người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Đón chờ mưa sao băng rực rỡ nhất trong năm

Bầu trời đêm tháng 12 sẽ đón chào cơn mưa sao băng rực rỡ nhất 2010, cùng hiện tượng nguyệt thực duy nhất cả năm, hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn cả màn bắn pháo hoa nhân dịp năm mới.
Mưa sao băng xảy ra khi trái đất quét qua các mảnh vỡ của sao chổi. Ảnh: Nasa.

Mưa sao băng Geminid năm nay được mong đợi sẽ là màn bắn sao ngoạn mục nhất trong năm và sẽ đạt đỉnh cao vào những giờ sau nửa đêm ngày 13/12, Space.com cho biết hôm nay.

Giống như hầu hết cơn mưa sao băng khác, Geminids thường đẹp nhất sau nửa đêm (rạng sáng ngày 14/12), khi trái đất hướng trực tiếp vào đường bay của thiên thạch. Nhưng một số màn bắn sao khác lại nhìn rõ hơn vào trước nửa đêm, bởi bức xạ của sao băng gần như vòng về phía cực, nên chúng sẽ nằm trong tầm nhìn ở phía chân trời cả đêm.

Hầu hết mưa sao băng được tạo ra từ các mảnh vỡ của những sao chổi già cỗi, nằm rải rác dọc theo quỹ đạo của sao chổi. Khi trái đất đi qua quỹ đạo của sao chổi, nó sẽ quét qua những mảnh vỡ này, và làm chúng nổi rõ lên khi ánh sáng xuyên qua bầu khí quyển.

Mưa sao băng Geminid độc đáo ở chỗ nó không liên quan tới một sao chổi mà là một hành tinh nhỏ có tên 3200 Phaethon.

Ngoài ra, lễ hội trên bầu trời tháng 12 không chỉ có màn bắn sao Geminid. Vào đêm 20-21/12, một vài nơi trên trái đất sẽ được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần - chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm 2010.

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần gần đây nhất là vào ngày 20/2/2008. Tuy rằng sẽ có hai lần nguyệt thực toàn phần trong năm 2011, người dân Bắc Mỹ sẽ phải chờ đến tháng 4/2014 mới được xem mặt trăng bị "nuốt" ngoạn mục như sự kiện trong tháng này.

Nguyệt thực xảy ra khi mặt trăng đi qua một điểm trong quỹ đạo mà ở đó Trái đất nằm ở giữa mặt trăng và mặt trời. Khi mặt trăng đi qua bóng râm của trái đất, nó sẽ tạo ra hiện tượng nguyệt thực. Không giống như nhật thực, người xem không cần phải bảo vệ mắt khi ngắm nhìn.

Nguyệt thực toàn phần là khi toàn bộ mặt trăng nằm hoàn toàn trong bóng tối của trái đất. Do ánh sáng mặt trời bị bẻ cong qua bầu khí quyển của trái đất, nên tia sáng vẫn đến được tới mặt trăng, và vì thế người ta vẫn nhìn rõ mặt trăng khi nguyệt thực xảy ra.

Anh Minh - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét