người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Điều gì cản trở phụ nữ làm kinh doanh?

Hơn 250.000 phụ nữ ở Mỹ chèo lái doanh nghiệp có doanh thu hàng năm lên đến 1 triệu USD và nhiều doanh nghiệp trong số này có trị giá nhiều triệu đôla. Điều này cho thấy nhiều phụ nữ có tầm nhìn, năng lực và sự bền bỉ để tạo nên những doanh nghiệp đầy tham vọng.


Tuy nhiên, theo khảo sát, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo vẫn nhỏ hơn doanh nghiệp của nam giới. Doanh thu trung bình của doanh nghiệp mà nữ giới đứng đầu chỉ chiếm 27% doanh thu của doanh nghiệp do nam giới làm chủ.
Vậy điều gì cản trở phụ nữ làm doanh nghiệp? Bà Sharon Hadary, nguyên giám đốc điều hành kiêm người sáng lập nên Trung tâm nghiên cứu việc kinh doanh của nữ giới Mỹ và hiện đang là phó giáo sư tại trường Đại học Maryland chuyên tư vấn về các vấn đề của phụ nữ, đã dành nhiều thập kỷ tiến hành nghiên cứu các dữ liệu và gặp gỡ những người liên quan bao gồm các doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, chủ ngân hàng và nhiều đối tượng khác. Kết quả cho thấy, phụ nữ thường tự giới hạn tầm nhìn, công việc kinh doanh và những cơ hội giá trị dành cho mình.
Vấn đề nằm ở đâu?
Vấn đề bắt nguồn từ những mục tiêu: Nghiên cứu cho thấy, những khác biệt giữa nữ doanh nhân và nam doanh nhân bắt nguồn từ chính lý do khởi nghiệp. Đàn ông có xu hướng khởi sự kinh doanh để trở thành “ông chủ” và mục tiêu của họ là phát triển doanh nghiệp lớn nhất có thể. Phụ nữ bắt đầu kinh doanh để thử thách bản thân và tìm cách dung hòa giữa công việc và gia đình. Họ giới hạn quy mô doanh nghiệp để có thể tự giám sát mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Phụ nữ thường có xu hướng bỏ qua việc lập kế hoạch cho sự tăng trưởng trong tương lai. Họ thường chỉ tập trung vào kế hoạch khởi sự kinh doanh, tư vấn tiếp thị và lập kế hoạch ngân sách cá nhân để đảm bảo có đủ tiền cho công việc kinh doanh đi vào hoạt động.
Họ không thiết lập những công cụ cần thiết để theo dõi và phân tích thông tin tài chính và hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư vào công nghệ nhằm tạo điều kiện tăng trưởng cho tương lai. Vì vậy, sau một vài năm, nếu muốn mở rộng kinh doanh và cần vốn để làm ăn, nữ doanh nhân có thể không có đủ hồ sơ quản lý tài chính để lên kế hoạch vay ngân hàng. Cuối cùng, một là công việc kinh doanh sẽ tăng trưởng chậm, hai là ngậm ngùi hạ thấp những mục tiêu của mình xuống.
Tiếp cận vốn: Phụ nữ thường làm chủ doanh nghiệp với ít nguồn lực hơn nam giới. Kết quả là họ thường lựa chọn các ngành công nghiệp như dịch vụ bán lẻ hoặc dịch vụ cá nhân, nơi có chi phí thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng.
Phụ nữ có xu hướng xem nợ nần như là một điều xấu cần tránh xa. Để mở rộng nguồn vốn kinh doanh, họ thường chủ yếu lấy từ nguồn thu của doanh nghiệp. Cách này giới hạn tiềm năng tăng trưởng. Nghiên cứu cũng cho thấy, một trong những thế mạnh của nữ giới là xây dựng mối quan hệ, nhưng phụ nữ lại ít khi tập trung gây dựng quan hệ với các chủ ngân hàng. Thiếu đi mối quan hệ này cũng như các kiến thức về các sản phẩm, dịch vụ tài chính lý giải tại sao phụ nữ không thể tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ tài chính tốt hơn.
Khảo sát cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp là nữ giới, nhất là những phụ nữ da màu tin rằng họ sẽ không nhận được tín dụng ngay cả khi họ nộp hồ sơ xin vay vốn. Vì vậy, họ thậm chí không bận tâm để thử. Và nếu như họ nộp đơn xin vay vốn, họ thường thận trọng và yêu cầu mức ít nhất có thể. Điều này cho thấy, phụ nữ không chú tâm đến chuyện tăng trưởng.
Tiếp cận thị trường: Tiềm lực lớn nhất cho tăng trưởng nằm trong lĩnh vực kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với chính phủ. Tuy nhiên, trong nhận thức của nhiều nữ doanh nhân lại tồn tại một suy nghĩ rằng doanh nghiệp do nữ giới làm chủ không có đủ năng lực thực hiện những hợp đồng này và chính điều đó đã hạn chế khả năng họ giành được chiến thắng trong các hợp đồng. Hơn nữa, phụ nữ cũng thường thực hiện các giao dịch mua bán với các nhà cung cấp quen thuộc hơn.
Tiếp cận các mạng lưới: Mạng lưới khách hàng là nguồn cung cấp kiến thức về ngành nghề kinh doanh quan trọng, nhờ đó doanh nhân có thể tìm kiếm hợp đồng, tiếp cận với những người ra quyết định về tài chính, thực hiện mua bán và kết giao với cộng đồng. Hầu hết phụ nữ không có những kết nối quan trọng với các hiệp hội, phòng thương mại, các nhóm đầu tư mạo hiểm và các mạng lưới then chốt khác. Khi phụ nữ kết nối với các mạng lưới khác nhau, họ cũng thường không coi trọng và thường xuyên bỏ qua những cuộc đàm phán hoặc giao dịch.
Phụ nữ cần làm gì?
Thay đổi tư duy: Hầu hết các chủ doanh nghiệp nữ thành công “nghĩ lớn” ngay từ đầu. Do vậy, phụ nữ cần chú ý việc đặt nền tảng cho sự phát triển kinh doanh ngay từ ngày đầu tiên khởi nghiệp, bất kể kế hoạch tăng trưởng hiện tại như thế nào.
Các chủ doanh nghiệp nữ thành công nhất là những người chủ động tìm hiểu về tài chính và ưu tiên xây dựng mối quan hệ với các chủ ngân hàng để huy động vốn những lúc nguy cấp. Do vậy, phụ nữ cần phải được đào tạo vấn đề tài chính doanh nghiệp bao gồm những nội dung như: làm thế nào, khi nào và tại sao sử dụng tín dụng.
Phụ nữ cũng cần loại bỏ nhận thức rằng họ sẽ không có khả năng xin cấp vốn. Cần kiên trì và sẵn sàng thử nhiều con đường bao gồm cả việc thay đổi các thể chế tài chính.
Phụ nữ học từ phụ nữ: nhìn chung phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp với những quan điểm khác nam giới. Kết quả là họ dễ dàng liên hệ việc kinh doanh của mình với kinh nghiệm kinh doanh của các nữ doanh nhân khác. Do vậy, cần chuyển những kinh nghiệm của phụ nữ có doanh nghiệp đang ăn nên làm ra thành các chương trình học tập thực tế dành cho phụ nữ có tham vọng lãnh đạo doanh nghiệp phát triển. Các nhóm kiến thức cần tập trung vào bản chất vấn đề để tìm ra những bài học thực tiễn quý giá và tránh những sai lầm đáng tiếc, học những điều cần làm và những điều không nên làm.
Mạng lưới, mạng lưới và mạng lưới: Các nữ doanh nhân cần mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình ra cộng đồng và các hệ thống doanh nghiệp của phụ nữ. Các nữ doanh nhân thành đạt luôn tham gia vào nhiều mạng lưới, đa dạng hóa hệ thống để học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác, gặp gỡ khách hàng và phát triển các mối quan hệ. Những điều này sẽ giúp phụ nữ đạt được sự tín nhiệm. Phụ nữ cũng nên tiếp cận với những người phụ nữ khác và đưa họ vào mạng lưới của mình.
Cần có thêm nhiều phụ nữ làm lãnh đạo: Các tập đoàn, thể chế tài chính và chính phủ cần bổ nhiệm nữ giới ở các cấp lãnh đạo khác nhau. Các sếp nữ sẽ có nhiều khả năng nhận được tín dụng, sự công bằng và các hợp đồng khi nắm giữ vai trò ra quyết định. Chính sách công có thể phản ánh nhu cầu của các nữ doanh nhân khi nhân viên cấp cao và các quan chức được bầu là phụ nữ.
Khả năng đo lường: Trong kinh doanh, nếu bạn không thể đo lường khối lượng công việc cũng như khả năng thực hiện, xem ra mọi chuyện sẽ trở nên phi thực tế.
Các chủ doanh nghiệp nữ cần biết khai thác khả năng mà mình có. Những phụ nữ thành công nhất đều xây dựng được các quy trình đo lường chất lượng đạt tiêu chuẩn và được công nhận.
Nghĩ lớn hơn: Mặc dù khoảng cách giữa các nữ doanh nhân và các đồng nghiệp nam của họ đang dần được thu hẹp, song sẽ phải mất nhiều thập kỷ để xóa đi ranh giới này.
Chúng ta cần chỉ cho phụ nữ cách thức nắm lấy sự thay đổi; trở thành người đi đầu; đổi mới ngoài mong đợi; tăng cường hội nhập toàn cầu và thực hiện các nghĩa vụ xã hội; mở rộng doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ nhân tài không chỉ cho ngày hôm nay mà trong 5 năm tiếp theo.
Những cách làm này sẽ giúp phụ nữ có bước tăng trưởng nhảy vọt. Điều này cũng đảm bảo để phụ nữ có đủ tiềm năng làm chủ doanh nghiệp và nền kinh tế có đầy đủ lợi ích từ các nhà lãnh đạo nữ giỏi giang, dám nghĩ dám làm


Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Học làm giàu)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét