Đến với du lịch chỉ để kiếm tiền trang trải học phí khi còn học ở Trường Đại học Y Hà Nội, tạo dựng Buffalo Tours và sau đó là Công ty Thiên Minh, cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua sau thương vụ M&A trị giá hơn 45 triệu USD với hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria, vậy mà ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh, vẫn không nghĩ mình có duyên với ngành du lịch...
Khó khăn nhiều, đầu tư cao
- Thiên Minh đã có ý định và thể hiện quyết tâm mua lại Victoria từ năm 2009, khi đơn vị này tiết lộ muốn bán lại hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do có một số trục trặc nên mãi đến nay thương vụ này mới hoàn tất.
Mất ba năm cho một thương vụ cũng là khá lãng phí thời gian nhưng tôi nghĩ, giá trị của Victoria xứng đáng để Thiên Minh kiên trì theo đuổi. Tiếp nhận Victoria không chỉ mang đến cho tôi sự hứng thú, mà còn là thử thách.
* Thử thách theo ông có phải là thương vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro?
- Trên thực tế, chuỗi năm khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Victoria đã và đang kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, tám năm qua, không phải do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế mà chủ đầu tư của Victoria là EEM Hồng Kông đã không đầu tư mở rộng Victoria.
Tôi nghĩ, có lẽ vì lý do cá nhân nhiều hơn và khủng hoảng kinh tế chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly khiến chủ đầu tư quyết định bán hệ thống khách sạn đang chiếm lĩnh những vị trí đắc địa, thu hút được rất nhiều du khách này.
Tôi đánh giá việc mua lại Victoria không mang đến rủi ro, trái lại còn là một bước tiến dài của Thiên Minh. Bước vào giai đoạn mới đương nhiên phải gặp thử thách, chẳng có con đường bằng phẳng dành cho doanh nhân đâu!
* Thuộc về Thiên Minh, hoạt động của Victoria có thay đổi gì không, thưa ông?
- Trong hai hoặc ba năm tới, Thiên Minh sẽ mở rộng hệ thống Victoria không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Victoria sẽ phát triển hơn nhiều nếu có thêm độ chừng ba khách sạn nữa.
Ở Campuchia, Victoria đã có một khách sạn nghỉ dưỡng khá đẹp, hiện Thiên Minh đang đầu tư xây dựng một khách sạn lớn ở Lào. Đây sẽ là bàn đạp để phát triển hệ thống khách sạn của Thiên Minh sang những địa bàn chúng tôi đang khai thác du lịch.
* Năm 2010, du lịch Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước thuộc khối ASEAN về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ tư về tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian gần đây, không thể nói doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi. Mua lại một hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn của nước ngoài, lại đặt ra kế hoạch phát triển đầu tư cũng lớn, liệu Thiên Minh có đủ nội lực để thực hiện?
- Thị trường du lịch đang “ấm” dần lên. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, tốc độ phát triển của Thiên Minh đã đạt 19%. Nói vậy không có nghĩa là tôi quá lạc quan. Những bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các ngành.
Nhưng quan điểm kinh doanh của tôi rất khác biệt: lúc khó khăn mới phải đầu tư nhiều nhất. Tôi thành lập Buffalo chi nhánh Thái Lan đúng lúc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quốc gia này. Khi đó, du khách sợ, không dám đến Thái Lan, du lịch tại đây bị ảnh hưởng trầm trọng. Vậy mà đến 2010, Buffalo Thái Lan đã có lãi.
Kinh doanh trong môi trường toàn cầu như hiện nay, hơn nhau ở nội lực tài chính không còn giữ vai trò quyết định, mà chiến lược và định hướng mới quan trọng.
Đi qua cửa hẹp
* Vậy Thiên Minh có chiến lược gì để có thể qua mặt đối thủ?
- Từ khi thành lập Buffalo Tours cho đến Thiên Minh với doanh thu 800 tỷ đồng năm 2010 và 2.000 nhân viên như hiện nay là cả một hành trình và dấu ấn của hành trình đó là sự khác biệt.
Tôi không thích đi theo những con đường đã có. Khi thị trường du lịch chưa có dịch vụ tour mạo hiểm và khám phá, tôi xây dựng thương hiệu Buffalo Tours chuyên phục vụ mảng thị trường này.
Tôi phát triển loại hình du lịch đi bộ dã ngoại (trekking) ở khu vực Mai Châu và du lịch trên biển bằng thuyền gỗ kayak tại Hạ Long. Sự đón nhận của thị trường chứng minh tôi đã đi đúng hướng. Mỗi năm chúng tôi phục vụ hơn 80.000 du khách quốc tế đến Việt Nam, đa số chọn du lịch mạo hiểm dài ngày.
* Bây giờ, nhiều đơn vị lữ hành đã triển khai du lịch mạo hiểm. Vậy ông đã có “chiêu thức” nào mới để phục vụ du khách trong thời gian tới chưa?
- Chúng tôi đang triển khai hình thức kinh doanh du lịch qua website. Một công ty con của Thiên Minh sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Hy vọng, với sự phổ biến của internet như hiện nay, hình thức này sẽ hỗ trợ thêm cho sự phát triển của Thiên Minh.
Trong giai đoạn khó khăn này, Thiên Minh sẽ không đầu tư dàn trải, mà chỉ tập trung vào khu vực tăng trưởng nhanh của thị trường.
* Hình như trước đây Thiên Minh đã từng thất bại với hình thức kinh doanh này?
- Chúng tôi ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh du lịch khá sớm, từ năm 2006, dưới hình thức một trang web nhận đặt vé máy bay, khách sạn và các gói tour du lịch.
Do triển khai quá sớm, lúc đó internet chưa phổ biến và người Việt vẫn có thói quen dùng tiền mặt nên dịch vụ này hoạt động không hiệu quả.
Nhưng hiện nay tình hình đã rất khác, rất nhiều người Việt xem sử dụng internet là nhu cầu không thể thiếu và đây chính là môi trường thuận lợi để kinh doanh du lịch trực tuyến.
* Vừa cung cấp dịch vụ lữ hành, vừa kinh doanh khách sạn, dịch vụ vận tải cũng như chuỗi đại lý du lịch khắp Đông Nam Á, nhìn vào sơ đồ tổ chức của Thiên Minh, người ta dễ có cảm giác ông làm nhiều thứ quá?
Mở rộng hợp tác với các thị trường du lịch quốc tế |
Chúng tôi hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd, một công ty điều hành tour hàng đầu của Úc, để thành lập Công ty Du lịch Intrepid, mở rộng hoạt động du lịch tại Đông Nam Á. Sau đó xây dựng các khách sạn Mai Châu Lodge, Xieng Thong Palace (Lào)..., bước tiếp theo nữa là mua lại Chợ Lớn Tour...
Thiên Minh hoạt động từng bước, theo sự lớn mạnh của nhu cầu thị trường. Thị trường có nhu cầu mà mình cứ co cụm là thiếu tự tin và tự mình đánh mất cơ hội. Bất cứ doanh nhân nào cũng đều sẽ làm như tôi khi nhìn thấy cơ hội.
Vấn đề không phải là mở rộng bao nhiêu, mà là quản lý những thứ mình mở ra như thế nào. Chưa kể phía sau Trần Trọng Kiên còn là 2.000 người đang miệt mài làm việc. Nhiệt huyết của nhân viên đã cho tôi sức mạnh để đương đầu với những thử thách của thương trường.
Lạc quan có cơ sở
* Ông bảo không thích đi theo những con đường đã có, nhưng ông lại mua lại những công ty đang hoạt động như Chợ Lớn Tour, Victoria. Liệu như vậy có mâu thuẫn?
- Mua bán, sáp nhập trong bối cảnh kinh tế hiện giờ là xu hướng tất yếu. Đây chính là cơ hội dành cho những doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô và giải quyết luôn bài toán doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Rồi sẽ đến lúc Việt Nam có những tập đoàn lớn, đủ sức vươn tầm hoạt động ra thế giới. Thiên Minh đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mua bán, sáp nhập thêm. Tôi có cách điều hành riêng nên chẳng sợ sẽ đi lại con đường đã có người mở lối.
* Nói như vậy có nghĩa là Thiên Minh đang trên hành trình “tích tiểu thành đại”?
- Không gói gọn trong phạm vi các nước Đông Nam Á, Buffalo Tours là thương hiệu lữ hành duy nhất của Việt Nam có văn phòng tại Úc, Anh, Mỹ. Chúng tôi muốn tiếp thị trực tiếp đến khách hàng bản địa.
Mục tiêu phát triển của Thiên Minh là toàn cầu hóa và chúng tôi đang cố gắng hết sức để có thể đạt được mục tiêu này. Hiện vốn điều lệ của Thiên Minh chỉ là 500 tỷ đồng, nhưng tôi lại có thuận lợi là được các tổ chức tài chính ủng hộ. Việc mua lại Victoria cũng nhờ IFC hỗ trợ.
* Nhiều khát khao như thế, có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi?
- Cuộc sống có những gam màu nóng, nhưng cũng không thiếu gam màu lạnh. Tôi luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với sóng gió! Ngay cả khi lâm vào tình huống bất lợi nhất, tôi vẫn bình tĩnh tìm giải pháp.
Ví dụ, thị trường bão hòa thì tạo nhu cầu cho khách hàng, tìm lợi thế cạnh tranh cho mình. Đôi khi tôi cũng phải liều mình và không tránh khỏi va vấp, nhưng tôi luôn nghĩ, phải thử mới biết sức mình đến đâu. Không thử thì không có cơ hội nào để thắng!
* Có bao giờ ông tưởng tượng mình trở lại là một bác sĩ, không dính dáng gì đến du lịch?
- Cuộc sống khiến tôi phải lựa chọn và khi đã lựa chọn rồi, ít khi tôi cảm thấy hối tiếc. Như chuyện Tái ông mất ngựa, tôi luôn nhìn thấy những mặt tích cực trong sự việc tiêu cực. Khi mình lạc quan, mọi quyết định sẽ dễ dàng thành công. Tất nhiên, đây là lạc quan có cơ sở, chứ không phải lạc quan một cách vô tư!
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét