người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Con đường trở thành người giàu nhất nước Nhật của Masayoshi Son

Ông Masayoshi Son hiện đang đứng thứ 113 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của Forbes năm 2011. Ông giàu nhất Nhật và được bình chọn là người có quyền lực lớn thứ 55 trên thế giới.

Năm nay công ty Internet và viễn thông SoftBank kỷ niệm 30 năm thành lập. Công ty của ông sở hữu một trong 3 mạng viễn thông không dây lớn nhất tại Nhật thông qua thâu tóm Vodafone Nhật vào năm 2006, đây cũng là công ty viễn thông duy nhất giành được quyền phân phối iPhone tại Nhật.


Hoạt động phân phối, kinh doanh điện thoại thông minh tại Nhật phát triển mạnh, tăng trưởng tới 34% trong năm qua.



Công ty Softbank của ông hiện đang nắm cổ phần lớn tại Yahoo Nhật, website thương mại trực tuyến alibaba.com của Trung Quốc cũng như 40% cổ phần tại mạng xã hội Renren lớn nhất Trung Quốc.

Khởi đầu khó khăn


Masayoshi Son sinh ra ngày 11/08/1957 tại Tosu, tỉnh Saga của Nhật. Ông là một người Nhật gốc Triều Tiên.


Ông được coi như người giàu nhất Nhật tuy nhiên cũng bị cho là người mất nhiều tiền nhất trong lịch sử (ông mất khoảng 70 tỷ USD trong bong bóng dotcom năm 2000).


Là công dân thế hệ thứ 3 của người Hàn – Triều Tiên tại Nhật, người thanh niên trẻ đã không được coi là công dân Nhật cho đến khi gia đình ông lấy tên họ Yasumoto.


Gia đình của ông nhập cư trái phép đến thành phố Tosu của Nhật làm nghề kinh doanh gia súc và nhanh chóng phát đạt. Khi còn học tại Nhật, anh thường bị chế giễu vì gốc gác nhập cư lậu.


Anh Son theo đuổi sự đam mê trong kinh doanh với việc gặp gỡ chủ tịch của McDonald tại Nhật. Nghe theo lời khuyên của ông này, anh đã học tiếng Anh và môn khoa học máy tính.


Ở tuổi 16, anh Son chuyển đến bang California và hoàn thành bậc trung học, khi đó anh sống cùng với bạn bè và gia đình tại Nam San Francisco. Anh theo học đại học University of California tại Berkeley, ngành kinh tế và khoa học máy tính.


Từ cảm hứng về bức ảnh microchip mà anh nhìn thấy trên tạp chí của Mỹ, anh tin vào tương lai phát triển của microchip. Ở tuổi 19, anh đã tin rằng công nghệ máy tính sẽ mang đến cuộc cách mạng tiếp theo.


Với niềm tin rằng bất kỳ cái gì liên quan đến microchip đều mang lại một gia tài, anh Son quyết định mình phải tự đưa ra được ít nhất một ý tưởng kinh doanh mỗi ngày. Anh đã phát triển ra một thiết bị dịch thuật mà cuối cùng bán cho Sharp Electronics với giá 1 triệu USD.


Không ngừng cố gắng và thành công


Năm 1981, ông thành lập Softbank, ban đầu là công ty phân phối phần mềm nhưng sau đó đã trở thành công cụ để thâu tóm các công ty công nghệ thông tin Mỹ thâm nhập vào thị trường Nhật. Việc mua 40% cổ phần của Yahoo Nhật và một số công ty công nghệ khác minh chứng quan trọng cho việc này.


Văn phòng đầu tiên của Softbank chỉ có duy nhất 2 nhân viên và nằm trong khu phố nhỏ hẹp tại Tokyo. Ngay từ ban đầu, ông đã đặt mục tiêu đầy tham vọng: đứng số 1 tại Nhật về cung cấp phần mềm. 2 nhân viên nghĩ ông bị điên và lập tức xin nghỉ việc.


Những ngày ban đầu của Softbank không mấy suôn sẻ bởi các ngân hàng Nhật rất bảo thủ và không coi trọng doanh nghiệp tư nhân.


Ông mạnh dạn thuê khu vực triển lãm diện tích lớn nhất tại Hội chợ Hàng điện tử Gia dụng Tokyo để cho 12 công ty phân phối sản phẩm trưng bày miễn phí.


Cơ hội đến với ông khi Joshin Denki, công ty bán lẻ máy tính lớn nhất của Nhật, dành cho ông một hợp đồng. Ông đã thuyết phục hãng để Softbank phân phối độc quyền phần mềm.


Chỉ sau 1 năm hoạt động, doanh thu của Softbank tăng từ 10.000USD/tháng lên 2,3 triệu USD/tháng.


Năm 1995, ông thành lập Softbank Technology Ventures với tham vọng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty công nghệ cao tren thế giới.


Cuối thập niên 1990, ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới khi giá trị thị trường của Softbank lên tới 180 tỷ USD và ông nắm giữ 53% cổ phần.


Khi bong bóng dotcom xảy ra, ông mất tới 70 tỷ USD; 98% giá trị thị trường của Softbank bị thổi bay cùng với tài sản của ông. Tài sản của ông còn lại vỏn vẹn 1 tỷ USD vào năm 2003. Người ta nói ông sẽ phá sản.


Thị trường hồi phục, cổ phiếu của ông lại lên giá. Ông tấn công vào lĩnh vực điện thoại Internet với cam kết sẽ phục vụ người tiêu dùng điện thoại số xem tivi.


Với quan điểm không bao giờ bỏ cuộc, ông lại đưa Softbank lên vị trí hãng viễn thông lớn thứ 3 tại Nhật.



Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Saga) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét