Một con chuột biết hót do các nhà nghiên cứu của Đại học Osaka tạo ra. Ảnh: AFP. |
“Biến đổi gene đang trở thành một động lực của quá trình tiến hóa. Chúng tôi đã lai giống các loài chuột biến đổi gene trong nhiều thế hệ để xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi kiểm tra từng con chuột mới sinh và một hôm chúng tôi phát hiện một con hót như chim”, Arikuni Uchimura, một nhà khoa học của Đại học Osaka tại Nhật Bản, phát biểu với Telegraph.
Uchimura nói con chuột biết hót được sinh ra một cách ngẫu nhiên, song khả năng hót sẽ được truyền cho các thế hệ sau, Telegraph cho biết.
Giờ đây phòng thí nghiệm của Uchimura có hơn 100 con chuột như vậy để phục vụ các nghiên cứu tương lai. Nhóm nghiên cứu hy vọng những con chuột có khả năng hót sẽ giúp họ hiểu rõ hơn lịch sử tiến hóa ngôn ngữ của loài người.
Ở nhiều nước, các nhà khoa học nghiên cứu các loài chim để tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ. Họ phát hiện ra rằng chim kết hợp nhiều thành tố âm thanh với nhau để tạo ra tiếng hót, giống như cách con người tạo ra từ. Các “bài hát” của chim được tạo nên từ những chuỗi tiếng hót, giống như bài hát của người được tạo nên từ các câu.
“Chuột là đối tượng nghiên cứu lý tưởng hơn chim vì chúng là động vật có vú. Chuột cũng có nhiều điểm tương đồng với người về cấu trúc não và các phương diện sinh học khác”, Uchimura nói.
Những con chuột biến đổi gene phát ra tiếng hót to hơn khi chúng được đưa sang môi trường khác hoặc khi những con đực được ghép đôi với con cái.
“Tiếng kêu của chuột có thể là một dạng thể hiện cảm xúc hoặc tình trạng cơ thể”, Uchimura nhận định.
Minh Long - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét