người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Online viral marketing: Làm chơi ăn thật

Anh ta đến công ty với đôi mắt thâm quầng sau một đêm không ngủ vì mải chơi trò chơi trên Facebook. Trong lúc các nhân viên khác chăm chỉ làm việc, anh ta lại mặc sức lang thang trên các mạng xã hội, tán gẫu, viết blog, bình luận trên các diễn đàn...

Lướt web kiếm tiền
Thực ra, anh ta vào blog, mạng xã hội hay tán gẫu không phải để giải trí, mà là đang làm công việc của người làm online viral marketing (OVM - marketing lan truyền trực tuyến). Phải hiểu rõ những xu hướng cập nhật trên mạng internet, anh ta không khác gì một chiếc radar phải giương mắt vểnh tai nghe ngóng mọi động tĩnh nhằm thiết kế những chiến dịch OVM hiệu quả nhất.
Hơn ai hết, anh ta phải biết tung cuộc thi trên mạng xã hội nào sẽ phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu; ưu điểm, nhược điểm của từng mạng xã hội.
Phải biết chọn các diễn đàn đông người phù hợp để quảng bá sản phẩm và phải làm sao để những người quản lý diễn đàn không những không xóa bài, mà còn hỗ trợ mình.
Anh ta có thể tư vấn cho khách hàng nên liên kết với những blogger đang nổi tiếng để quảng bá sản phẩm, cũng như đưa ra những ý tưởng hay cho chiến dịch digital marketing một sản phẩm nào đó dựa trên việc nhận định các xu thế mới nổi trên internet.
Ví dụ điển hình là nhờ biết Don Nguyễn nổi tiếng trong cộng đồng hát nhép, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim đã thuê anh chàng này hát nhép bài Vọng cổ teen. Rồi khi bài hát nhép của Don Nguyễn gây nên hiện tượng trong cộng đồng mạng, nhiều người đã đổ xô lùng sục bài hát “gốc”, và cô nàng Vĩnh Thuyên Kim nổi lên từ đó.
Vất vả hay nhàn nhã?
Có thể nói, nghề này khá thoải mái vì người làm nghề chỉ ngồi đọc báo mạng, bàn luận, tán gẫu và chơi game. Tuy nhiên, cũng như các chiến dịch digital marketing nói chung, một OVM thường đi kèm với những tiêu chí đo lường (KPI) cụ thể: số người xem, số người đăng ký, tỷ lệ chuyển đổi, số tác phẩm gởi về dự thi..., nên người làm OVM sẽ bị áp lực là phải đáp ứng được các KPI này.
Về mặt thực thi, thông thường, giám đốc OVM sẽ không trực tiếp làm những việc như tung quảng cáo lên các diễn đàn, hay đưa video lên từng trang truyền thông xã hội, mà sẽ có những cộng tác viên hay nhân viên chịu trách nhiệm triển khai.
Tuy nhiên, do “tam sao thất bản”, nên ý tưởng, chủ trương của người trưởng nhóm khi triển khai xuống các thành viên trong nhóm rất có thể bị sai lệch; hoặc cũng có thể do trình độ có hạn, chất lượng công việc của các cộng tác viên (thường là sinh viên) không được như mong đợi.
Thế nên, phụ trách OVM phải theo sát, đôn đốc, điều chỉnh và kịp thời khắc phục hậu quả (nếu có). Về mặt này thì họ cực chẳng khác gì một bảo mẫu.
Đòi hỏi của nghề
Công việc này đòi hỏi người làm nghề phải có bề dày hoạt động trên mạng, chịu khó sục sạo mọi ngõ ngách trong xã hội ảo, trải nghiệm tất cả những xu hướng đang thịnh hành của cư dân mạng. Người làm OVM tối thiểu phải có kinh nghiệm quản lý ít nhất một diễn đàn để hiểu cách vận hành của một diễn đàn cũng như thấu hiểu người dùng.
Họ cần dùng ít nhất 5 loại blog, mạng xã hội, rồi từ nền tảng đó mới có thể phát triển sự hiểu biết của mình về xã hội ảo. Sẽ là một lợi thế nếu người đó đã nổi tiếng trong cộng đồng mạng, quy tụ được một lượng người hâm mộ kha khá và nhờ thế mà việc lan truyền thông điệp cũng dễ dàng hơn.
Thêm vào đó, phải biết chút ít về digital marketing, ít nhất cũng phải biết coi Google Analytics, biết phân biệt SEO và Google Adwords, biết traffic là gì, biết phần mềm email marketing..., nói chung là phải có kiến thức căn bản về digital marketing để hiểu được các thuật ngữ trong ngành.
Hiện nay, hầu hết các công ty digital marketing đều có bộ phận này và được gọi dưới nhiều tên khác nhau như: Forum seeding (nuôi diễn đàn), Community development (phát triển cộng đồng)... Hạng mục công việc có thể có phần giống, có phần khác nhau, nhưng bản chất vẫn là tận dụng mối quan hệ và sự lan truyền trong cộng đồng mạng để quảng bá sản phẩm, thương hiệu hay vận động cho một chiến dịch xã hội nào đó.
Có dễ thành công?
Tuy vậy, trên thực tế, số chiến dịch OVM ở Việt Nam được xem là thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và mỗi người làm công việc này chỉ có khoảng một hoặc hai chiến dịch “để đời”.
Vì nhiều lý do, những chiến dịch OVM không phải lúc nào cũng thành công như mong đợi. Nhiều công ty, ngay cả người trong nội bộ cũng chưa hiểu được tính chất “lan truyền” nằm trong hai chữ “viral marketing” và họ đồng nhất khái niệm “rải link” trên các diễn đàn là “viral marketing”. Vì vậy, người làm viral marketing suốt ngày chỉ làm một việc là rải link (đường dẫn) trên các diễn đàn.
Có nhiều chiến dịch, do khách hàng thay đổi kế hoạch, ngân sách, nên rất có thể ý tưởng ban đầu là tổ chức một cuộc thi hoành tráng, nhưng sau đó lại trở thành một trò chia sẻ ảnh nhận quà linh tinh trên Facebook. Hơn nữa, để một chiến dịch viral thành công, cần phải phối hợp tốt với các kênh khác như Ads banner, bài PR... để kích thích lan truyền vào giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, có thể vì lý do tiết giảm ngân sách cho truyền thông, chiến dịch viral không lan rộng được như mong đợi. Cũng có thể, một số sản phẩm tự thân rất khó làm viral, hoặc khi giới thiệu ra thị trường thì vấp phải sự phản đối tiêu cực từ người tiếp nhận, làm cho chiến dịch viral giảm hiệu quả rất nhiều so với kỳ vọng.
 


Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo ANH THẢO - Community Development Motibee.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét