người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Vâng lời

Sự vâng lời không cần đến trí thông minh. Tất cả các loại máy móc đều biết vâng lời; chưa bao giờ có một loại máy móc nào bất phục tùng cả. Sự vâng lời cũng rất đơn giản. Nó nhấc cho bạn gánh nặng trách nhiệm. Không cần phải phản ứng, bạn chỉ việc đơn giản làm theo những gì người ta nói. Trách nhiệm là của người đưa ra mệnh lệnh. Theo một cách nhất định bạn rất tự do: bạn không thể bị lên án vì hành động của chính mình.

Phục tùng mệnh lệnh chỉ là sự ngu dốt; việc bất tuân mệnh lệnh mới cần đến một chút thông minh ở mức độ cao hơn. Bất kỳ một thằng ngốc nào cũng có thể tuân lệnh, trên thực tế thì chỉ có kẻ ngu dốt mới phục tùng mệnh lệnh thôi. Người khôn thì sẽ hỏi tại sao? - "Tại sao tôi lại phải làm việc đó?", và, "Trừ khi tôi được biết lý do và mục đích của việc đó, còn không thì tôi sẽ chẳng đụng chạm đến nó đâu". Rồi người đó sẽ chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Trách nhiệm không phải là trò đùa. Đó là một trong những cách sống thật nhất - mà cũng nguy hiểm nữa - nhưng nó không có nghĩa là bất tuân mệnh lệnh vì mục đích của những kẻ bất tuân. Như thế thì cũng chỉ là ngu dốt mà thôi.

Thế nhưng với việc làm trái ngược những gì người ta sai bảo bạn cũng không thể nâng trí thông minh của mình lên một mức cao hơn được. Bạn vẫn ở cái tầm ấy thôi. Việc vâng lời hay không vâng lời chẳng thể thay đổi trí thông minh được.

Nhưng nó không có nghĩa là bạn sẽ nói không trong mọi tình huống. Đơn giản nó chỉ có nghĩa là bạn phải quyết định có nên làm việc đó hay không, liệu việc đó có ích hay không. Làm như vậy là bạn đã gánh lấy trách nhiệm rồi. Vấn đề không phải là bạn ghét cái người ra lệnh hay ghét bị sai bảo, vì với sự căm ghét đó bạn không thể hành động theo cách tuân lệnh hay bất tuân; thực ra là bạn đang hành động một cách vô thức đáy. Bạn không thể hành động một cách thông minh được.

Khi bạn bị sai bảo làm một việc gì, bạn có được cơ hội để đáp lại. Có thể những gì người ta sai bảo là đúng; thế thì hãy làm theo, và hãy biết ơn người đã nhắc bạn làm việc đó đúng lúc. Có thể những điều đó là không đúng - vậy hãy nói rõ. Hãy nói ra lý do của bạn, tại sao nó lại không đúng; rồi giúp người kia hiểu rằng anh ta đang suy nghĩ chệch đường rồi. Tuy nhiên, sẽkhông có chỗ cho sự thù ghét đâu. Nếu đúng thì hãy làm theo bằng tình yêu.

Nếu nó không đúng, thì sẽ càng cần có nhiều tình yêu hơn nữa, vì bạn sẽ phải nói chuyện với người kia, giải thích cho người đó hiểu rằng như vậy là không đúng.

Vậy nên vấn đề cuối cùng không phải là tuân theo hay bất tuân. Nhìn sâu vào thực tế, nó đơn giản chỉ là vấn đề về sự thông minh - hãy cư xử một cách thông minh. Có khi bạn phải tuân theo, cũng có khi bạn phải nói: "Rất tiếc, tôi không làm vậy được". Tuy nhiên, không có chuyện căm ghét, phẫn nộ hay trả thù ở đây. Nếu lòng căm thù, sự giận dữ hay mong muốn trả thù phát sinh trong bạn, đơn giản nó có nghĩa là bạn hiểu rằng những gì người ta sai bảo là đúng, nhưng nghe theo là đi ngược với cái tôi của bạn; nó làm tổn thưong cái tôi của bạn. Và cảm giác bị tổn thưong đó sẽ bộc lộ dưới dạng thù ghét, căm phẫn.

Thế nhưng vấn đề không phải ở cái tôi của bạn; vấn đề là bạn phải hành động như thế nào - và bạn phải vận động hết trí thông minh của mình để xác định việc đó. Nếu nó đúng thì tuân theo; nếu nó sai thì không làm, thế thôi. Không có mâu thuẫn, không có cảm giác bị tổn thương.

Nếu tuân theo thì dễ hơn; bạn không phải giải thích với ai cả. Nhưng nếu bạn không tuân theo, bạn cần phải giải thích. Và có thể lời giải thích của bạn không đúng. Lúc đó bạn phải quay lại và làm theo. Một người cần phải sống một cách thông minh - thế thôi. Và như vậy tất cả những gì người đó làm đều là trách nhiệm của người đó.

Chúng ta được dạy phải nghe theo những người có quyền lực - cha mẹ, thầy cô, mục sư, Thượng đế. Và chúng ta được dạy là những người nắm giữ quyền lực thì luôn luôn đúng: "Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Và bạn phải tuân theo nó. Việc này thật đơn giản vì nó không cần đến trí thông minh. Nó đơn giản vì người ta không bao giờ có thể nói rằng đó là trách nhiệm của bạn, rằng những gì xảy ra là trách nhiệm của bạn.

Tất cả các quân đội trên khắp thế giới chỉ dạy một điều duy nhất trong chương trình huấn luyện nhiều năm của họ, đó là chấp hành mệnh lệnh. Ở Đức, trong Thế chiến thứ hai, có những người là người tốt, nhưng họ lại là những người đứng đầu các trại tập trung. Họ là những người cha, người chồng, người bạn tốt. Không ai có thể nghĩ được - khi thấy họ sống trong gia đình, với bạn bè, trong câu lạc bộ - rằng những người này đang thiêu sống hàng ngàn người Do Thái mỗi ngày.

Và họ không cảm thấy có tội chút nào, bởi họ chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên. Và họ đã được huấn luyện để làm như vậy, để phục tùng mệnh lệnh. Nó đã thấm vào máu thịt của họ. Khi mệnh lệnh được phát ra, cách duy nhất là phục tùng.

Đó là cách mà bấy lâu loài người vẫn sống cho đến nay, và chính vì thế có thể nói rằng phục tùng mệnh lệnh là một trong những tội ác lớn nhất, bởi tất cả các tội ác đều từ nó mà ra. Nó lấy đi trí khôn của bạn, nó lấy đi sự quyết đoán của bạn, trách nhiệm của bạn. Nó phá huỷ cá nhân của bạn. Nó biến bạn thành một con robot.

Thế nhưng bất tuân không đơn thuần là chống lại sự phục tùng. Bất tuân mang ý nghĩa cao hơn phục tùng và cái gọi là sự bất tuân được định nghĩa trong tự điển. Đơn giản bất tuân là khẳng định trí khôn của bạn: "Tôi nhận lấy trách nhiệm, và tôi sẽ làm những điều đúng đối với trái tim và sự hiện tồn của tôi. Và tôi sẽ không làm bất cứ việc gì đi ngược lại trí khôn của tôi".

Thế nên hãy nhớ rằng, khi nói "bất tuân", điều đó không có ý là thay thế phục tùng bằng bất tuân. Làm như vậy chẳng giúp bạn khá lên được. 'Bất tuân' cần hiểu rõ rằng chính bạn là người quyết định, rằng bạn phải là nhân tố quyết định cho mọi hành động trong cuộc đời bạn. Và điều đó sẽ đem lại cho bạn sức mạnh vô song, bởi trong tất cả những việc bạn làm, bạn đều có lý do chính đáng cho nó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét