Trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 19 HĐND TP HCM sáng nay, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc của cử tri trước vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này tồn tại rất nhiều năm, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND TP đã đầu tư nhiều tiền của nhưng chưa hiệu quả.
Đại biểu Đặng Văn Khoa "ôm" theo một chồng tranh ảnh ông chụp được để minh chứng cho về sự ô nhiễm trên dòng kênh Ba Bò (quận Thủ Đức, TP HCM). "Dòng kênh này đã hôi thối cách đây 10 năm trước kéo dài đến nay gây bức xúc cho hàng chục ngàn con người ở khu vực này, đặc biệt là những đứa trẻ", ông Khoa bức xúc.
Ngừng lời, ông cúi xuống cầm những bức ảnh ô nhiễm ở con kênh này giơ cao trước hội trường. Đó là hình ảnh một bà mẹ nước da ngăm đen đang đưa chiếc bánh cho đứa con bên cạnh một đoạn kênh đầy rác thải trắng xóa. Hay đó là ông bố bế đứa bé nhỏ xíu nhăn mặt đang nhặt rác bên dòng kênh...
Ông Đặng Văn Khoa đưa những bức tranh ô nhiễm ở kênh Ba Bò trong kỳ họp. Ảnh: Vũ Mai. |
"Những con người ở đây quá nghèo khổ. Nhiều lần tôi đi xuống tận nơi, nghe họ tâm sự mà xót xa. Thu nhập mỗi tháng của họ chỉ hơn 300.000 đồng nhưng ngày ngày phải mua thuốc để khử mùi hôi thối. Tôi tự hỏi, trong lúc này đây các chủ doanh nghiệp làm cho dòng kênh ô nhiễm đang ở đâu? Tôi cho rằng họ đang ở các cuộc đấu giá từ thiện nào đó", ông Khoa đanh thép.
Ông nghị này cũng cho biết thêm, nguyên nhân chính làm cho kênh Ba Bò ô nhiễm là do các doanh nghiệp thuộc KCN Sóng Thần, Đồng An (thuộc tỉnh Bình Dương) xả thải đổ về. "Tuy TP đã lập kế hoạch, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo nhưng đến nay vẫn còn ô nhiễm nặng, hôi thối và đen khịt. Ở kỳ họp lần này, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị cho đến khi chấm dứt", ông Khoa nói.
Cùng chung đánh giá sự ô nhiễm môi trường ở thành phố đã đạt mức nghiêm trọng, ông Trương Vĩ Kiến cho biết, tại kỳ họp lần trước đã có một số kiến nghị các giải pháp bảo vệ môi trường, tuy nhiên đến nay vẫn "án binh bất động".
"Ngoài việc đưa ra các mức xử phạt nghiêm đối với các doanh nghiệp xả thải, cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra giám sát. Nếu các cơ quan này không thực hiện tốt công việc thì cần xử phạt nghiêm khắc. Ngoài ra, cần mạnh tay tẩy chay những sản phẩm của các đơn vị gây ô nhiễm", ông nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Đăng Nghĩa thì cho rằng, nếu vấn đề ô nhiễm không làm được trong kỳ họp này, dây dưa đến những kỳ họp sau thì chẳng khác gì "bắt cóc bỏ dĩa".
"Chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm đã kết thúc năm 2006, nhưng cho đến giờ này vẫn còn 41 cơ sở, vậy nguyên nhân vì sao chưa di dời được, thành phố phải có báo cáo cụ thể về việc này. Ngoài ra, vấn đề rác và những chất thải, đặc biệt là chất thải hầm cầu cũng cần có biện pháp xử lý thích hợp", ông Nghĩa bức xúc.
Bày tỏ sự trăn trở, đại biểu Dương Minh Quang đặt ra câu hỏi, thành phố đã đầu tư bao nhiêu tiền vào việc xử lý ô nhiễm môi trường nhưng kết quả mang lại ở đâu? "Xí nghiệp Hưng Thái thuộc KCN Vĩnh Lộc gây ô nhiễm, hôi thối cho cư dân xã Bà Điểm đã được UBND TP chỉ đạo xử lý, nhưng đến nay đâu vẫn vào đấy", ông nói.
Sự bức xúc về vấn đề môi trường khiến các đại biểu đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường phải có mặt trả lời chất vấn dù không có trong kế hoạch.
Ông Phạm Minh Trí nêu những vấn đề an sinh xã hội tại kỳ họp. Ảnh: Vũ Mai. |
Cũng trong buổi thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Minh Trí còn bày tỏ những bức xúc của cử tri liên quan đến vấn đề an sinh xã hội.
Ông cho rằng, người dân thành phố rất phấn khởi với những thành tựu mà TP HCM đã đạt được trong thời gian qua nhưng với tình hình dân sinh như hiện tại thì niềm vui ấy chỉ còn một nửa. "Thành phố tự hào là địa phương tăng 1,7% GDP với cả nước, nhưng tăng trưởng này đã tạo ra những hệ lụy liên quan đến an sinh xã hội. Tăng trưởng cao, nhưng chất lượng và hiệu quả thấp, chưa hài hòa về dân trí, dân sinh", ông nói
Vị đại biểu kể, trong những lần đi thực tế đến các bệnh viện, tình trạng hai bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh là "hằng hà xa số". Thậm chí, ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân phải nằm la liệt ngoài hành lang.
Từ đó, vị đại biểu này kiến nghị UBND TP HCM nên nhìn nhận lại, đánh giá đúng mức những mặt được và những cái còn hạn chế yếu kém để thành phố phát triển theo đúng chủ trương đã đề ra.
Dự kiến trong phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp này (9/12), Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giáo dục Đào tạo và Công an TP HCM sẽ là những đơn vị đăng đàn. Những chất vấn của các đại biểu sẽ xoay quanh vấn đề: tiến độ và chất lượng của các công trình giao thông; sụt lún; vận chuyển hành khách công cộng; giáo dục mầm non ngoài công lập; bạo lực học đường; phòng chống tội phạm; nạn đua xe trái phép… |
Vũ Mai - Tá Lâm - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét