người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Nam Phi bắt hai người Việt vận chuyển sừng tê giác

Hai người Việt Nam vừa bị bắt hôm qua tại Nam Phi do vận chuyển trái phép 15 chiếc sừng tê giác.
Những chiếc sừng mà cảnh sát Nam Phi thu được từ hành lý của hai người Việt Nam
Những chiếc sừng mà cảnh sát Nam Phi thu được trong các chiến dịch truy bắt. Ảnh: thegioidongvat.org.

Mạng lưới kiểm soát buôn bán các loài hoang dã TRAFFIC dẫn lời giới chức Nam Phi cho biết, trong lúc kiểm tra đột xuất một phương tiện giao thông công cộng gần thành phố Beaufort West tại tỉnh Western Cape, Nam Phi, cảnh sát phát hiện trong hành lý của hai người Việt Nam có 15 chiếc sừng tê giác được gói kín bằng nilon. Một người lập tức bị bắt, còn người kia chạy trốn, nhưng sau đó bị bắt tại một khách sạn.

Ông Pelham Jones, người phát ngôn của Hiệp hội những người sở hữu tê giác tư nhân Nam Phi tiết lộ, hai người Việt Nam sẽ bị xét xử vào ngày 7/12.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cán bộ dự án cấp cao của TRAFFIC tại Đông Nam Á, nói rằng đây không phải lần đầu tiên người Việt tham gia buôn bán, vận chuyển sừng tê giác ở Nam Phi, chủ yếu là tê giác trắng. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong công tác phòng chống buôn lậu sừng tê giác song chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính là lỗ hổng luật pháp.

“Hàng năm Nam Phi cấp phép săn bắn thể thao tê giác với một số lượng có hạn. Sau đó những người bắn tê giác được phép mang sừng về nhà và đó là chiến lợi phẩm hợp pháp của họ. Nhiều người không làm như thế mà bán sừng để kiếm lời”, bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, tê giác trắng ở Nam Phi chưa đến mức sắp tuyệt chủng và được xếp vào phụ lục II Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng). Điều đó có nghĩa là việc buôn bán chúng và các sản phẩm từ chúng nếu có giấy phép CITES không bị cấm. Vì thế những kẻ buôn lậu lợi dụng kẽ hở này để lấy giấy phép săn bắn.

Quần thể tê giác trắng ở Nam Phi đang bị suy giảm rất nhanh kể từ năm 2008. Riêng 11 tháng đầu năm nay 268 con tê giác ở Nam Phi đã bị sát hại để lấy sừng - gấp hơn hai lần số lượng tê giác bị giết năm 2009.

Tê giác được xếp vào một trong 5 loài thú lớn còn sót lại trên toàn cầu. Nam Phi có hình phạt rất nặng - lên tới 10 năm tù - dành cho tội buôn bán, bắn giết bất hợp pháp tê giác.

Hương Thu - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét