm tra và được lưu hồ sơ ít nhất 1 năm sau khi công việc hoàn thành.

- Chuẩn bị các biện pháp kiểm soát việc tăng, giảm nhiệt độ môi trường trong không gian hạn hẹp.

- Chuẩn bị các trang thiết bị chiếu sáng bên trong.

- Chuẩn bị các trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân cần thiết cho công việc.

- Chuẩn bị phương tiện thông tin liên lạc, bố trí người giám sát đảm bảo giữ liên lạc với nhân viên bên trong không gian hạn hẹp, kịp thời phát hiện sự cố ngay sau khi xảy ra nếu có.

- Chuẩn bị kế hoạch, quy trình xử lý nếu có sự cố khẩn cấp: nhân viên bị tai nạn khi đang ở trong không gian hạn hẹp. Chuẩn bị các trang thiết bị y tế cần thiết như bình oxy, cáng cứu thương...

Tất cả những sự chuẩn bị này nên được làm thành tiêu chuẩn, bảng kiểm tra để tránh bỏ quên hoặc nhầm lẫn khi thực hiện công việc.


VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét