- Thưa bác sĩ, em còn rất trẻ nhưng đã bị bệnh xương khớp từ năm lớp 12. Em bị thoát vị đĩa đệm L4-L5 6 năm rùi nhưng mới chữa cách đây 2 năm. Em điều trị một tháng ở bệnh viện theo phương pháp y học cổ truyền là bấm huyệt và nghỉ ở nhà không đi làm thêm một tháng. Sau thời gian đó em không bị đau nữa. Nhưng cứ mùa đông về là em lại đau nhức. Các khớp xương của em đau ê ẩm rã rời. Các bác sĩ thường nói với em rằng sau này việc lấy chồng và sinh con rất vất vả. Em phải làm sao? (Vũ Tuyết, 25 tuổi, Hà Nội)
- Chào bạn, theo như bạn mô tả, bạn đang bị thoát vị đĩa đệm nhưng có vẻ không nặng lắm. Thêm nữa, bạn đang có tình trạng đau nhức xương khớp theo thời tiết, nghĩa là, trời lạnh thì lại đau. Theo tôi, bạn không có gì phải lo lắng vì nếu thoát vị đĩa đệm chưa nặng thì vẫn có thể điều trị bằng vật lý trị liệu và luyện tập thể thao. Nếu trong trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng, có chèn ép thần kinh, các bác sĩ sẽ mổ lấy đi nhân đĩa đệm và giải quyết tình trạng đau cho bạn. Về phần đau nhức xương khớp khi trời lạnh, bạn chỉ cần giữ ấm và có thể dùng thêm thuốc là giải quyết được vấn đề. Đôi khi việc lấy chồng và sinh con có thể giúp bạn cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp mà đến giờ này khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân.
- Tôi 43 tuổi làm việc văn phòng, có biểu hiện đau vùng vai gáy và thoái hóa đốt sống cổ, cùng lưng (có chụp XQ). Tôi đi khám Đông y, BS nói tôi còn bị viêm khớp xương chậu và tôi đã được trị liệu kết hợp châm cứu 7 ngày. Do điều kiện công việc nên tôi không thể tiếp tục theo trị liệu châm cứu được nữa. Xin BS cho biết các biến chứng của bệnh này và cách điều trị. (Trần Thu, 43 tuổi, Đà Nẵng).
- Chào bạn!
Chúng tôi hơi bối rối một chút vì bạn nói bạn đau vai gáy và thoái hóa cột sống cổ nhưng lại được chẩn đoán viêm khớp xương chậu là phần cột sống thấp. Vấn đề đau vai gáy và thoái hóa cột sống cổ vẫn có thể giải quyết được bằng việc tập thể dục, tránh các tư thế gây đau, mỏi vai và cổ như: không ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, cúi cổ quá nhiều để đọc sách. Ngoài ra bạn có thể tập bơi ngửa để giải quyết tình trạng mỏi vai gáy.
Còn về vấn đề viêm khớp xương chậu, có rất nhiều nguyên nhân. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân ở đây là gì để có phương pháp điều trị thích hợp. Trong trường hợp nếu bạn bị viêm khớp xương chậu (mà chúng tôi hiểu ở đây là khớp cùng chậu) thì sẽ không để lại biến chứng gì nặng ngoài cảm giác đau do ngồi lâu và đi lại nhiều.
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tại buổi tư vấn trực tuyến về đau cơ và khớp, ở tòa soạn VnExpress.net chiều 8/12. Ảnh: Thiên Chương |
- Cột sống của em bị cong hình chữ C (bẩm sinh) khoảng 15 độ, làm cho nửa phần lưng bên phải cao hơn một chút so với nửa lưng bên trái. Thỉnh thoảng cúi lên cúi xuống nghe thấy tiếng khớp kêu rắc rắc nhưng không đau nhức. Liệu tình trạng này có thể chữa khỏi bằng vật lý trị liệu được không ạ? Nếu để nguyên như vậy thì có ảnh hưởng gì đến việc sinh con sau này không ạ? Xin cảm ơn các bác sĩ. (Lê Anh Nhi, 25 tuổi, Nguyễn Xí, P. 13, Q. Bình Thạnh)
- Theo mô tả thì bạn bị vẹo cột sống sang bên phải khiến cho phần vai bên phải cao hơn bên trái. Bạn mới 25 tuổi nghĩa là còn khả năng phát triển một phần. Do vậy, tình trạng vẹo cột sống này có thể vẫn còn tiếp diễn. Nếu như được điều trị sớm và ngăn chặn tình trạng vẹo cột sống thì sẽ không ảnh hưởng gì đến việc sinh con của bạn sau này. Để đạt được điều này, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa cột sống để được điều trị mang nẹp vào ban đêm. Bạn có thể chơi các môn thể thao như: hít xà đơn, bơi lội. Nếu trong trường hợp cột sống còn tiếp tục vẹo, các bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Vật lý trị liệu đơn thuần sẽ không thể giải quyết vấn đề của bạn mà cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau.
- Tôi thường xuyên bị đau nhức và mỏi cổ. Trước đây là vùng thắt lưng, sau đó di chuyển lên phần trên lưng, rồi đến vai, giờ lên đến cổ và vùng cổ ở phía sau, 2 bên sát xương cằm. Triệu chứng đau lưng xuất hiện cũng đã khá lâu, cả năm nay rồi. Tôi làm việc văn phòng, mỗi lần mỏi cổ, tôi thường làm vài động tác thể dục xoay cổ. Tôi hay ngủ sấp. Tôi phải làm gì? (Thạch Lan Hương, 36 tuổi, Nha Trang)
- Theo như bạn mô tả thì tôi nghĩ bạn nằm trong nhóm bệnh lý của những người làm văn phòng, nghĩa là ngồi suốt ngày và mắt dán vào màn hình vi tính, lưng hơi cong (vì đây là tư thế dễ chịu khi mới bắt đầu ngồi). Tuy nhiên khi bạn ngồi lâu, toàn bộ các cơ cột sống từ cổ đến thắt lưng bị căng quá mức gây ra tình trạng đau và mỏi.
Để điều trị nhóm bệnh này không khó, song nhiều người điều trị hoài vẫn không hết vì lý do vẫn phải tiếp tục ngồi suốt ngày ở máy vi tính, không có thời gian để chơi thể thao hay tập vật lý trị liệu. Cách đơn giản nhất mỗi khi ngồi trước máy vi tính chừng nửa tiếng, bạn nên chịu khó tập vận động 5 phút cho nhóm cơ vùng cổ, lưng, vai sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu ngay. Một bằng chứng hết sức hiển nhiên là ngày thứ Bảy, Chủ Nhật được nghỉ làm ở nhà thì bạn sẽ cảm thấy cuộc đời tươi đẹp và không đau đớn gì cả, nhưng cứ từ thứ Hai đầu tuần là cơn đau lại xuất hiện.
Bạn đang ở Nha Trang nên tôi nghĩ đi bơi là biện pháp tốt nhất giúp bạn thoát khỏi cơn đau mà không làm gì lớn lao hơn. Còn việc ngủ sấp hay ngủ ngửa cũng không ảnh hưởng gì, nhưng nếu ngủ ngửa thì nên kê gối dưới vai và cổ thay vì chỉ kê trên đầu khiến khớp cổ bị mất đi đường cong sinh lý.
- Tôi bị viêm khớp dạng thấp, đi lại khó khăn, các khớp gối, tay cứng, khó cử động. Hiện tôi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy, uống thuốc liên tục 5 tháng nay. Xin hỏi, bệnh của tôi phải uống thuốc suốt đời hay trong thời gian nữa sẽ hết bệnh. Tôi cần kiêng ăn uống những thức ăn gì? (Lê Thị Phương, 60 tuổi, Thị xã Tây Ninh)
- Bạn thân mến, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính có yếu tố gen. Do vậy, việc điều trị khỏi hẳn bệnh này là điều gần như không thể. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều biện pháp điều trị giúp bệnh nhân giảm cơn đau phòng chống các biến chứng trên khớp. Đặc biệt, các loại thuốc điều trị sinh học mới được phát minh và áp dụng đã giải phóng cơn đau cho các bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.
Những trường hợp viêm khớp dạng thấp nhẹ chưa có biến chứng, có thể kiểm soát được với các thuốc kháng viêm giảm đau không steroide hoặc corticoide tuy nhiên biến chứng đáng ngại của các thuốc này là gây ra tình trạng loét dạ dày, tá tràng hay hội chứng Cushing. Có thể dùng phẫu thuật nội soi để rửa và cắt màng bao khớp. Nếu nặng hơn không kiểm soát được có thể dùng các thuốc điều trị sinh học nhưng điều khó khăn là giá thuốc quá cao so với mức thu nhập của người Việt Nam, khoảng 65 triệu đồng một năm. Bạn không cần phải kiêng ăn uống gì vì bệnh này không liên quan đến thức ăn.
- Thưa Bác sĩ, mẹ em năm nay 57 tuổi, hai chân của mẹ em bị sưng khớp đầu gối, và cổ chân, củ khoai chân. Nếu đi lại nhiều thì những chỗ này sưng to lên không đi lại được. Mình lấy ngón tay ấn vào chỗ sưng thì nó lõm xuống một lúc sau mới nổi lên. Xin hỏi bác sĩ mẹ em bị bệnh gì, có chữa khỏi được không, và chữa như thế nào. Tiền sử mẹ em bị viêm cầu thận mãn. (Nguyễn Thị Hương, 32 tuổi, QL 1A Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP HCM)
- Theo bạn mô tả thì mẹ của bạn có thể bị tình trạng suy thận mãn gây ra phù hai chân (tức là triệu chứng khi bạn lấy ngón tay ấn vào chỗ sưng thì nó lõm xuống một lúc sau mới nổi lên). Ngoài ra mẹ bạn có thể bị thoái hóa vùng khớp gối và khớp cổ chân khiến cho việc đi lại đau và đôi khi bị tràn dịch - tức là sưng khớp gối hoặc sưng khớp cổ chân.
Bạn nên đưa mẹ đến bác sĩ để khám. Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán bệnh lý của mẹ bạn là gì mà các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị thích hợp. Ví dụ suy thận mãn có thể được điều trị bằng chạy thận nhân tạo hay ghép thận, thoái hóa khớp có thể điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc tạo chất nhờn và các chế phẩm bảo vệ sụn khớp. Nếu không bớt có thể dùng phương pháp nội soi, cắt lọc khớp... Và biện pháp cuối cùng là thay khớp nếu tất cả các biện pháp trên không hiệu quả.
Bác sĩ thú vị trước câu hỏi hay của độc giả. Ảnh: Thiên Chương |
- Tôi tên là Thùy Chi năm nay 30 tuổi. Tôi là nhân viên văn phòng nên hay bị đau lưng. Tôi đã từng sử dụng nhiều loại dầu thoa, cao dán nhưng vẫn không thuyên giảm và rất đau đớn khó chịu, hay cáu gắt với mọi người. Tôi đã đến bệnh viện và được kê toa Voltaren Emulgel nhưng thật lòng tôi rất bối rối. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi về hiệu quả của thuốc này để tôi an tâm điều trị (Nguyễn Thị Thùy Chi, 30 tuổi, 115 Lê Trọng Tấn, Quận 5)
- Trước hết chúng tôi xin trình bày với bạn một chút về tác dụng của thuốc Voltaren Emulgel. Đây là loại thuốc kháng viêm giảm đau dùng dưới dạng thoa. Thuốc có hai đầu, một đầu ưa nước và một đầu ưa chất béo. Đầu ưa nước làm cho thuốc bốc hơi nhanh qua da. Đầu ưa chất béo giúp đưa thuốc qua lớp da vào tới mô bị đau giống như một chiếc xe chở vật liệu xây dựng đến công trường. Sở dĩ người ta dùng loại thuốc bôi có chất kháng viêm này vì tác dụng phụ cho đường tiêu hóa ít mà vẫn đạt được hiệu quả trong điều trị. Do vậy, bạn cứ an tâm sử dụng vì không có biến chứng gì đáng ngại, bạn cũng không nên quá cáu gắt với mọi người và hãy lạc quan hơn. Khi đó bạn sẽ thấy cuộc đời vẫn đẹp sao vì hơn 50% cơn đau phụ thuộc vào tâm lý của người bệnh. Do vậy, Nguyễn Du đã viết: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
- Tôi bị đau các khớp ở cột sống, cánh tay và các mắt cá chân (có đợt không đi được). Tôi đã điều trị ở nhiều nơi, từ Đông, Tây, Nam y đều không khỏi. Tôi cũng đã đi đo độ loãng xương kết quả là có bị loãng xương. Tôi uống thuốc tây để điều trị nhưng bao tử tôi đều không chịu được, do bị đau bao tử. Xin bác sĩ giúp tôi biện pháp để ngăn ngừa loãng xương, và chữa trị chứng đau ở các khớp. Hoặc có thể tư vấn giúp tôi bệnh viện, hoặc bác sĩ trị tốt về vấn đề này. (Trần Thị An, 55 tuổi, Gò Dầu - Tây Ninh)
- Dựa trên độ tuổi và những gì chị đã mô tả, tôi nghĩ chị bị tình trạng thoái hoá khớp cột sống, cổ chân, đồng thời có thể bị viêm gân ở khớp vai hay khuỷu. Có rất nhiều biện pháp để điều trị bao gồm: tập thể dục; dùng các thuốc bảo vệ sụn, tạo chất nhờn bên cạnh việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau (đây là loại thuốc gây tình trạng đau bao tử của chị).
Biện pháp ngăn ngừa loãng xương tốt nhất là vận động (không nhất thiết là phải đi bộ) chẳng hạn: đạp xe, bơi... Ngoài ra chị có thể bổ sung mỗi ngày 2 viên thuốc canxi và nhớ khi ra đường đừng che chắn kỹ quá để da có thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào mỗi sáng để cơ thể có đủ Vitamin D đưa canxi đến xương. Các bệnh viện có thể giúp chị điều trị 2 bệnh này là những bệnh viện có khoa chấn thương chỉnh hình khoa nội cơ xương khớp.
- Thưa Bác sĩ, tôi 42 tuổi, thời gian gần đây bị cứng các khớp vai, háng bên trái. Cụ thể: tay trái khó giơ cao thẳng lên được. Khớp háng bên trái cũng bị cứng, khi ngồi xuống chiếu không khoanh chân như bình thường được. Tôi có dùng một số thuốc về phong thấp nhưng chưa khỏi. Tôi cũng đã uống Glucosamin nhưng cũng không thấy tiến triển. Xin hỏi nguyên nhân và cách điều trị bệnh? Cảm ơn bác sĩ! (Tran Van Hoa, 42 tuổi, Nguyen Ngoc Nai, Ha Noi)
- Theo như anh mô tả thì anh đang bị hai bệnh khác nhau. Đó là viêm co rút bao khớp vai và hoại tử chỏm xương đùi. Trước hết, nói về bệnh viêm co rút bao khớp vai khởi đầu bằng một cơn đau nhẹ ở vai sau đó tăng dần và mỗi khi đưa tay ra sau gãi lưng thì đau. Dần dần anh đưa tay lên đầu gãi đầu cũng khó, thậm chí không thể thò tay rút bóp để lấy tiền ở túi sau. Đây là tình trạng khớp vai bị viêm và các cơ co rút, kể cả bao khớp cũng co rút và dày lên làm cho các cử động của vai trở nên khó khăn và đau đớn.
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chết của chỏm xương đùi vì thiếu máu nuôi, nguyên nhân cho đến giờ này vẫn chưa biết rõ. Bệnh khởi đầu bằng việc đau khi đi và đặc biệt hạn chế dạng khớp háng, nhất là tư thế ngồi xếp bằng để nhậu. Nguyên nhân bệnh này được cho rằng do uống quá nhiều rượu. Khi bệnh nặng hơn, khớp háng cử động khó khăn và gây đau khiến cho mỗi bước đi của bệnh nhân trở thành cực hình.
Để điều trị bệnh viêm co rút bao khớp vai, các bác sĩ sẽ cho anh dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ và đặc biệt là phải tập vật lý trị liệu kéo giãn bao khớp. Nếu trong trường hợp không cải thiện sau 3-6 tháng điều trị có thể dùng đến biện pháp nội soi giải phóng bao khớp. Sau đó cần phải tập vật lý trị liệu.
Đối với hoại tử chỏm xương đùi có rất nhiều phương pháp điều trị nhưng chưa có phương pháp nào thực sự hiệu quả. Có thể dùng thuốc hạn chế khiêng vác nặng, có thể phẫu thuật khoan giải áp ghép xương. Biện pháp cuối cùng là thay khớp háng.
Chúng tôi nghĩ anh nên đi khám ở một bác sĩ chấn thương chỉnh hình để có chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị cụ thể.
- Cách đây 7 năm, mẹ tôi được bác sĩ xác định bị lồi đĩa đệm L1-L2, L3-L4, L4-L5, L5-S1. Bác sĩ có kê thuốc và thuốc giảm đau, nhưng tình trạng không thuyên giảm. Gần đây mẹ đi lại rất khó khăn do đau ở vùng thắt lưng và chân bên trái. Xin bác sĩ tư vấn tôi phải làm gì? Mẹ tôi đã 70 tuổi, liệu có thể phẫu thuật thay đĩa đệm không? Và nếu được thì bệnh viện nào ở TP HCM có thể làm tốt? Trân trọng cảm ơn bác sĩ (Lê Quang Anh, 36 tuổi, TP HCM)
- Theo như anh mô tả, tôi nghĩ tình trạng thoát vị đĩa đệm của bác có vẻ nặng, các bác sĩ đã cố gắng điều trị bằng thuốc với hy vọng có thể giúp mẹ anh hết bệnh mà không cần phẫu thuật vì cụ đã lớn tuổi. Tuy nhiên nếu vẫn không bớt mà tình trạng bệnh ngày càng nặng thì các bác sĩ sẽ cho cụ chụp phim MRI, sau đó sẽ hội chẩn với các chuyên gia phẫu thuật cột sống để quyết định vấn đề phẫu thuật cho bà cụ.
Nếu sức khỏe của mẹ anh tốt thì vẫn có thể tiến hành phẫu thuật bình thường. Anh có thể liên hệ với các bệnh viện ở TP HCM mà có khoa chấn thương chỉnh hình hay khoa ngoại thần kinh để được tư vấn.
- Chào bác sĩ, em 31 tuổi, có thai 3 tháng, hiện em bị đau nhức vai bên phải và nhức mỏi luôn cả cánh tay phải, buổi tối nằm ngủ các cơ ở vai rất đau nhức, có phải do em thiếu chất hay em bị trẹo cơ. Do có thai nên em không đi bác sĩ tây y mà đi bấm huyệt nhưng vẫn chưa khỏi. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Chân thành cám ơn! (Đan Châu, 31 tuổi, 23 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận)
- Tình trạng đau vai và đau mỏi cánh tay có thể xuất hiện khi bạn mang thai vì khi mang thai nồng độ estrogen cao làm các mô bị ngấm nước. Bạn sẽ cảm thấy nhức mỏi trong mình một phần vì có tổn thương thật sự ở các mô, một phần vì tâm lý bực bội khi có thai.
Các bác sĩ Tây y vẫn có những biện pháp điều trị mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Ví dụ như các loại thuốc không làm ảnh hưởng đến thai nhi, các biện pháp tập vật lý trị liệu, xoa bóp. Do vậy, bạn đừng nên ngần ngại đi khám bác sĩ chuyên về chấn thương chỉnh hình hay cơ khớp để có thể phương pháp điều trị tốt nhất.
- Bác Nam Anh ơi, thỉnh thoảng bàn chân và bàn tay của con đau như kim châm, liệu đó có phải là do thấp khớp không? (Phương Uyên, 29 tuổi, Đăk Nông)
- Tình trạng đau như kim châm xuất hiện sau đó biến mất và thỉnh thoảng mới xảy ra là điều hay gặp, đôi khi không rõ nguyên nhân là gì và các bác sĩ thường quy kết do viêm thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên theo cách đặt câu hỏi của bạn, tôi nghĩ tình trạng của bạn cũng không đến nỗi quá nặng. Đây không phải là triệu chứng của thấp khớp, do vậy bạn không nên lo lắng nhiều. Nếu tình trạng đau như kim châm xuất hiện nhiều hơn và thực sự gây khó chịu, bạn nên đi khám để các bác sĩ kiểm tra xem có phải thực sự là do viêm thần kinh ngoại biên hay do một nguyên nhân nào khác. Khi đã có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ có một phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.
Bác sĩ Nam Anh: "Khớp sinh ra là để vận động, vận động lại nuôi dưỡng khớp. Muốn cho khớp hoạt động trơn và tốt, bạn nên vận động thường xuyên". Ảnh: Thiên Chương |
- Em của em bị lệch vai và đau một bên chân trái đi khám ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hình thì được cho đi chụp Xquang và đo chức năng hô hấp. Kết quả là Xquang không thấy cột sống bị vẹo nhưng chức năng hô hấp hạn chế nhẹ,được cho thuốc vê uống nhưng chân của em vẫn còn đau. Theo bác sĩ, em của em nên làm thêm những gì? Chân trái trước giờ em không bị bong gân hay trật khớp chân trái. Khi ngồi lâu hay đứng lâu thì bị đau nguyên cái chân. Em của em cao 173cm hơi gầy. Mong được tư vấn. Chân thành cảm ơn bác sĩ! (Lâm Ngọc Ánh, 22 tuổi, 540 Ngô Gia Tự, phường 9 quận 5)
- Rất tiếc chúng tôi có quá ít dữ kiện để có thể đưa ra chẩn đoán. Chúng tôi cũng không rõ em của bạn bị đau chân trái ở khớp nào? Khớp gối, háng, hay cổ chân? Tuy nhiên, em của bạn còn trẻ, không có chấn thương mà bị đau chân thì thường là do bệnh lý. Chẳng hạn, ở khớp gối đó là hội chứng bánh chè đùi gây đau ở mặt trước đầu gối. Ở khớp háng có thể là di chứng của tình trạng hoại tử chỏm xương đùi. Chúng tôi em của bạn nên đến bác sĩ chấn thương chỉnh hình để được khám thật kỹ chỗ đau và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán.
- Cách đây 2 năm do bưng bê nặng nên cháu bị đau ở cổ tay, đi khám chẩn đoán là viêm khớp cổ tay. Cháu đã uống thuốc theo đơn nhưng vẫn không khỏi mà phải tiêm thuốc mobic và diprospan 2 lần, mỗi lần một ống mỗi loại, đến gặp bác sĩ thì bảo là tiêm cái này không khỏi hẳn được. Sau đấy thì cháu do nâng nặng nên lại bị đau và tiêm. Đi mua thuốc dược sĩ bảo THUỐC NÀY CHỈ GIẢM ĐAU mà KHÔNG KHỎI HẲN ĐƯỢC. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu làm sao để khỏi dứt điểm được và nếu chữa thì uống hay tiêm thuốc nào, liều lượng ra sao?Xin cảm ơn bác sĩ. (Nguyen Xuan Nam, 22 tuổi)
- Câu hỏi của bạn rất hay. Chúng tôi nghĩ rằng bạn không bị viêm khớp cổ tay mà có thể bạn đã bị rách phức hợp sụn sợi tam giác ở cổ tay. Chức năng của phức hợp này giúp khớp cổ tay tiếp xúc với 2 xương cẳng tay và giúp cử động khớp cổ tay nhẹ nhàng. Tuy nhiên khi nó bị rách sẽ làm cho bạn bị đau, khi bạn sấp hay ngửa cổ tay quá mức. Ở đây khám và chụp MRI cổ tay sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác. Nếu thực sự bạn bị tình trạng này, bác sĩ có thể dùng nội soi cổ tay để sửa chữa vết rách đó.
- Con gái tôi năm nay 6 tuổi, 3 tháng nay, cháu hay kêu đau nhức chân từ đùi trở xuống, đau âm ỉ, có lúc thì đau cả đầu, đau cả các ngón tay. Cháu có biểu hiện đau trong một lúc rồi lại hết, rồi lại đau lại. Tần suất xuất hiện vài lần trong ngày hoặc vài ngày lại bị một lần. Vậy bệnh của con tôi là gì? Cảm ơn bác sĩ. (Nguyen Thu Ha, 34 tuổi, quận 2, TP HCM)
- Tình trạng đau các khớp ở trẻ hiếu động là việc hay xảy ra. Thông thường cơn đau chỉ xảy ra khi trẻ ngồi yên hoặc ban đêm. Đôi khi trẻ bắt bố mẹ phải bóp chân bóp tay. Mặt khác các khớp không có biểu hiện sưng hay hạn chế vận động, trẻ vẫn chạy nhảy, chơi đùa bình thường. Người ta cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của xương ở những trẻ hiếu động là nguyên nhân gây ra cơn đau này. Nó hay được gọi dưới cái tên mỹ miều là đau tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu các khớp của cháu có sưng, đau và hạn chế vận động thì bạn nên đưa bé đi khám, làm các xét nghiệm để xem có sự khác biệt thật sự ở khớp hay không.
- Vợ tôi 30 tuổi, bị đau nhức dữ dội, nhất là vào ban đêm, đi khám và chụp phim thì bác sĩ cho biết bị thoái hóa 3 đốt sống cổ, nhiều đốt sống lưng, viêm khớp cùng chậu. Bác sĩ đã kê đơn uống nhưng chỉ đỡ một thời gian. Hiện nay vợ tôi rất đau đớn, đêm không ngủ được, thường bắt tôi đứng lên người để dận cho đỡ đau. Xin hỏi bác sĩ trường hợp của vợ tôi phải làm thế nào? (Vũ Văn Thủy, 30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Ở độ tuổi 30 thường ít khi người ta bị thoái hóa khớp nặng tới mức như vợ bạn, ngoại trừ bị mắc phải một bệnh khớp nào đó chẳng hạn viêm đa khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp... Trong trường hợp này vợ của bạn nên làm các xét nghiệm và chẩn đoán các bệnh lý về khớp để từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Bạn có thể liên hệ với các bệnh viện có khoa nội cơ xương khớp ở Hà Nội để đưa vợ đi khám bệnh.
- Thưa bác sĩ, tôi bị vôi bám vào dây chằng cổ, hiện nay tay phải bị tê mất cảm giác. Tôi đã đi bấm huyệt châm cứu nhiều nơi nhưng không khỏi. Liệu có phương pháp nào khác không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Bùi Anh Tuân, 50 tuổi, phố Hà Trung, Hoàn Kiếm Hà Nội)
- Tình trạng mà bạn mô tả có thể là bệnh lý vôi hóa các dây chằng dọc sau hay dâu chằng vàng ở cột sống cổ. Tình trạng vôi hóa gây ra hẹp ống sóng cổ, chèn ép tủy sống hay các rễ thần kinh ở cổ làm cho tay bị tê và mất cảm giác. Việc khám, đo điện cơ và chụp MRI cột sống cổ sẽ giúp xác định chính xác tổn thương, đồng thời cân nhắc việc phẫu thuật giải áp cột sống cổ.
Bạn nên đi khám ở các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hay ngoại thần kinh để có hướng điều trị thích hợp.
- Tôi mới tham gia hội thao bóng đá của ngành về (tôi chơi vai trò thủ môn chính của đội). Cách đây khoảng một tháng, cổ tay phải của tôi không biết bị sao cứ nắm tay lại và xoay vòng tròn, gập lên và gập xuống thì đau, nếu nắm tay trái vào cổ tay phải và ấn ngón giữa tay phải vào phần nhô lên của cổ tay trái xoay đi xoay lại rất đau. Xin bác sĩ cho biết tôi đã bị chứng bệnh gì? (Nguyễn Đức Nguyệt, 32 tuổi, Tuyên Quang)
- Theo như bạn mô tả thì tôi nghĩ bạn đã bắt một quả banh do đối phương sút quá mạnh làm gãy xương thuyền ở cổ tay. Đây là loại chấn thương thường gặp ở các thủ môn hoặc do tư thế té chống tay xuống đất. Tuy nhiên do xương thuyền gãy không gây đau nhiều cho nên nó hay bị bỏ qua. Bạn nên đi khám ở bác sĩ chấn thương chỉnh hình và chụp X-Quang ở tư thế đặc biệt hay chụp CT Scanner cổ tay để xác định có bị gãy xương thuyền hay không. Nếu xương thuyền bị gãy thì nhiều khả năng phải mổ kết xương và đôi khi phải ghép xương vì xương này rất khó lành.
- Thưa bác sĩ tôi chơi thể thao và hay bị chấn thương cơ. Theo lời bạn bè giới thiệu tôi mua loại gel nóng để thoa, ban đầu thì cảm giác nóng át cảm giác đau nhưng sau đó vết thương sưng nhiều hơn. Đến nhà thuốc tôi lại được giới thiệu gel lạnh. Vậy xin bác sĩ cho tôi lời khuyên nên sủ dụng dạng nào? (Lê Quốc Việt, 33 tuổi, Quận Ba Đình, Hà Nội)
- Khi bạn bị chấn thương cấp tính hay bị bong gân cấp, một số mạch máu sẽ bị vỡ ra gây chảy máu, khiến vùng chấn thương sưng, bầm và đau. Nếu bạn dùng các loại gel nóng sẽ làm tăng nhiệt độ vùng bị chấn thương, làm giãn mạch máu, khiến máu chảy nhiều hơn mặc dù bạn có cảm giác dễ chịu. Kết quả là vùng chấn thương sưng to tướng. Trong trường hợp này, có một biện pháp điều trị tốt nhất đó là chườm lạnh, băng thun ép, nghỉ ngơi và kê cao chi bị chấn thương. Gel lạnh là một loại thuốc kháng viêm giảm đau dạng hơi, bốc hơi nhanh, làm giảm nhiệt độ tại vùng chấn thương. Về lý thuyết, có thể áp dụng loại gel lạnh với ba biện pháp còn lại. Tuy nhiên, chúng ta hay sai lầm là dùng loại gel này lại xoa bóp mạnh sẽ khiến các mạch máu bị vỡ ra và lại gây tình trạng sưng, đau, bầm. Bạn có thể sử dụng gel lạnh nhưng không nên xoa bóp, băng thun ép, nghỉ ngơi và kê chi cao.
- Tôi năm nay 42 tuổi, thời gian gần đây khớp hàm tôi có vấn đề, nhai khó khăn và mỗi khi há miệng thì nghe tiếng lụp cụp. Xin cho biết vì sao? Cách giải quyết? Để lâu có ảnh hưởng gì không? (Nguyễn Thị Uyên, 42 tuổi, Phú Mỹ Hưng)
- Theo bạn mô tả, tôi nghĩ bạn có vấn đề với khớp thái dương hàm. Đây là khớp giữa xương hàm dưới và xương thái dương. Mỗi khi nhai hay há miệng, các bệnh nhân của chúng tôi cũng thường hay nghe tiếng lụp cụp và đau như bạn. Đây là vấn đề thuộc về răng hàm mặt, vì thế bạn nên đi khám ở các bác sĩ về răng hàm mặt (ở đây đã có vấn đề về khớp, có thể là một tình trạng thoái hóa khớp).
Bác sĩ khuyên: "Cách tốt nhất để không bị đau khớp là nên giữ ấm cơ thể và luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe". Ảnh: Thiên Chương |
- Chào bác sĩ, tôi 31 tuổi, chơi tạ và chơi rất nhẹ, tuy nhiên có thói quen duỗi tay. Một lần tôi duỗi mạnh quá và bị đau, sưng một ít ở khuỷu tay. Tuy nhiên hiện tay tôi không co lại được như trước nữa. Phần khuỷu tay từ cùi chỏ đến bàn tay và từ cùi chỏ đến vai chỉ co được vuông góc chứ không co vào nhiều hơn được. Xin bác sĩ vui lòng tư vấn giúp tôi chữa trị như thế nào, ở đâu và chi phí ra sao. Xin cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Phúc Thịnh, 31 tuổi, Nguyễn Thị Định quận 2, TP HCM)
- Theo bạn mô tả, chúng tôi nghĩ bạn đã bị hạn chế gấp khuỷu sau chấn thương do duỗi khuỷu đột ngột. Khớp khuỷu là khớp rất dễ bị cứng sau khi bị chấn thương. Thông thường khi bị chấn thương người ta có xu hướng không cử động khớp khuỷu trong thời gian dài để giảm đau nhưng điều này khiến cho khuỷu dễ bị cứng hơn. Việc tập vật lý trị liệu phục hồi lại hoạt động của khuỷu đôi khi đem lại kết quả tốt nhưng đôi khi không thành công. Chúng tôi có thể sử dụng phương pháp nội soi khớp khuỷu để giải phóng giúp cho khuỷu gập và duỗi được tối đa. Chi phí cho một ca nội soi khớp khuỷu ở bệnh viện công khoảng 10 triệu đồng. Bạn có thể liên hệ với các bệnh viện có thể nội soi khớp khuỷu để thực hiện phẫu thuật này.
- Tôi bị giãn dây chằng của cánh tay phải đã 7 năm rồi, đã chữa nhiều nơi nhưng hiện giờ tay vẫn bị mỏi và thường đau nhói từ cổ xuống phần cơ thang, chạy xe cầm tay lái khoảng 20 phút là bàn tay tê buốt. Bế em bé là tay mỏi kinh khủng. Xin hỏi bác sĩ có cách nào để chữa trị không? (Trần Thị Lan Phượng, 36 tuổi, cao ốc A Ngô gia Tự, Phường 3, Quận 10)
- Chúng tôi không biết bạn đã được bệnh viện nào chẩn đoán giãn dây chằng. Tuy nhiên triệu chứng mà bạn đã mô tả ở đây có vẻ phù hợp với hội chứng ống cổ tay hơn. Bệnh nhân của chúng tôi cũng thường hay than tê buốt từ ngón 1đến 4 khi chạy xe gắn máy hoặc giặt đồ hoặc khi gập, duỗi cổ tay quá mức, đôi khi xuất hiện tình trạng tê mỏi lan lên đến tận cánh tay. Đo điện cơ sẽ giúp xác định bạn có bị hội chứng này hay không. Vì thế bạn nên đi khám ở bác sĩ chấn thương chỉnh hình để được đo điện cơ và sẽ có biện pháp điều trị uống thuốc hoặc phẫu thuật.
- Xin chào bác sĩ, tôi 45 tuổi bị ung thư vú đã điều trị được hơn hai năm rồi, hiện nay tôi đang dùng thuốc uống loại 1 viên hàng ngày, trong công dụng phụ của thuốc có nêu là loãng xương khô khớp. Hiện tại tôi thấy mỗi sáng thức dậy bàn tay cứng khó nắm chặt lại. Xin hỏi tôi phải làm sao? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Thị Xuân Mai, 45 tuổi, Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội)
- Theo bạn mô tả, chúng tôi nghĩ bạn có thể bị tình trạng thoái hóa khớp bàn ngón tay. Triệu chứng của bệnh này như sau: buổi sáng hay buổi trưa, khi ngủ dậy, bệnh nhân hay than phiền khó nắm chặt các ngón tay nhưng tình trạng này kéo dài không lâu và khi xoa bóp hoặc làm việc các ngón tay cử động bình thường. Chúng tôi hay gọi bệnh này là bệnh làm siêng vì bệnh nhân cứ phải hoạt động bàn ngón tay liên tục nếu không lại bị cứng.
Bác nên đi khám ở bệnh viện có khoa chấn thương chỉnh hình để được điều trị bằng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, thoái hóa khớp, bảo vệ sụn, tạo chất nhờn...
- Xin chào bác sĩ! Em là sinh viên, em bị đau cột sống đã mấy năm rồi. Em đã đi khám và các bác sĩ bảo bị gai đôi S1. Vậy bệnh của em có thể chữa được không và có ảnh hưởng gì đến sau này không ạ? (Trần Đăng Thung, 25 tuổi, Đại học Nha Trang)
- Trước hết xin trả lời bạn, gai đôi cột sống là một tật bẩm sinh. Bệnh này không nhất thiết gây ra đau lưng. Tình trạng đau của bạn có thể là do ngồi nhiều, thiếu vận động và thiếu luyện tập thể dục mà sinh viên thì thường tiêu tốn nhiều thời gian ngồi lâu trước màn hình vi tính.
Tình trạng này hoàn toàn có thể chữa trị bằng việc uống thuốc, tập thể dục và vệ sinh cột sống (nghĩa là tránh các tư thế gây đau lưng như: ngồi khom lưng, ngồi lâu, ngồi xổm hoặc cúi khom người...). Người ta biết rằng đĩa đệm cột sống khi nằm chịu một lực tác động là 25 kg, khi đứng lực đó là 75 kg, khi ngồi 250 kg và khi khom người về phía trước là 350 kg. Từ đó chắc bạn sẽ suy ra được tư thế nào là có hại cho cột sống mà hạn chế.
- Bố em bị đau khớp từ khá lâu rồi, cứ ăn các chất đạm hoặc làm việc nặng là chân lại sưng vù lên, không đi được. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em xem cần phải kiêng như thế nào và liệu có loại thuốc nào để chữa trị dứt điểm không ah? (Vũ Tuyến, 30 tuổi, Hà Nội)
- Theo bạn mô tả thì bác có thể bị gút. Đây là tình trạng dư axit uric trong máu mà nguyên nhân là do cung cấp quá nhiều chất đạm hoặc cơ thể thải ra quá ít. Bệnh này có đặc điểm đau xuất hiện sau một bữa tiệc linh đình có bia rượu. Cơn đau xuất hiện vào ban đêm. 2/3 các trường hợp bắt đầu bằng đau ở ngón cái. Cơn đau có thể xuất hiện ở tất cả các khớp vì tinh thể axit uric sẽ lắng tụ trong khớp, gây ra tình trạng viêm khớp. Đôi khi tình trạng viêm khớp nặng xảy ra bất kỳ khi bệnh nhân hoạt động quá mức như khiêng nặng. Lúc đó cần dùng biện pháp nội soi để rửa sạch khớp và cắt màng bao khớp. Ngoài ra axit uric có thể lắng tụ ở dưới da, gân gây ra các cục tophi. Bệnh này được điều trị bằng cách giảm đau, tăng thải axit uric và hạn chế cung cấp đạm. Do vậy cần kiêng các thức ăn quá nhiều đạm như hải sản, các loại lòng và gan động vật, bia rượu... Rất tiếc bệnh này không thể điều trị dứt điểm nhưng nếu kiểm soát tốt nồng độ axit uric trong máu thì người bệnh gần như bình thường.
- Tôi là giáo viên, trước đây tôi thường đứng nhiều hơn ngồi, thời gian gần đây thì ngồi nhiều (8h một ngày) và cảm thấy nóng phần lưng, đau 2 bên hông. Tôi đã chụp XQ không thấy có biểu hiện của thoái hóa cột sống. Xin hỏi có phải do tôi ngồi nhiều nên bị như vậy? (mới đây tôi chuyển dùng ghế cứng thì đỡ đau hơn). (Nguyen Van Hung, 30 tuổi, Ha Noi)
- Nếu bạn theo dõi từ đầu chương trình này, bạn sẽ thấy cả hai tư thế đứng hay ngồi quá lâu đều không tốt cho cột sống vì áp lực tăng lên đĩa đệm rất nhiều. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng, nhất là tình trạng đau thắt lưng thấp và lan ra 2 bên. Để tránh tình trạng này, khi ngồi từ 30 đến 60 phút, bạn nên đứng dậy vận động hoặc tập tại chỗ cho cột sống như tôi đã đề cập ở những câu trả lời trước.
- Tôi có mua cho con tôi tập máy kéo dãn phát triển chiều cao, hè vừa rồi cao rất nhanh, không biết liệu kéo dãn như vậy có nguy hại gì không, loại máy kéo dãn này thấy cũng giống treo người lên xà đơn, nhưng không biết về lâu dài thì có ảnh hưởng cơ xương không (Duy Mạnh, Hàm Nghi, quận 1, HCM)
- Chúng tôi nghĩ con bạn đang trong giai đoạn phát triển nên bạn có cảm giác cháu cao nhanh. Thật ra không có một máy nào có thể làm cho người ta cao lên vì nếu có chiếc máy thần kỳ này thì các nước đã không cần đầu tư chương trình uống sữa cho các cháu.
Việc phát triển chiều cao phụ thuộc vào yếu tố di truyền, ăn uống và thể thao. Các loại máy kéo giãn chưa biết có những tác hại lâu dài, do vậy việc dùng liên tục và kéo dài là điều không nên.
- Tôi bị giãn dây chằng đầu gối do chơi thể thao. Giờ chạy thẳng vẫn bình thường nhưng nếu chạy bị vặn thì lại bị chệch khớp gối? Tôi muốn hỏi phải làm gì để có thể được kết quả tốt nhất nếu vẫn muốn chơi thể thao. Cảm ơn anh (Nguyen Nam Khanh, 32 tuổi, 35 Trinh Phong - Nha Trang)
- Theo bạn mô tả thì bạn đã bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối. Bạn vẫn chạy bình thường nhưng nếu xoay người, leo cầu thang hoặc nhảy từ trên cao xuống bạn sẽ bị sụm té. Nguyên do là mâm chày bị bán trật ra trước do dây chằng đã bị đứt. Trong trường hợp bạn vẫn muốn chơi thể thao và ở độ tuổi như bạn, tôi khuyên bạn nên đi mổ tái tạo lại dây chằng chéo trước.
- Thưa bác sĩ, vợ tôi bị thấp khớp từ nhỏ, phải tiêm thuốc điều trị tới năm 16 tuổi, hiện nay vẫn đau những ngày trái gió trở trời. Phải làm gì để hạn chế bệnh. Chúng tôi muốn sinh con thì có ảnh hưởng di truyền tới trẻ sinh ra hay không? (Lê Ngọc Sơn, 38 tuổi, Dương Văn An, Huế)
- Rất tiếc là anh không cho chúng tôi biết vợ anh bị bệnh thấp khớp gì. Viêm khớp dạng thấp? Viêm cột sống dính khớp hay bị thấp khớp cấp hoặc chỉ là tình trạng đau các khớp theo thời tiết? Thông thường các bệnh lý về khớp ít khi di truyền mặc dù người ta nghĩ rằng có một số bệnh lý về khớp có nguyên nhân do gen. Do vậy anh và chị cứ an tâm có con.
- Xin chào bác sĩ! Xin cho biết làm thế nào để khớp gối luôn trơn và hoạt động tốt? (Nguyen Khac Dung, 34 tuổi, Hà Nội)
- Chúng ta biết rằng tế bào sụn khớp sống được là nhờ chất dinh dưỡng trong dịch khớp. Mỗi khi khớp cử động, sụn khớp sẽ hút dịch khớp và nhả ra như miếng bọt biển. Dịch khớp khi lưu thông như vậy sẽ đem chất dinh dưỡng đến nuôi tế bào sụn.
Khớp sinh ra là để vận động, vận động lại nuôi dưỡng khớp. Nên muốn cho khớp hoạt động trơn và tốt, bạn nên vận động thường xuyên. Người ta đã làm một thí nghiệm bất động khớp gối trong một thời gian dài. Sau đó xem lại sụn khớp thì thấy các tế bào sụn bị chết dần. Như vậy có thể nói rằng sự vận động thường xuyên sẽ giúp cho khớp gối luôn trơn và hoạt động tốt.
Tóm lại phàm cái gì ở đời cũng có 2 mặt tốt và xấu, bên cạnh những người lười vận động thì một số khác vì quá sợ khớp gối bị hư nên nghĩ vận động càng nhiều càng tốt (dù cho khớp gối đã cảnh báo bằng những cơn đau) khiến cho khớp mau bị hư. Điều này được ví như chiếc xe "trùm mền" cũng mau hư mà chạy nhiều quá cũng mau hư. Ngược lại vừa chạy vừa bảo dưỡng thì xe sẽ chạy tốt và bền hơn.
- Cháu 23 tuổi, một số khớp xương khi cử động có phát ra tiếng kêu, như ở khớp gối, cổ chân. Sáng ra khi vặn người thì có tiếng răng rắc. Thi thoảng cháu cũng bị nhức ở đầu gối khi thay đổi thời tiết. Cháu đã cố gắng tập thể thao nhưng chỉ đỡ được một chút. Mong bác sĩ tư vấn giúp xem cháu có bị bệnh về khớp không, và cách khắc phục như thế nào. Xin cảm ơn bác sĩ! (Đặng Hồng Việt, 23 tuổi, Thái Hà, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội)
- Bình thường một số khớp khi cử động vẫn phát ra tiếng kêu và không gây đau. Người ta lý giải là do có thể bao khớp bị giãn đột ngột. Trường hợp của bạn bị đau nhức gối khi thay đổi thời tiết, nhất là trời lạnh, chúng tôi cho rằng không liên quan gì đến tình trạng kêu của khớp. Cách tốt nhất để bạn không bị đau khớp là nên giữ ấm cơ thể và luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe.
Tóm lại, cơ xương khớp thuộc hệ vận động nên để cơ xương khớp hoạt động tốt chúng ta cần vận động nhiều hơn, nhất là những người làm công tác văn phòng, sinh viên.
Hệ cơ xương khớp cũng có rất nhiều bệnh khác nhau từ chấn thương cho đến các bệnh lý thật sự mà thường hay được gộp chung trong một nhóm bệnh gọi là thấp. Tuy nhiên để xác định rõ ràng bệnh cần làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
Các thuốc hiện tại hay dùng cho nhóm bệnh này là các loại kháng viêm, giảm đau dưới dạng uống kết hợp với dạng thoa. Mỗi loại đều có ưu khuyết điểm khác nhau và các bác sĩ của bạn sẽ hướng dẫn cách dùng.
Thái độ tốt nhất của chúng ta khi mắc các bệnh cơ xương khớp là không nên bối rối hay lo lắng quá mức. Hãy để cho các bác sĩ của bạn lo lắng và bối rối giùm bạn. Khi đó các bạn sẽ thấy cuộc đời vẫn đẹp sao. Trăm năm Kiều vẫn là Kiều. Đau cơ xương khớp là điều tất nhiên!
Vì thời gian có hạn, dù còn rất nhiều câu hỏi nhưng chúng tôi xin tạm dừng tại đây. Xin hẹn độc giả một dịp khác. Chúc các bạn luôn vui và khỏe!
Đời Sống - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét