Nên kín đáo, cẩn trọng khi tính toán và triển khai kế hoạch chuyển đổi nơi làm việc. Và khi có cơ hội mới, nên khiêm tốn và không tỏ ra quá vui mừng.
Tuy nhiên, bài học sinh ra từ các cuộc suy thoái kinh tế chính là không thể trông đợi công việc mới sẽ nhanh chóng đến với bạn. Trong lúc nguy cơ suy thoái kép vẫn đang hiện hữu, thì các công ty vẫn còn e ngại việc thuê nhân viên chính thức. Vì vậy, nếu bạn đang có ý định bỏ việc, hãy lưu ý đến các mẹo nhỏ sau:
1. Giữ bí mật
Đừng tiết lộ với đồng nghiệp rằng bạn đang muốn tìm một công việc mới. Bà Marie Mc Intyre - nhà tư vấn việc làm và là tác giả cuốn sách “Bí mật giành được quyền lực trong công ty” cho biết: “Giám đốc có thể sẽ coi bạn như một kẻ phản bội, vì vậy tốt nhất bạn nên giữ bí mật. Ngay khi họ biết bạn đang tìm một việc làm khác, bạn sẽ bị coi như nhân viên tạm thời và có thể để tuột mất những cơ hội quý giá như thăng chức, tăng lương, được giao dự án hay cử đi tập huấn”.
2. Hãy thử làm công việc mới tại nhà
Trước khi bắt tay vào việc chuẩn bị cho cuộc nói chuyện cuối cùng với ông chủ, hoặc thậm chí là với đồng nghiệp, hãy thử làm công việc mới. Có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng nó không đem lại cho bạn mức lương khá hơn, và bạn sẽ muốn tìm cách duy trì hoặc thay đổi công việc để giữ nguyên mức lương và lối sống hiện tại.
3. Phỏng vấn vào thời gian riêng của bạn
Hãy sắp xếp cuộc phỏng vấn ngoài giờ làm việc hoặc trong lúc ăn trưa, và nếu không thể, hãy dùng luôn kì nghỉ của bạn. Bạn sẽ không muốn bị giám đốc cũ nhận xét trong thư giới thiệu là “Lúc gần chuyển đi thì anh ta chả còn tí hứng thú nào khi làm việc ở chỗ chúng tôi nữa đâu". Hãy sắp xếp lịch thật tốt vì người phỏng vấn rất có thể sẽ đánh giá cao sự tôn trọng mà bạn dành cho ông chủ hiện tại, và thế là bạn đã ghi được điểm trong mắt họ rồi đấy.
4. Kết thúc tốt đẹp
Thực tế, cách tốt nhất để nghỉ việc là nỗ lực cho đến phút cuối – làm việc thật chăm chỉ và hiệu quả hơn bình thường. Điều đó sẽ gây ấn tượng với người phỏng vấn và đảm bảo rằng bạn sẽ nhận được những lời nhận xét tốt đẹp từ ông chủ cũ của mình trong thư giới thiệu. Những câu như: “Phải, chúng tôi thật sự rất tiếc khi anh ấy rời công ty ...” chắc chắn là tốt hơn nhiều so với câu “Thật may vì chúng tôi đã tống khứ được anh ta. Dù sao thì anh ta cũng chẳng giúp ích được nhiều khi ở đây”.
5. Đừng mang theo bất kì tài sản công ty nào
Chắc chắn rằng sau nhiều năm không được tăng lương, bạn sẽ cảm thấy mình hoàn toàn có quyền giữ chiếc laptop mà bạn vẫn dùng ở công ty. Nhưng đừng làm vậy! Bạn sẽ không muốn nhận được những câu nhận xét kiểu như: “Ồ phải, tôi nhớ anh ta chứ. Anh ta đã lấy mất một chiếc laptop của chúng tôi đấy”, và tệ hơn là bạn có thể bị tống vào tù vì tội ăn cắp.
6. Đừng cố tỏ ra là bạn rất vui mừng khi ra đi
Bạn muốn làm gì cũng được, nhưng đừng hành động như thể bạn đang vô cùng sung sướng khi thoát ra được tòa nhà đang cháy. Hãy thử nghĩ xem nếu bạn chỉ trích ông chủ của mình và đi làm việc cho công ty đối thủ, rồi tiếp đó, hai công ty sát nhập và bạn phải đối mặt với người mà bạn vừa mới ăn nói khó nghe. Vậy thì, bạn có lẽ sẽ là cái tên đứng đầu danh sách cho đợt giảm biên chế tiếp theo của công ty.
7. Đừng huênh hoang trong cuộc phỏng vấn hay tại nơi làm mới của bạn
Giống như khi hẹn hò, đừng nói linh tinh về anh chàng bạn mới chia tay dù cho có muốn thế nào đi nữa. Bạn vẫn chưa quen những người mới và bạn càng không thể đoán được liệu có ai trong số họ quen biết hoặc thậm chí là kết hôn với đồng nghiệp cũ của bạn trong công ty trước đây. Thêm nữa, bạn sẽ không muốn gây ấn tượng đầu tiên của mình rằng bạn chỉ là một kẻ ba hoa đâu!
Người ta thường nói bạn có thể đánh giá nhân cách thật sự của một người qua cách anh ta nghỉ việc. Thậm chí kể cả khi bạn vui mừng tột độ khi thoát khỏi đó, thì hãy sắp xếp công việc thật tốt để dành cho người kế nhiệm rồi chào tạm biệt một cách hòa nhã và thân thiện.
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Vnexpress)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét