người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Dễ dãi với bản thân sẽ thất bại suốt đời

Hiroshi Yamauchi được cho là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Nhật Bản với tài sản tương đương 7,8 tỉ USD (theo tạp chí Forbes, 2008). Từ một xưởng sản xuất đồ chơi nhỏ bé do ông nội để lại, Hiroshi Yamauchi đã phát triển Nitendo thành một tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu trên thế giới trị giá hàng tỉ USD, trở thành đối thủ ngang tầm với Sony và Microsoft trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Với thành tích ấy, ông được đánh giá là một trong những người có quyền lực nhất trong thị trường trò chơi điện tử toàn cầu. 



Hiroshi Yamauchi sinh ngày 7/11/1927 tại thành phố Kyoto (Nhật Bản). Tốt nghiệp trung học, khi đang do dự giữa ước mơ trở thành kỹ sư hay luật sư thì cậu bé Hiroshi bị… thất học vì chiến tranh thế giới thứ II nổ ra. Sau khi chiến tranh kết thúc, anh mới có cơ hội vào Trường đại học Waseda. Năm 1949, khi ông nội bị đột quỵ, Hiroshi lại phải bỏ dở việc học, quay về tiếp quản doanh nghiệp của gia đình - xưởng sản xuất đồ chơi Nitendo. Nitendo chủ yếu là sản xuất loại bài giải trí truyền thống của người Nhật là hanafuda, được ông cố của Hiroshi là Fusajiro Yamauchi thành lập năm 1889. 

Do tuổi còn trẻ và thiếu kinh nghiệm quản lý, Yamauchi lập tức gặp nhiều sự chống đối từ phía nhân công. Nhưng với quyết tâm muốn cải tổ Nitendo nhanh chóng, anh đã quyết định sa thải toàn bộ số nhân công cũ, đồng thời đẩy mạnh mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác như vận tải, khách sạn, thậm chí sản xuất loại gạo sấy ăn liền. Thế nhưng, chẳng có lĩnh vực nào trong số đó mang lại thành công cho Nitendo nên Hiroshi quyết định quay lại lĩnh vực kinh doanh truyền thống, tập trung nghiên cứu và phát triển các trò chơi giải trí. Anh đổi tên công ty thành Nintendo Karuta, đặt trụ sở chính tại Kyoto. Thời gian này, bài tây bắt đầu thịnh hành và Yamauchi là người đầu tiên đưa hình thức giải trí này vào thị trường Nhật để cạnh tranh với loại bài giải trí truyền thống hanafuda. Năm 1959, thành công đầu tiên đến với Hiroshi Yamauchi khi anh ký được hợp đồng độc quyền sản xuất loại bài lá làm bằng nhựa plastic với hãng Walt Disney, cung cấp hơn 60 ngàn sản phẩm mỗi năm. Thành công này nhanh chóng đưa Nitendo lên vị trí thống lĩnh thị trường Nhật Bản về lĩnh vực sản xuất loại bài nhựa.

Không muốn giới hạn lĩnh vực kinh doanh của mình chỉ ở lĩnh vực sản xuất các bộ bài giải trí, một lần nữa, Hiroshi Yamauchi đã đổi tên công ty từ Nitendo Karuta thành Công ty Nitendo và đưa công ty này lên sàn chứng khoán. Trên đà phát triển, ông đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất, tuyển thêm các kỹ sư trình độ cao nhằm mở rộng quy mô sang sản phẩm trò chơi điện tử. Nhận thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của loại hình trò chơi video game hồi đầu những năm 1970 tại Nhật Bản, Hiroshi Yamauchi nhanh chóng ký hợp đồng mua bản quyền video game từ Magnavox. Sau đó, Nitendo hợp tác với Tập đoàn Sharp sản xuất loại tivi màu chuyên dùng cho trò chơi này.

Năm 1981, phần mềm trò chơi Donkey Kong ra đời mang lại thành công vang dội cho Nitendo. Sau Donkey Kong, năm 1983, Nitendo trình làng nhân vật video game nổi tiếng nhất trong lịch sử, bán được hơn 193 triệu bản. Đó chính là câu chuyện anh chàng Mario đi cứu công chúa được cả thế giới ưa chuộng đến tận hôm nay. Thành công ngoài sức tưởng tượng của Mario khiến Yamauchi quyết định chọn Mario là linh vật của Nitendo.

Dù đã rất thành công với công nghệ video game hiện đại, Hiroshi Yamauchi vẫn muốn có một sản phẩm giải trí rẻ tiền hơn dành cho tầng lớp bình dân. Thế là chiếc máy trò chơi điện tử điều khiển Famicom (viết tắt từ Family Computer) ra đời, tạo nên cơn sốt trên thị trường Nhật Bản, bán được hơn 500 ngàn máy chỉ trong hai tháng. Đến năm 1988, theo thống kê, cứ ba gia đình người Nhật có một gia đình sở hữu máy Famicom. Năm 1990, phiên bản mới của Famicom là Super Famicom được xuất khẩu sang Mỹ và nhanh chóng chinh phục thị trường khổng lồ này với các trò chơi nổi tiếng như Game Boy, Donkey Kong, Mario… Ngoài ra, Nitendo còn đạt được một số thành công lớn từ các trò chơi như Game Cube và mới đây nhất là Nitendo Wii với thiết bị điều khiển cảm ứng đã vượt mặt PlayStation 3 của Sony và Xbox 360 của Microsoft. Năm 2005, Hiroshi Yamauchi từ chức và rút khỏi Hội đồng Quản trị Nitendo, nhường vị trí cho thế hệ lãnh đạo trẻ hơn.

Từ thành công của mình, Hiroshi Yamauchi đã chia sẻ những bài học giá trị sau:

1. Làm kinh doanh phải sống chết với sản phẩm

“Đó chính là tinh thần tôi học được từ những năm tháng kinh doanh thất bại”, Hiroshi Yamauchi thừa nhận ông đã đưa công ty đến sát bờ vực phá sản vào những năm 1970 khi hấp tấp đẩy mạnh mở rộng việc kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác nhau và rút ra kết luận: “Để đạt được sự thành công đỉnh điểm, người doanh nhân phải hết lòng với sản phẩm, sống chết với ý tưởng của mình cho đến khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Hãy chọn một lĩnh vực thế mạnh và tập trung đầu tư cho đến khi giành được chiến thắng”.

2. Nghiêm khắc

“Mọi sự dễ dãi đều dẫn đến thất bại. Dễ dãi với người thì bạn thất bại một, nhưng nếu dễ dãi với bản thân, bạn sẽ thất bại suốt đời. Tôi thực sự khuyến khích các doanh nhân nghiêm khắc với nhân viên. Chúng ta sẽ không thể phát triển trong cạnh tranh toàn cầu nếu đội ngũ của chúng ta thiếu chặt chẽ và tính kỷ luật cao” - Hiroshi Yamauchi đưa ra lời khuyên với thế hệ trẻ.

3. Biết sử dụng người tài

Thành công của Nitendo phần lớn nhờ vào tài năng sáng tạo và chuyên môn cao của các kỹ sư do chính Hiroshi Yamauchi tuyển dụng. Dù chẳng mấy đam mê các trò chơi do chính công ty ông sản xuất, cũng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng Hiroshi Yamauchi đã rất thành công vì bí quyết sau: “Hãy tìm kiếm người tài giỏi và cung cấp mọi điều kiện để họ làm việc và nghiên cứu. Nitendo không thể cạnh tranh tại thị trường Mỹ nếu chỉ sử dụng công nghệ kỹ thuật cao, Nitendo thành công nhờ vào yếu tố con người”.





SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo DNSGCT)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét